Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất thu nhập từ chuyển nhượng tài sản số (gồm tài sản ảo, tài sản mã hóa) sẽ phải chịu thuế. Điều kiện áp dụng là mua bán thực hiện trên sàn giao dịch có quản lý minh bạch, công khai về giá và có tần suất thường xuyên.
Mức thuế suất dự kiến áp dụng là 0,1% trên giá trị chuyển nhượng của từng lần giao dịch, tương tự đang áp dụng với chứng khoán.
Về bức tranh sở hữu các loại tài sản số tại Việt Nam hiện nay, theo báo cáo của Triple-A năm 2024, hơn 20% dân số nước ta sở hữu tài sản số (crypto). Việt Nam cũng nằm trong nhóm ba quốc gia đứng đầu về chỉ số chấp nhận crypto theo dữ liệu của công ty phân tích Chainalysis, với mức độ phổ cập cao gấp 3-4 lần so với trung bình toàn cầu.
Trước đây, hoạt động giao dịch, sở hữu tài sản số chưa có hành lang pháp lý rõ ràng. Song Luật Công nghiệp công nghệ số, được Quốc hội ban hành trong tháng 6 và có hiệu lực từ 1/1/2026, lần đầu quy định tài sản số là tài sản theo pháp luật dân sự hiện hành. Đây cũng là cơ sở để cơ quan thuế áp dụng chính sách thuế tương ứng. Trước đó, theo đại diện Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính), khi tài sản số được kinh doanh, mua bán như một loại tài sản thì nhà chức trách sẽ thu thuế theo quy định. Các loại thuế có thể được tính toán thu gồm giá trị gia tăng (VAT), thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân...
Ngoài tài sản số, trong lần sửa luật này, Bộ Tài chính cũng đưa một số đối tượng vào nhóm thu nhập khác để áp thuế thu nhập cá nhân. Chẳng hạn, thu nhập từ chuyển nhượng tên miền internet quốc gia Việt Nam, chứng chỉ giảm phát thải, tín chỉ carbon, trái phiếu xanh. Các khoản thu nhập từ chuyển nhượng biển số ôtô trúng đấu giá cùng với xe gắn biển số trúng đấu giá cũng phải chịu thuế.
Theo đó, mức thuế thu nhập được xác định bằng thu nhập tính thuế nhân với thuế suất 5% - tương đồng với thu nhập từ bản quyền, nhượng quyền thương mại hiện nay). Thu nhập tính thuế là phần vượt trên 10 triệu đồng mà người nộp thuế nhận được theo từng lần phát sinh.
Liên quan đến công tác rà soát, quản lý các tài sản số, vừa qua, trong Công điện số 104/CĐ-TTg ngày 6/7/2025 về tăng cường hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và tổ chức sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ các dự thảo Nghị định quy định chi tiết các Luật, Nghị quyết thuộc lĩnh vực tài chính được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 9, bảo đảm có hiệu lực đồng thời với Luật; trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết về thí điểm thị trường tài sản mã hóa trước ngày 15/7/2025.
Bình luận về viêc xây dựng khung pháp lý cho các hoạt động giao dịch tài sản số, ông Will Ross, Giám đốc Tiếp thị và Phân phối của Dragon Capital Việt Nam cho rằng cần tạo ra môi trường sao cho nhà đầu tư có thể tự tin rót vốn vào nhiều loại tài sản khác nhau, thay vì chỉ tập trung vào một số kênh truyền thống, trong đó phổ biến như mua vàng tích trữ.
Ông Richard Teng, CEO Binance - sàn giao dịch tiền số lớn nhất thế giới đánh giá dù có luật hay không, việc áp dụng tài sản số đã diễn ra trên thế giới với tốc độ rất mạnh. Đó là xu hướng tất yếu khó đi ngược. Theo đó, tại Mỹ, các nhà lãnh đạo đã "đánh cược" về blockchain. Ngoài ra, ngày càng nhiều tổ chức và định chế tài chính lớn cũng công nhận tiền số và tham gia tích cực vào thị trường. Điều này càng đòi hỏi các quốc gia khác phải theo kịp.
Do đó, ông Richard Teng, CEO Binance đề xuất cần khung pháp lý "thông minh", vừa quản lý được rủi ro nhưng vẫn tạo ra không gian sáng tạo để doanh nghiệp trong nước cạnh tranh toàn cầu và thu hút vốn nước ngoài.