Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Giành quyền vận hành khách sạn nổi tiếng ở Sài Gòn, Marriott đang kinh doanh ra sao? (Kỳ 1)

Vietstock 2 Tuần trước

Giành quyền vận hành khách sạn nổi tiếng ở Sài Gòn, Marriott đang kinh doanh ra sao? (Kỳ 1)

Ngày 10/9, bảng hiệu InterContinental được gỡ khỏi khách sạn ngay ngã tư đường Hai Bà Trưng - Lê Duẩn, quận 1, TPHCM sau 15 năm và thay vào đó là JW Marriott - một thương hiệu nổi tiếng trong phân khúc hạng sang của Tập đoàn Marriott International. Ít ai biết được gã khổng lồ ngành lưu trú này đang có chiến lược mở rộng mạnh mẽ tại Việt Nam trong thời gian tới.

* InterContinental Saigon đổi tên thành JW Marriott Hotel & Suites Sài Gòn

“Thêm một quý thuận lợi nữa”

Đó là lời mở đầu của ông Anthony Capuano - người nhậm chức CEO Marriott từ năm 2021, thay thế cố CEO Arne M. Sorenson - trong buổi chia sẻ định kỳ về kết quả kinh doanh quý 2/2024 của tập đoàn khách sạn gần 100 năm tuổi, đồng thời cho biết nhu cầu đi lại tiếp tục mạnh mẽ ở hầu hết thị trường trên toàn thế giới.

Cần lưu ý rằng, chiếm phần lớn trong tổng doanh thu và chi phí của Marriott lần lượt hơn 4.7 tỷ USD và 4.6 tỷ USD từ các khoản thu/chi có hoàn lại. Nghĩa là Tập đoàn sẽ thay mặt các chủ sở hữu khách sạn thực hiện các khoản chi trong quá trình vận hành như chi phí lương nhân viên, chi phí bảo trì…và được chủ khách sạn hoàn lại sau đó. Chênh lệch khoản thu và chi trong quý 2 khoảng 83 triệu USD, giảm 9% so với cùng kỳ.

Marriott hiện đang quản lý, phát triển hơn 30 thương hiệu khách sạn trên toàn cầu như JW Marriott, Sheraton, Fairfield by Marriott, The Ritz-Carlton, Renaissance Hotels, Le Meridien...Tổng doanh thu (theo tiêu chuẩn kế toán Mỹ GAAP) quý 2 năm nay của Marriott đạt hơn 6.4 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023. Chi phí vận hành các loại (không bao gồm lãi vay) hơn 5.2 tỷ USD, tăng 5.3%. Sau khấu trừ, Tập đoàn thu gần 1.2 tỷ USD từ hoạt động kinh doanh, cải thiện 9%.

Nguồn thu chính của Marriott vẫn từ các loại phí (gồm phí quản lý cơ sở, phí nhượng quyền và phí quản lý khuyến khích) đạt hơn 1.3 tỷ USD, tăng 7%. Dữ liệu cho thấy, tổng doanh thu từ phí của gã khổng lồ khách sạn tiếp tục vươn lên mạnh mẽ trong quý 2, chạm mốc cao kỷ lục, bất chấp ngành du lịch chịu tác động nặng nề bởi đại dịch trước đó.

Diễn biến doanh thu từ phí và lãi ròng hàng quý của Marriott từ năm 2019 (Đvt: tỷ USD)

Nguồn: Người viết tổng hợp

Hoạt động nhượng quyền, cấp phép vẫn đóng vai trò chủ lực, mang về 818 triệu USD, tăng gần 11%. Phí quản lý khuyến khích 195 triệu USD, tăng thêm chỉ 2 triệu USD, do ảnh hưởng kém từ Trung Quốc cùng với tỷ giá không thuận lợi. 

Ngoài các khoản phí, doanh thu từ các tài sản do Marriott sở hữu/cho thuê và nguồn thu khác khoảng 395 triệu USD, tăng 5 triệu USD so với cùng kỳ. Chênh lệch thu từ các chi phí được hoàn lại là 83 triệu USD, giảm 9%.

Điểm trừ của Marriott trong bức tranh tài chính nằm ở mức tăng 24% chi phí lãi vay, ghi nhận 173 triệu USD, do vay nhiều hơn. Dù vậy, lãi ròng vẫn đạt 772 triệu USD, cải thiện 6.3%.

Cuối tháng 6/2024, tổng tài sản của Tập đoàn khoảng 25.7 tỷ USD, biến động không đáng kể so với đầu năm. Giá trị thương hiệu của Marriott chiếm tỷ trọng tương đối lớn, 5.8 tỷ USD. Nợ dài hạn 12.1 tỷ USD, chiếm một nửa tổng nợ phải trả. Số tiền chi cho cổ phiếu quỹ lũy kế khoảng 23 tỷ USD, tăng 2 tỷ USD, làm vốn chủ sở hữu âm hơn 2 tỷ USD.

Trong quý 2, Marriott tiếp tục mua lại 4.1 triệu cp với tổng trị giá 1 tỷ USD. Tính từ đầu năm đến hết ngày 29/07, Tập đoàn đã chi tổng cộng 2.5 tỷ USD để mua lại 10.4 triệu cp, qua đó hoàn trả 2.8 tỷ USD cho các cổ đông thông qua cổ tức và chương trình mua lại cổ phần.

Nguồn thu từ các loại phí của Marriott so với cùng kỳ năm 2023 (Đvt: tỷ USD)

Nguồn: Người viết tổng hợp

Cơ cấu các nguồn thu của Marriott trong quý 2/2024

Nguồn: Người viết tổng hợp

Ảm đạm tại Trung Quốc

Tăng doanh thu trong kỳ của Tập đoàn chủ yếu nhờ vào sự gia tăng RevPAR (Revenue per Available Room - doanh thu trên mỗi phòng khả dụng) và tăng trưởng số lượng phòng.

Dẫn đầu mức tăng RevPAR là thị trường châu Á - Thái Bình Dương (APEC, không bao gồm Trung Quốc) với 13%, nhờ hưởng lợi từ các xu hướng vĩ mô mạnh mẽ và sự gia tăng du lịch xuyên biên giới. Riêng Nhật Bản tăng đến 21%. Trong khi đó, RevPAR tại Trung Quốc ghi nhận giảm 4% do áp lực kinh tế vĩ mô dẫn đến cầu trong nước giảm.

Lãnh đạo Công ty đánh giá kết quả quý 2 tích cực một phần nhờ tăng phí thu từ thẻ tín dụng đồng thương hiệu, cũng như phí gắn thương hiệu cho các dự án nhà ở.

Bất chấp các điều kiện thị trường bất lợi, chúng tôi đã vượt trội so với các đối thủ cạnh tranh và đạt được chỉ số RevPAR trên toàn khu vực trong quý 2. Chỉ số RevPAR toàn cầu của chúng tôi hiện nay, vốn dĩ đang vượt trội trong ngành, cũng đã tăng trở lại trong quý này” - vị CEO nói và cho biết, một trong những khác biệt lớn trong quý 2 là sự cải thiện đáng kể lượng khách từ Trung Quốc du lịch đến các khu vực khác trên thế giới. Các khách sạn tại APEC đã hưởng lợi từ nhu cầu du lịch của nhóm khách hàng thu nhập cao ở Trung Quốc.

Ông Anthony Capuano - CEO Marriott

Và đó là lý do tại sao chúng ta thấy hiệu suất RevPAR vượt trội như vậy trong quý 2 trên khắp APEC, nổi bật là Nhật Bản” - ông Anthony Capuano chỉ ra, đồng thời dự báo thị trường Trung Quốc sẽ tiếp tục yếu trong ngắn hạn nếu không có sự thay đổi chính sách mạnh mẽ từ chính quyền. Số liệu cho thấy, RevPAR tại đây tiếp tục giảm 10% trong tháng 7.

Quý 2, Marriott bổ sung ròng khoảng 15,500 phòng, tăng gần 1% so với quý liền trước và tăng 5.3% so với đầu năm, phần lớn tại thị trường Mỹ và Canada; đưa số lượng trên toàn hệ thống lên khoảng 9,000 khách sạn với hơn 1.6 triệu phòng; trong đó Mỹ và Canada chiếm 63% tổng số phòng.

Hệ thống nhượng quyền, cấp phép đạt hơn 1 triệu phòng, chiếm 64% toàn hệ thống; 77% số này thuộc khu vực Mỹ và Canada. Theo sau là hệ thống phòng do Tập đoàn trực tiếp quản lý, chiếm 34%, hơn 568,000 phòng. Tỷ lệ phòng do Marriott sở hữu/cho thuê và căn hộ không đáng kể.

Quy mô phòng của Marriott tính đến cuối quý 2/2024 (Đvt: phòng)

Nguồn: Người viết tổng hợp

Quý 2 chứng kiến thị trường quốc tế đều khả quan, ngoại trừ Trung Quốc. Đứng đầu trong việc cải thiện tỷ lệ lấp đầy là APEC, đạt 71%, tăng 4.3%. Trong khi đó, Trung Đông và châu Phi báo tăng mạnh nhất giá phòng bình quân ngày, 11.2%, lên khoảng 174 USD. Riêng Trung Quốc giảm 5.1% giá phòng, còn 113 USD; cải thiện về tỷ lệ lấp đầy cũng ở mức thấp nhất, chỉ 0.7%.

Theo người đứng đầu Marriott, hoạt động chuyển đổi (sang sử dụng thương hiệu của Marriott) tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng, chiếm 37% số lượng mở và 32% thỏa thuận được ký kết. Các khách sạn đã chuyển đổi thành 23 thương hiệu Marriott khác nhau trong 12 tháng qua.

Số lượng phòng của Marriott theo phân khúc (Đvt: phòng)

Nguồn: Người viết tổng hợp

Top 5 thương hiệu có số phòng nhiều nhất trong mô hình nhượng quyền, cấp quyền của Marriott (Đvt: phòng)

Nguồn: Người viết tổng hợp

Diễn biến RevPAR hàng quý tại một số thị trường của Marriott từ năm 2019 (Đvt: USD)

Nguồn: Người viết tổng hợp

2023 - năm của những kỷ lục, sở hữu thương hiệu thứ 31

Năm ngoái, Marriott phục hồi đáng kể từ sau đại dịch COVID-19. Tập đoàn có thương hiệu thứ 31 sau khi mua lại chuỗi thương hiệu tầm trung giá rẻ City Express tại khu vực Caribe và Mỹ Latinh (CALA). Thương vụ đưa gã khổng lồ trở thành công ty khách sạn lớn nhất CALA nhờ bổ sung 150 khách sạn và khoảng 17,500 phòng vào hệ thống.

Tổng doanh thu từ phí của năm 2023 đạt cột mốc mới: 4.8 tỷ USD, tăng 18%. Phí quản lý khuyến khích đạt 755 triệu USD, tăng 42% so với năm 2022 và gấp 3 lần năm 2021; qua đó giúp Marriott lãi ròng hơn 3 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2022 và gấp 3 lần năm 2021.

Diễn biến doanh thu các loại phí của Marriott trong 20 năm qua - Nguồn: Marriott

Marriott cho biết đã ký số lượng kỷ lục các thỏa thuận quản lý và nhượng quyền thương hiệu, trung bình gần 2.5 giao dịch mỗi ngày, tương đương khoảng 164,000 phòng trên toàn cầu. Tại Mỹ và Canada mang về thêm 91,000 phòng, cao nhất từ trước đến nay.

Các hợp đồng khách sạn và khu nghỉ dưỡng hạng sang năm ngoái cũng ở mức kỷ lục, đạt từ 58 lên 245, bao gồm hơn 20 khách sạn dự kiến mở cửa vào năm 2024. “Danh mục hạng sang của Tập đoàn vẫn chưa có đối thủ”, Marriott tự tin khẳng định trong một báo cáo đầu năm nay. Điểm nhấn khác của năm 2023 là việc khai trương Rissai Valley, một khu nghỉ dưỡng Ritz-Carlton Reserve, đánh dấu khách sạn thứ 500 của Công ty tại Trung Quốc.

Công ty cho biết, mức phí thu được trên mỗi phòng vào năm 2023 khoảng 2.7 ngàn USD, cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp khác như Hyatt, Hilton, IHG hay Accor. Đồng thời cho thấy Tập đoàn có khả năng thương mại hóa các phòng của mình tốt hơn so với các đối thủ cạnh tranh, thông qua việc tận dụng thương hiệu, mạng lưới và các dịch vụ khác để tạo ra lợi nhuận cao hơn trên mỗi phòng.

Xuất phát điểm của Tập đoàn Marriott là công ty kinh doanh bia rễ do J.Willard Marriott thành lập vào năm 1927 và mất đến 20 năm tiếp theo để mở khách sạn đầu tiên tại bang Virginia, Mỹ.

Cái tên Marriott International xuất hiện từ năm 1993, sau khi tách khỏi Tập đoàn Marriott. Còn Tập đoàn Marriott đổi tên thành Tập đoàn Host Marriott. Đến năm 1998, Marriott International lại một lần nữa được tách ra thành Marriott International, Inc. gồm các mảng lưu trú, dịch vụ phân phối và dịch vụ chăm sóc người cao tuổi; và cái tên còn lại là Sodexho Marriott Services.

Mức phí thu được trên mỗi phòng của Marriott so với các đối thủ cạnh tranh thời điểm tháng 9/2023

Nguồn: Marriott

Thị phần khách sạn ở khu vực Mỹ và Canada thời điểm tháng 9/2023

Nguồn: Marriott

*Pineline: hệ thống phòng khách sạn đang trong quá trình phát triển, gồm: đã được phê duyệt, đang trong quá trình xây dựng hoặc sắp khai trương

Thị phần của Marriott và đối thủ cạnh tranh trên toàn cầu thời điểm tháng 9/2023

Nguồn: Marriott

Tử Kính

FILI

Xem bản gốc