Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Hai ông lớn ngành thuốc bảo vệ thực vật: Cuộc đua ngã ngũ

Vietstock 3 Giờ trước

Hai ông lớn ngành thuốc bảo vệ thực vật: Cuộc đua ngã ngũ

Trong khi CTCP Khử trùng Việt Nam (HOSE: VFG), thành viên của The PAN Group, đang có những đột phá về hiệu quả kinh doanh, CTCP Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG) lại tự đánh mất thế mạnh và đang vật lộn với khủng hoảng tài chính.

Một thời, VFG và Lộc Trời là 2 doanh nghiệp dẫn đầu trong nước về thị phần thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và cùng là đối tác phân phối của Syngenta - hãng thuốc BVTV hàng đầu thế giới đến từ Thuỵ Sỹ.

Tuy nhiên, từ năm 2022, Lộc Trời và Syngenta đã chấm dứt mối hợp tác kéo dài hơn một thập kỷ giữa 2 bên, và làm dấy lên hoài nghi về sự ảnh hưởng kéo theo sau đó. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2022, Tổng Giám đốc Lộc Trời khi đó là ông Nguyễn Duy Thuận từng khẳng định: "Công ty không bị ảnh hưởng gì từ việc chấm dứt hợp đồng với một đối tác phân phối, Công ty luôn chuẩn bị sẵn sàng trong mọi hoạt động. Lợi nhuận của Công ty cũng như ngành vật tư nông nghiệp hầu như không thay đổi".

Tuy nhiên, thực tế, việc Syngenta chấm dứt hợp tác khiến doanh thu mảng thuốc BVTV của Lộc Trời giảm từ mức 5,120 tỷ đồng năm 2021 về 4,403 tỷ đồng năm 2022 (giảm 14%) và chỉ còn 4,219 tỷ đồng năm 2023.

Dễ hiểu bởi chiến lược của Lộc Trời không còn tập trung vào thuốc BVTV, nhưng xét cho cùng thì mảng này vẫn có tỷ suất lãi gộp cao nhất, trong khi hiệu quả kinh doanh lúa gạo rất "nhỏ giọt".

Riêng quý 1/2024, mảng thuốc BVTV mang lại biên lãi gộp tới 43% dù doanh thu mảng này giảm 40% xuống 371 tỷ đồng. Ngược lại, mảng lương thực - lúa, gạo đóng góp tới 85% tổng doanh thu, đạt 3,286 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ nhưng biên lãi gộp chưa đến 3%.

Đến nay, Lộc Trời vẫn chưa thể công bố BCTC quý 2 và BCTC bán niên 2024 đã được soát xét khi Công ty đang phải vật lộn với cơn khủng hoảng tài chính cùng với nhiều biến động trong bộ máy lãnh đạo.

Đây cũng là lý do khiến Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa quyết định đưa hơn 100 triệu cp LTG vào diện hạn chế giao dịch từ ngày 24/10, đồng nghĩa cổ phiếu LTG chỉ được giao dịch vào phiên thứ Sáu hàng tuần trên sàn UPCoM.

Vật lộn với khủng hoảng tài chính

Về tình hình tài chính, nửa đầu năm 2024, Lộc Trời không thanh toán đúng hạn tiền mua lúa của các hộ nông dân vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long và tính đến ngày 31/03/2024, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 434 tỷ đồng. Mặt khác, dư nợ quá hạn thanh toán từ 6 tháng đến dưới 2 năm của Lộc Trời tăng từ 54 tỷ đồng lên xấp xỉ 488 tỷ đồng, gấp 9 lần chỉ trong năm 2023.

Lộc Trời lỗ 3/5 quý gần nhất, lỗ đậm nhất 327 tỷ đồng quý 3/2023

Không chỉ vậy, Lộc Trời chứng kiến xáo trộn bộ máy lãnh đạo. Công ty vừa bổ nhiệm ông Nguyễn Tấn Hoàng - Kế toán trưởng Công ty - làm Tổng Giám đốc từ ngày 16/10/2024, thay thế ông Nguyễn Duy Thuận, người đã bị miễn nhiệm vào tháng 7.

Trước đó, nhiều nhân sự khác cũng từ chức như bà Nguyễn Thị Thúy - Thành viên BKS; ông Johan Sven Richard Boden - Thành viên HĐQT; ông Tiêu Phước Thạnh - Thành viên BKS.

Căng thẳng chưa dừng tại đó, đầu tháng 9, Lộc Trời đã gửi công văn tới UBND tỉnh An Giang yêu cầu áp dụng biện pháp ngăn chặn ông Nguyễn Duy Thuận vì đã có hành vi gian dối, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, gây thất thoát tài sản của Công ty.

Cú nhảy vọt ngoạn mục của VFG

Từng là "đối thủ" cạnh tranh lớn nhất với Lộc Trời, VFG lại đang thể hiện bộ mặt hoàn toàn trái ngược khi có những đột phá trong kết quả kinh doanh kể từ sau cú “bắt tay” với Syngenta ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược từ tháng 1/2022.

Trước đó, giai đoạn 2014-2021, VFG đều đặn thu từ 1,900-2,300 tỷ đồng/năm, lập kỷ lục gần 3,000 tỷ đồng vào năm 2022, sau đó phá đỉnh gần 3,300 tỷ đồng năm 2023. Lãi ròng cũng xô đổ kỷ lục lần lượt 229 tỷ đồng năm 2022 và 296 tỷ đồng năm 2023, tăng mạnh so với bình quân 140 tỷ đồng giai đoạn trước.

Kết quả kinh doanh 10 năm qua của VFG

Trong 9 tháng đầu năm 2024, lãi ròng của VFG thậm chí đạt hơn 354 tỷ đồng, mức cao nhất lịch sử và gần gấp đôi cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch lãi sau thuế kỷ lục 300 tỷ đồng, Công ty vượt 18% kế hoạch năm.

Kết quả tích cực chủ yếu đến từ quý 3/2024 khi VFG ghi nhận hơn 885 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước, trong khi giá vốn chỉ tăng 8%. Kết quả, Công ty lãi gộp 271 tỷ đồng, tăng 55%; biên lãi gộp được nới rộng từ mức 23.5% cùng kỳ lên 30.6%.

Không chỉ tăng doanh số bán hàng, VFG còn phát sinh phần lãi trong công ty liên kết gần 169 tỷ đồng, cùng kỳ không ghi nhận. Đây là yếu tố chính giúp Công ty lãi ròng 194 tỷ đồng, mức lợi nhuận hàng quý cao nhất trong lịch sử và gấp gần 3 lần cùng kỳ.

Công ty cho biết do hoàn tất việc xử lý tranh chấp tại Công ty TNHH Hải Yến và đã được Tòa án công nhận thỏa thuận về tỷ lệ vốn góp và phân chia quyền lợi các bên tham gia góp vốn, làm cho lợi nhuận hợp nhất tăng.

Tại ngày 30/09/2024, Công ty Hải Yến đã được chuyển thành công ty con của VFG, sở hữu 66.67% vốn, theo quyết định của Tòa án Khánh Hòa ngày 19/08/2024.

Năm 2006, VFG và Công ty Xuất nhập khẩu Tổng hợp 3 (Centrimex) cùng góp vốn thành lập Công ty Hải Yến để xây dựng Khách sạn Novotel Nha Trang, vốn điều lệ 60 tỷ đồng, trong đó VFG góp 67% vốn, còn lại Centrimex góp 33%. Sau đó, 2 bên thống nhất tăng vốn điều lệ Hải Yến lên 90 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau thời hạn cam kết hoàn tất góp vốn, Centrimex mới góp được 5.77 tỷ đồng. Để cứu Hải Yến và Dự án Novotel Nha Trang không bị thu hồi, VFG đã phải đầu tư thêm vốn vào Công ty Hải Yến và phát sinh tranh chấp.

Sự việc bị kéo dài thêm do sau đó, Centrimex sáp nhập vào Công ty Thực phẩm và Đầu tư (Fococev). Việc tranh chấp này khiến VFG chưa thể hợp nhất lợi nhuận phát sinh từ kinh doanh khách sạn Novotel Nha Trang vào lợi nhuận của Công ty dù khách sạn đã đi vào khai thác từ tháng 11/2008.

Khách sạn Novotel Nha Trang

Thế Mạnh

FILI


Cổ phiếu LTG về dưới mệnh, nhận thêm án hạn chế giao dịch

Xem bản gốc