Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Giữa “cơn bão” thuế quan, đồng yên Nhật là “hầm trú ẩn” được ưa chuộng

Vneconomy 19 Giờ trước

Ngoài vàng, đồng yên Nhật và đồng franc Thụy Sỹ đang là những tài sản an toàn được giới đầu tư toàn cầu ưa chuộng, trong bối cảnh kế hoạch thuế quan đối ứng của Tổng thống Donald Trump khiến đồng USD trượt dốc không phanh và những tài sản có độ rủi ro cao hơn như cổ phiếu bị bán tháo. Một số dự báo cho rằng đồng yên sẽ tiếp tục tăng giá mạnh trong thời gian tới.

Phiên sáng nay (4/4) tại thị trường châu Á, đồng USD hồi giá nhẹ so với đồng yên, đạt khoảng 1 USD đổi 146,2 yên - theo dữ liệu từ hãng tin CNBC.

Trong phiên ngày 3/4 tại thị trường New York, đồng USD sụt 2,6% so với yên, về mức 1 USD đổi 145,45 yên. Bạc xanh cũng giảm hơn 3% so với franc Thụy Sỹ, còn 1 USD đổi 0,8554 franc. Đây là các mức tỷ giá cao nhất của yên Nhật và franc Thụy Sỹ so với USD trong 6 tháng trở lại đây.

THẾ BẤT LỢI CỦA ĐỒNG USD

Ngoài ra, đồng USD cũng trượt giá mạnh so với các đồng tiền chủ chốt khác trong rổ tiền tệ của chỉ số Dollar Index. Đồng euro tăng 2,4% so với USD trong phiên ngày 3/4, đạt 1 euro đổi 1,1109 USD. Đây là phiên tăng giá mạnh nhất của đồng tiền chung châu Âu so với USD kể từ tháng 12/2015, đồng thời là mức tỷ giá cao nhất của euro trong vòng 6 tháng trở lại đây.

Đồng bảng Anh tăng giá 1,1% so với USD, đạt 1 bảng tương đương 1,3155 USD - theo dữ liệu của hãng tin CNBC.

Chỉ Dollar Index chốt phiên cùng ngày ở mức 102,07 điểm, thấp nhất kể từ tháng 10/2024 và giảm gần 1,7% so với phiên trước - theo dữ liệu từ trang MarketWatch. Sáng nay, chỉ số tiếp tục trượt dốc, về dưới mốc 102 điểm. Trong vòng 5 phiên trở lại đây, Dollar Index giảm hơn 2%, nâng tổng mức giảm từ đầu năm lên hơn 6%.

Thuế quan đối ứng của ông Trump, với thuế suất cơ sở 10% và lên tới khoảng 50%, đang phủ bóng đen lên triển vọng kinh tế toàn cầu và dẫn tới một cơn hoảng loạn trên thị trường tài chính. Song song với bán tháo cổ phiếu và nhiều loại hàng hóa cơ bản, nhà đầu tư đổ xô mua vàng, yên Nhật, franc Thụy Sỹ và trái phiếu chính phủ có định hạng tín nhiệm cao như trái phiếu kho bạc Mỹ.

“Điều rút ra ở đây là Mỹ bây giờ không quan tâm đến chuyện tăng trưởng kinh tế, ít nhất là tăng trưởng trong ngắn hạn. Thị trường muốn đầu tư vào những nơi có tăng trưởng mạnh, nhưng chính quyền Mỹ lại cho thấy họ không tìm cách tối đa hóa tăng trưởng, hoặc họ đưa ra một ý tưởng khác để đạt được sự tăng trưởng đó. Và tôi cho rằng việc này khiến thị trường hoảng sợ”, trưởng phân tích tiền tệ Adam Button của công ty ForexLive nhận định với CNBC.

Các số liệu kinh tế Mỹ gần đây đã cho thấy dấu hiệu suy yếu của nền kinh tế. Một báo cáo công bố ngày 3/4 của Viện Quản lý nguồn cung Mỹ (ISM) cho thấy hoạt động dịch vụ ở nước này trong tháng 3 giảm xuống mức thấp nhất trong 9 tháng. Trước đó, các cuộc khảo sát cho thấy tâm lý người tiêu dùng và doanh nghiệp suy giảm mạnh, hoạt động tiêu dùng cũng suy yếu trong khi lạm phát có chiều hướng cao dai dẳng trên mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).

Dù vậy, báo cáo hàng tuần của Bộ Lao động Mỹ công bố ngày thứ Năm cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu giảm trong tuần trước. Đây là một dấu hiệu cho thấy thị trường lao động còn ổn định.

“Các số liệu thống kê không có nhiều ý nghĩa vào thời điểm này, vì đều phản ánh những gì đã xảy ra. Giờ là lúc nhà đầu tư nhìn về những gì có thể sẽ xảy đến, bao gồm hệ thống thương mại toàn cầu được định hình lại, và cố gắng hình dung điều đó sẽ diễn ra trong bao lâu và gây ra những tác động như thế nào”, ông Button nói.

Ngân hàng Deutsche Bank ngày 3/4 cảnh báo có khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng niềm tin đối với đồng USD, cho rằng những dịch chuyển lớn về dòng vốn có thể sẽ khiến tỷ giá các đồng tiền không còn diễn biến phù hợp với các yếu tố nền tảng và trở nên hỗn loạn.

“Sự suy yếu của đồng USD có thể sẽ kéo dài vì thuế quan đối ứng đặt ra nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ”, chiến lược gia cấp cao David Song của trang Forex.com nhận định. Ông Song cho rằng dấu hiệu giảm tốc của kinh tế Mỹ có thể sẽ buộc Fed tiếp tục giảm lãi suất.

ĐỒNG YÊN CÓ CƠ HỘI TĂNG GIÁ LÊN CAO HƠN

Trung Quốc - một trong những nước bị ông Trump đánh thuế quan mạnh nhất - chứng kiến đồng nội tệ giảm giá mạnh trong phiên ngày 3/4. Tỷ giá đồng nhân dân tệ tại thị trường đại lục giảm xuống mức thấp nhất gần 2 tháng. Tại thị trường ngoài đại lục, tỷ giá nhân dân tệ cũng có lúc xuống đáy 2 tháng trước khi hồi nhẹ về 7,2866 nhân dân tệ đổi 1 USD.

Tuy nhiên, đồng peso Mexico và đồng đôla Canada cùng tăng giá do hai nước đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ không bị áp thuế đối ứng sau khi đã bị ông Trump áp thuế quan 25% từ trước. Phiên ngày 3/4, đồng USD giảm giá hơn 1% với cả hai đồng tiền này.

Về đồng yên Nhật, ngân hàng Goldman Sachs dự báo tỷ giá yên có thể tăng về cận dưới của khoảng 140-150 yên đổi 1 USD vì nhu cầu phòng ngừa rủi ro sẽ tiếp tục thúc đẩy giới đầu tư mua yên để có được sự trú ẩn.

Ông Kamakshya Trivedi, trưởng chiến lược ngoại hối và lãi suất toàn cầu của Goldman Sachs, nhận định yên là đồng tiền phòng hộ tốt nhất cho nhà đầu tư trong trường hợp kinh tế Mỹ suy thoái. Nếu đạt mức 140 yên đổi 1 USD, yên cần tăng giá 7% từ mức hiện tại. Dự báo của Goldman Sachs lạc quan hơn so với dự báo trung vị mà các nhà phân tích đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Bloomberg là đồng yên đạt 145 yên đổi 1 USD vào cuối năm nay.

“Đồng yên có khuynh hướng tăng giá mạnh nhất khi lãi suất thực ở Mỹ và thị trường chứng khoán Mỹ cùng giảm”, ông Trivedi nói với hãng tin Bloomberg.

Gần đây, Goldman Sachs điều chỉnh dự báo về chính sách tiền tệ của Mỹ trong năm nay, cho rằng Fed sẽ giảm lãi suất 3 lần thay vì 2 lần như dự báo trước đó vì áp lực mà chính sách thuế quan của ông Trump đặt ra cho kinh tế Mỹ.

Cũng theo ông Trivedi, nếu báo cáo việc làm phi nông nghiệp tháng 3 mà Bộ Lao động Mỹ dự kiến công bố vào ngày 4/4 xấu hơn dự báo, “đó là sẽ là một tâm điểm quan trọng hơn nhiều đối với nhà đầu tư trên thị trường ngoại hối và giới đầu tư toàn cầu nói chung, vì họ đang rất quan tâm tới triển vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ. Với mối lo ngại về kinh tế Mỹ, đồng yên là một sự phòng hộ tốt”.

Diễn biến tỷ giá USD/yên trong 1 năm trở lại đây. Lần gần đây nhất yên đạt mức 140 yên đổi 1 USD là vào tháng 9/2024. Đơn vị: yên/USD. Diễn biến tỷ giá USD/yên trong 1 năm trở lại đây. Lần gần đây nhất yên đạt mức 140 yên đổi 1 USD là vào tháng 9/2024. Đơn vị: yên/USD.

Tuy nhiên, đặt cược vào đồng yên không phải là không có rủi ro. Đồng tiền này đã mất giá trong 4 năm qua do chênh lệch lãi suất giữa Nhật Bản với Mỹ. Tháng 7/2024, yên giảm giá còn 161,95 yên đổi 1 USD, mức thấp nhất kể từ năm 1986.

Năm nay, các quỹ phòng hộ đã giảm vị thế đặt cược vào sự giảm giá của yên, nhưng đồng yên vẫn đang bị bán khống. Ngoại trừ một vài giai đoạn ngắn, giới đầu cơ đã đặt cược vào sự mất giá của yên kể từ đầu năm 2021 đến nay.

Vào thời điểm này năm ngoái, ông Trivedi và các nhà phân tích của Goldman Sachs dự báo tỷ giá USD/yên ở các mức 155, 150 và 145 yên đổi 1 USD tương ứng sau thời gian 3, 6, và 12 tháng. Đồng yên đã giảm giá về hơn 155 yên đổi 1 USD vào tháng 4/2024 và giao dịch ở mức 145-146 USD yên đổi 1 USD ở thời điểm hiện tại.

“Đồng yên có dư địa để tăng giá trong kịch bản kinh tế xấu đi này, trong đó chúng tôi và thị trường cho rằng khả năng suy thoái đã tăng lên”, ông nói.

Xem bản gốc