Habeco chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu Bia hơi Hà Nội cho công ty con với yêu cầu khắt khe
Trong năm 2025, CTCP Bia Hà Nội - Thanh Hóa (HNX: THB) tiếp tục ký hợp đồng nhận chuyển giao công nghệ và chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu “Bia hơi Hà Nội” với công ty mẹ là Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco, HOSE: BHN).
Nhãn hiệu Bia hơi Hà Nội của Habeco. Nguồn: Habeco
Dự thảo hợp đồng do THB công bố ngày 27/12 không tiết lộ phí phải trả đối với việc nhận chuyển giao công nghệ và quyền sử dụng nhãn hiệu nhưng BCTC kiểm toán năm 2023 của THB cho thấy doanh nghiệp này phát sinh giao dịch "phí nhãn hiệu bia" với công ty mẹ hơn 483 triệu đồng, còn mục "phí bản quyền" sau 9 tháng đầu năm 2024 là gần 359 triệu đồng.
Không chỉ vậy, dự thảo lần này để lộ một loạt điều khoản khắt khe từ Habeco nhằm đảm bảo việc THB sẽ sử dụng nhãn hiệu Bia hơi Hà Nội đúng mục đích để đạt hiệu quả cao nhất.
Habeco – công ty mẹ nắm 55% vốn THB – đang là chủ sở hữu độc quyền công nghệ sản xuất sản phẩm Bia hơi Hà Nội và sẽ cho phép THB sử dụng nhãn hiệu này trong sản xuất, tiêu thụ, truyền thông quảng bá thương hiệu nhưng chỉ giới hạn trong tỉnh Thanh Hóa.
Nhãn hiệu cũng không được phép bán trên thị trường hàng miễn thuế nếu không được công ty mẹ đồng ý trước. THB không được chuyển giao nhãn hiệu cho bên khác trừ khi được Habeco chấp thuận và công ty con sẽ phải chịu trách nhiệm nếu bán cho khách hàng mua với ý định “để xuất khẩu hoặc bán ra ngoài khu vực tỉnh Thanh Hóa”.
Habeco sẽ chuyển giao công nghệ và chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu Bia hơi Hà Nội để THB sản xuất các sản phẩm loại 30 lít và 2 lít, với số lượng men bia và các nguyên vật liệu cần thiết sẽ lấy từ phía công ty mẹ hoặc từ các nhà cung cấp do chính Habeco chỉ định nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Điều khoản lưu ý về việc THB không được triển khai sản xuất thương mại sản phẩm trừ khi được sự chấp thuận trước bằng giấy chứng nhận sẵn sàng sản xuất chính thức từ phía Habeco. Công ty con cũng không được tham khảo ý kiến của bất kỳ chuyên gia hay đơn vị tư vấn kỹ thuật nào khác ngoài công ty mẹ.
THB có trách nhiệm cập nhật liên tục và kịp thời hàng tồn kho cũng như sử dụng nguyên vật liệu, sản phẩm trên phần mềm SAP của Habeco. Trường hợp sai lệch giữa tồn kho thực tế và trên phần mềm mà không giải trình được nguyên nhân sẽ phải chịu phạt.
Khi phát hiện vấn đề về chất lượng sản phẩm, công ty mẹ yêu cầu THB “hết sức nỗ lực thu hồi lại bất cứ sản phẩm kém chất lượng nào đã được đưa vào kinh doanh”, và phải xử lý theo cách thức được chỉ định từ phía Habeco, thậm chí ngừng sản xuất cho đến khi có sự xác nhận trở lại từ công ty mẹ. THB cũng sẽ bán hàng với giá do Habeco đưa ra, tùy thuộc từng thời kỳ.
Nếu trong 2 năm liên tục, doanh số bán sản phẩm của THB không đạt ít nhất 75% số lượng đề ra trong kế hoạch đã được duyệt trước đó, thỏa thuận hợp tác này có thể bị chấm dứt.
THB trước đây là nhà máy bia Thanh Hóa, một doanh nghiệp có vốn Nhà nước thành lập năm 1989 và trở thành một phần của Habeco từ năm 2003. Công ty đang sở hữu các thương hiệu bia “đậm chất” Thanh Hóa như bia Thabrew, bia Thabrew Silver, bia Thanh Hóa…
Các quy định ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ bia rượu nhiều năm qua khiến biên lợi nhuận gộp của THB liên tiếp sụt giảm. Đây có thể là một phần nguyên nhân thúc đẩy sự hợp tác chuyển quyền sản xuất lẫn sử dụng thương hiệu Bia hơi Hà Nội.
Năm 2023, tỷ lệ lợi nhuận gộp trên doanh thu công ty con Habeco còn 7.6% và chỉ bằng khoảng 1/3 so với đỉnh cách đây 10 năm. Lãi ròng năm 2023 cũng chỉ 5 tỷ đồng, rất thấp so với 37 tỷ đồng năm 2014. Còn sau 9 tháng đầu năm 2024, chủ thương hiệu bia Thabrew chỉ kiếm được hơn 1.3 tỷ đồng lợi nhuận, thấp nhất kể từ khi lên sàn năm 2008.
Lãi ròng THB không còn duy trì như 10 năm trước | ||
Các sản phẩm bia của THB. Nguồn: THB
Tử Kính
FILI
- 17:35 03/01/2025