Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Hải Phòng điều chỉnh tăng giá đất ở tại hơn 1.900 tuyến đường

Vneconomy 3 Tuần trước

Theo đánh giá của sở Tài nguyên và Môi trườnnhiềg TP. Hải Phòng, thời gian qua, thị trường đất đai của Hải Phòng sôi động, nhiều khu vực giá đất có sự biến động, tăng khá lớn, khiến Hải Phòng cần điều chỉnh giá đất nhằm minh bạch thị trường bất động sản, tạo điều kiện thuận lợi để cơ quan nhà nước tính toán nghĩa vụ tài chính đối với các cá nhân, tổ chức sử dụng đất.

CẦN ĐIỀU CHỈNH VÌ GIÁ ĐẤT TĂNG CAO

Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hải Phòng cho biết năm 2024, giá đất của nhiều loại đất như: đất ở, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, đất thương mại dịch vụ, đất trồng lúa và trồng cây hàng năm trên địa bàn Hải Phòng có sự biến động tăng mạnh so với bảng giá đất do UBND thành phố quy định.

Cụ thể, khi Hải Phòng thực hiện xác định giá đất cụ thể, giá đất khởi điểm để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất ở tại khu vực đô thị mới Bắc sông Cấm (trên địa bàn xã Tân Dương, huyện Thuỷ Nguyên), dự án khu vui chơi giải trí, nhà ở và công viên sinh thái đảo Vũ Yên (trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên và quận Hải An), giá đất ở cũng như đất thương mại dịch vụ tại các khu vực này đều có biến động lớn, tăng từ 2,17 lần đến 3,97 lần so với bảng giá đất đang được thành phố Hải Phòng áp dụng.

Không chỉ giá đất ở tại các khu vực đang phát triển đô thị tăng cao, giá đất ở tại các khu vực nông thôn như khu vực xã An Đồng (huyện An Dương), khu vực khu phố Hà Sen (huyện đảo Cát Hải) khi Hải Phòng thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất ở cũng tăng từ 1,2 đến 1,6 lần so với bảng giá đất hiện đang được thực hiện.

Đất ở tại các khu vực đô thị cũ cũng ghi nhận có sự biến động lớn về giá. Tại các khu vực phường Kênh Dương, phường Vĩnh Niệm (quận Lê Chân), khu vực đường Đông Khê 2 (quận Ngô Quyền) khi thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất ở để triển khai các dự án chỉnh trang đô thị, giá đất ở tại các khu vực này cũng được ghi nhận tăng từ 1,82 đến 3 lần so với giá đất ở được quy định tại bảng giá đất.

Giá đất sản xuất phi nông nghiệp cũng có sự biến động theo hướng tăng cao. Tại khu vực xã Trung Lập (huyện Vĩnh Bảo), khu vực phường Đằng Giang (quận Ngô Quyền), khi xác định giá đất khởi điểm để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất sản xuất phi nông nghiệp, giá loại đất này cũng tăng từ trên 1,6 đến 2,4 lần so với bảng giá đất đang áp dụng.

Đất xây dựng nhà ở xã hội, đất thương mại dịch vụ tại các khu công nghiệp cũng tăng đáng kể về giá. Dự án nhà ở xã hội Pegatron tại phường Đông Hải 2 (quận Hải An) có giá tính tiền sử dụng đất tăng 1,3 lần so với bảng giá đất được ban hành. Các dự án Nhà máy chế biến đá ốp lát cao cấp Hưng Thịnh (tại Cụm công nghiệp Tiên Lãng, huyện Tiên Lãng), dự án đầu tư xây dựng khu dịch vụ logistics và kho bãi container (tại lô CN119-12, phường Đông Hải 2, quận Hải An), dự án Nhà máy sản xuất bao bì carton (trên địa bàn xã Lê Thiện, huyện An Dương) đều có giá đất tính tiền sử dụng đất tăng từ 1,2 đến 1,65 lần so với bảng giá đất hiện hành.

Bên cạnh đó, UBND các quận, huyện khi thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất ở cũng đều ghi nhận giá trúng đấu giá tại một số khu vực tăng cao so với giá khởi điểm.

Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hải Phòng nhận định trước thực trạng giá đất biến động tăng, bảng giá đất đang áp dụng ổn định cho thời kỳ 2021- 2025 cần được điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế. Có như vậy mới thuận lợi trong việc tính tiền bồi thường khi nhà nước thu hồi đất, tính thuế sử dụng đất, tiền sử dụng đất cho hộ gia đình cá nhân (khi được công nhận và chuyển mục đích sử dụng đất), tính tiền sử dụng đất khi bán nhà thuộc sở hữu nhà nước, tính tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, tiền lệ phí trong quản lý, sử dụng đất.

GIÁ ĐẤT KHU VỰC ĐÔ THỊ MỚI TĂNG TRÊN 300%

Theo đề xuất của sở Tài nguyên và Môi trường, trong đợt điều chỉnh này, Hải Phòng sẽ thực hiện điều chỉnh giá đất tại 2.329 tuyến, đoạn đường trên địa bàn thành phố. Trong số này có 1.919 tuyến đường, đoạn đường trên địa bàn các quận, huyện được điều chỉnh tăng giá. Các đường, đoạn tuyến đường còn lại không có biến động về giá. Đây là những tuyến đường mới được xây dựng và những đoạn tuyến đường được gộp lại. Do các tuyến đường mới được đầu tư xây dựng, lần đầu được xác định giá đất nên không có biến động về giá. Các đoạn tuyến đường được gộp lại cũng tương tự.

Theo đó, các tuyến đường Cầu Đất (quận Ngô Quyền), Tô Hiệu (quận Lê Chân), Quang Trung (quận Hồng Bàng) và đường Điện Biên Phủ (trên địa bàn 2 quận Hồng Bàng, Ngô Quyền) là những tuyến đường phố chính của đô thị cũ Hải Phòng có mức giá cao nhất 120 triệu đồng /m2. Mức giá đất tại các tuyến phố này được giữ nguyên mức giá đất từ những năm trước. Tuyến đường thuộc địa bàn xã Xuân Đám (huyện đảo Cát Hải) có mức giá 1,7 triệu đồng/m2, đây được xác định là tuyến đường có mức giá đất ở thấp nhất trong số các tuyến đường, đoạn đường của Hải Phòng.

Đối với 1.919 tuyến đường được đề nghị tăng giá, có tới 1.143 tuyến đường, đoạn đường giá đất ở được đề xuất tăng trên 80% so với bảng giá cũ. 249 tuyến đường, đoạn đường có mức tăng từ 60 - 80% so với bảng giá hiện hành. 166 tuyến đường, đoạn đường có mức giá đất ở tăng từ 40- 60% so với giá đất cũ. 159 tuyến đường, đoạn đường có mức tăng từ 20- 40% so với bảng giá đất hiện hành. Chỉ có 77 tuyến đường, đoạn đường có mức tăng dưới 20% so với bảng giá đất đang được thực hiện.

Cũng theo dữ liệu tổng hợp, đề xuất từ Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hải Phòng, trong số 5 huyện ngoại thành, có 3 huyện Cát Hải, Tiên Lãng và Vĩnh Bảo có giá đất ở tăng trung bình tương ứng từ 116% đến 184% so với mức giá đất ở hiện hành. Các huyện An Lão, Kiến Thuỵ có giá đất ở tăng trung bình từ 300% đến 323% so với giá đất ở cũ, thậm chí giá đất ở tại thị trấn của các huyện này có nơi tăng gấp hơn 7,3 đến hơn 10 lần.

Trong số 7 quận nội thành thì 4 quận Hồng Bàng, Kiến An, Lê Chân, Ngô Quyền có mức giá đất ở tăng trung bình từ 54% đến 78% so với mức giá đất cũ. Tại 3 quận còn lại là Hải An, Dương Kinh, Đồ Sơn mức giá đất ở được xác định tăng trung bình từ 104% đến 157% so với mức giá đất hiện hành.

Tại 2 huyện An Dương, Thuỷ Nguyên là những địa phương được chuyển đổi thành khu vực đô thị từ đầu năm 2025 cũng có mức tăng giá mạnh mẽ. Giá đất ở trên địa bàn An Dương tăng trung bình 168% so với giá đất ở hiện hành. Giá đất ở trên địa bàn Thuỷ Nguyên nơi được chia thành 2 khu vực nông thôn và đô thị, khu vực đất ở nông thôn tăng trung bình 373%, khu vực đất ở đô thị tăng trung bình 244% so với giá đất ở hiện hành.

Bên cạnh đó, giá đất của các loại đất thương mại dịch vụ, đất sản xuất kinh doanh, phi nông nghiệp (không phải đất thương mại dịch vụ) trên địa bàn thành phố Hải Phòng cũng có sự điều chỉnh tăng giá mạnh. Trong đó, giá đất thương mại dịch vụ được xác định bằng 60% giá đất ở tại cùng vị trí, giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp (không phải đất thương mại dịch vụ) có giá bằng 50% giá đất ở tại cùng vị trí.

Nhóm đất nông nghiệp bao gồm các loại đất trồng lúa nước và trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thuỷ sản, đất rừng sản xuất và đất trồng cây lâu năm tại các huyện cũng được xác định tăng lần lượt từ 30% - 50% so với bảng giá đất hiện hành.

Sở Tài nguyên & Môi trường TP. Hải Phòng đánh giá việc tăng giá các loại đất trên không ảnh hưởng đối với những tổ chức đang trả tiền thuê đất hàng năm thuộc thời gian ổn định đơn giá thuê đất, không ảnh hưởng đến hộ gia đình cá nhân trong việc tính thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất. Tương tự, việc tăng giá đất cũng không ảnh hưởng đến việc tính giá khởi điểm để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất trong trường hợp được nhà nước giao đất, cho thuê đất đối với những trường hợp thửa đất, khu đất đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch chi tiết.

Xem bản gốc