Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Hà Nội kiểm soát chặt không để phát sinh phức tạp trong đấu giá đất

Báo xây dựng 1 Tháng trước

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã và đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc giải pháp nâng cao hiệu quả đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn.

Hà Nội kiểm soát chặt, không để phát sinh phức tạp trong đấu giá đất
Phiên đấu giá 36 thửa đất do trả giá cao bất thường tại Phiên đấu giá đất xã Quang Tiến ngày 29/11. (Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN)

Trước những diễn biến bất thường tại một số phiên đấu giá quyền sử dụng đất gần đây, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã và đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc giải pháp nâng cao hiệu quả đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông yêu cầu các đơn vị trên phải đánh giá hiệu quả của việc giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất; không tổ chức đấu giá các khu đất, thửa đất có giá khởi điểm thấp, không có khả năng bù đắp được chi phí, nguồn lực đầu tư tạo quỹ đất (gồm chi phí giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng...), các khu vực có giá đất theo bảng giá của thành phố thấp hơn chi phí giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật; đề xuất chuyển mục đích sử dụng sang làm các khu tái định cư phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư trên địa bàn hoặc công trình công cộng phục vụ địa phương.

Đặc biệt, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã và đơn vị liên quan phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật, Chính phủ và Ủy ban Nhân dân thành phố tại Điều 7 Quyết định số 61/2024/QĐ-UBND ngày 27/9/2024; nghiêm túc kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh việc đấu giá quyền sử dụng đất theo Công điện số 82/CĐ-TTg ngày 21/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố tại Văn bản số 3119/UBND-TNMT ngày 20/9/2024 và hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Văn bản số 8751/STNMT-QHKHSDĐ ngày 01/11/2024.

Đồng thời, căn cứ thực tế tổ chức đấu giá tại địa phương và quy định của pháp luật có liên quan, chủ động đề xuất các giải pháp cụ thể (giải pháp, cách thức tổ chức thực hiện...) để kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo đấu giá quyền sử dụng đất đúng quy định, có hiệu quả kinh tế cao theo quy định pháp luật, công khai, minh bạch.

Theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã báo cáo đề xuất Ban Thường vụ quận ủy, huyện uỷ, thị ủy chỉ đạo các cơ quan trong hệ thống chính trị vào cuộc, hỗ trợ các cơ quan nhà nước thực hiện các kịp thời các biện pháp, đảm bảo không phát sinh phức tạp, ổn định thị trường bất động sản trên địa bàn thành phố.

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc và tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo đề xuất Ủy ban Nhân dân Thành phố trong tháng 2/2025.

Theo tin TTXVN đã đưa, ngay sau khi có dấu hiệu bất thường tại Phiên đấu giá 58 thửa đất tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn dẫn đến 36 thửa đất đấu giá không thành công tổ chức ngày 29/11, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường phối hợp các đơn vị liên quan khẩn trương điều tra xác minh, làm rõ các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật của các đối tượng.

Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tăng cường rà soát, kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn và xử lý nghiêm đối với các hành vi lợi dụng chính sách pháp luật để hoạt động vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đấu giá tài sản nói chung và đấu giá quyền sử dụng đất nói riêng trên địa bàn thành phố.

Tối 3/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công thành phố Hà Nội đã ra Quyết định tạm giữ đối với 5 đối tượng về hành vi "Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản", được quy định tại Khoản 2 Điều 218 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Cụ thể, tại vòng đấu thứ 5, các đối tượng này đã đưa ra mức giá rất cao, vượt xa giá khởi điểm; thậm chí có đối tượng còn đưa ra mức giá trên 30 tỷ đồng/m2 (cao gấp khoảng 12.000 lần mức giá khởi điểm)…

Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố đang củng cố tài liệu, chứng cứ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can, xử lý nghiêm các đối tượng liên quan theo quy định.

Trước đó, vào tháng 3/2024, tại phiên đấu giá 33 thửa đất của huyện Hoài Đức cũng có dấu hiệu vi phạm tương tự như phiên đấu giá của huyện Sóc Sơn nên đã bị hủy bỏ. Đáng chú ý, ngay tại vòng 1 của phiên đấu giá, 15 thửa đất được trả giá lên tới 100-180 triệu đồng/m2, trong khi giá khởi điểm khoảng 57 - 62 triệu đồng/m2.

Tuy nhiên, tại vòng 2, khách hàng trả giá cao nhất lại không trả giá để cố tình bị truất quyền, tạo điều kiện cho người trả thấp hơn ở vòng 1 trúng đấu giá.

Đơn vị tổ chức đấu giá của huyện xem xét thấy có dấu hiệu vi phạm quy định về đấu giá nên đã niêm phong toàn bộ hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá, phiếu trả giá để chuyển cơ quan chức năng điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Hay tại huyện Thanh Oai, phiên đấu giá 22 lô đất tại thôn Văn Quán, xã Đỗ Động ngày 30/11 cũng đấu giá bất thành.

Theo lãnh đạo huyện Thanh Oai, các vòng đấu đầu tiên vẫn diễn ra bình thường, đến vòng thứ 8 (khi giá trả cao nhất ở mức 70,3-80,3 triệu đồng/m2), trong khi giá khởi điểm khoảng 5,3 triệu đồng/m2 thì khách hàng đồng loạt bỏ cuộc, không trả giá tiếp nên các lô đất đấu giá không thành công../.

Xem bản gốc