UBND TP.Hà Nội cho biết việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về chợ trên địa bàn Thành phố nhằm từng bước đầu tư, cải tạo hoàn thiện mạng lưới chợ, đảm bảo các chợ hiện có hoặc sẽ đầu tư đáp ứng được yêu cầu về hạ tầng kinh doanh, khắc phục tình trạng cơ sở vật chất xuống cấp, phòng cháy chữa cháy, văn minh thương mại; xử lý dứt điểm việc hình thành, tồn tại chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn…
Theo đó, phấn đấu đến hết năm 2025, 100% các xã, phường, thị trấn hiện chưa có chợ nhưng có nhu cầu phát triển chợ được rà soát đưa vào Danh mục mạng lưới chợ trên địa bàn Thành phố; đầu tư xây mới, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, mở rộng các chợ đang hoạt động đảm bảo thiết thực, hiệu quả, chống lãng phí theo đúng những tiêu chí quy định, phát huy đầy đủ công năng, nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội, văn minh thương mại; 100% chợ được xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa phải đảm bảo tiêu chuẩn chợ an toàn thực phẩm theo quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy, văn minh thương mại, an ninh trật tự.
Cụ thể đối với hoạt động đầu tư xây chợ mới, xây dựng lại, Hà Nội dự kiến khởi công 34 chợ. Trong đó, quận Bắc Từ Liêm có 4 chợ; huyện Quốc Oai 8 chợ; huyện Thanh Trì 5 chợ; huyện Thường Tín 3 chợ; huyện Mê Linh, Gia Lâm 2 chợ; còn lại quận Đống Đa, Hà Đông, Tây Hồ và huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ, Phú Xuyên, Thạch Thất, Đông Anh, thị xã Sơn Tây đều có 1 chợ.
Ngoài ra, về đầu tư cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, dự kiến khởi công 71 chợ trên địa bàn Thành phố. Các quận Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Đống Đa, mỗi quận sẽ có 1 chợ; quận Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Long Biên, huyện Chương Mỹ, Thanh Trì, Sóc Sơn, Hoài Đức, Phú Xuyên, Ba Vì, thị xã Sơn Tây, mỗi quận/huyện/thị xã có 2 chợ; quận Tây Hồ và huyện Đan Phượng, Thạch Thất, Mê Linh, Đông Anh, mỗi quận/huyện 3 chợ; huyện Quốc Oai, Mỹ Đức, Thanh Oai, mỗi huyện 4 chợ; huyện Ứng Hòa, Thường Tín, mỗi huyện 6 chợ; riêng huyện Phúc Thọ 8 chợ.
UBND TP giao Sở Công Thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp cùng với các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch. Chủ trì, phối hợp các Sở, ngành liên quan hướng dẫn, đôn đốc UBND các quận, huyện, thị xã tập trung xây dựng, thẩm định và trình, duyệt theo thẩm quyền các nội dung về quản lý nhà nước về chợ. Thực hiện thanh tra, kiểm tra công tác quản lý nhà nước về chợ trên địa bàn Thành phố theo quy định pháp luật hiện hành.
UBND TP yêu cầu đảm bảo thiết thực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về chợ trên địa bàn của các cấp, các ngành. Đầu tư cải tạo, phát triển hệ thống chợ trên địa bàn Thành phố đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định. Phân công nhiệm vụ rõ ràng, đảm bảo phối hợp chặt chẽ, linh hoạt giữa các cấp, các ngành của Thành phố, các đơn vị quản lý kinh doanh khai thác chợ, các tiểu thương và người dân trong quá trình thực hiện công tác phát triển và quản lý chợ trên địa bàn Thành phố.