“Đế chế” bầu Hiển tạo ra mạnh đến độ khi nó sa sút, ít người có thể nhận ra cho đến lúc mọi thứ đang trở nên ngày một rõ ràng. CLB Hà Nội và cả “người anh em” của nó như giới bóng đá lâu nay vẫn nhắc đến, SHB Đà Nẵng, hẳn đang cần một liệu pháp đủ mạnh.
Chiều 30 Tết, CLB Hà Nội gây bất ngờ với thông báo thay HLV Lê Đức Tuấn bằng cựu HLV trưởng đội tuyển Việt Nam Hoàng Văn Phúc. Đây là lần thay tướng thứ 9 trong năm 5 của đội chủ sân Hàng Đẫy.
Tuy nhiên, bất ngờ chưa dừng lại ở đó khi ngay sau Tết Nguyên đán, ông Lê Đức Tuấn được điều chuyển vào SHB Đà Nẵng, thay HLV Cristiano Roland. Trên thực tế, ông Roland mới cầm Đà Nẵng không lâu, sau khi đội bóng sông Hàn thay cả “dàn” lãnh đạo cũ.
Các thông tin nội bộ của Hà Nội cho thấy HLV Hoàng Văn Phúc có thể chỉ là phương án tạm thời trong thời gian đội bóng này chọn một gương mặt mới, nhiều khả năng là thầy ngoại. Ông Phúc vừa mới lại vừa cũ, bởi cũng từng có thời gian tạm quyền dẫn dắt CLB Hà Nội trong vòng xoáy đổi HLV như “thay áo” ở đội bóng này 5 năm qua. Mỗi người cầm quyền không quá 1 năm.
Đó là một tín hiệu xấu, cho thấy những bất ổn mang tính hệ thống ở Hà Nội. Không đội bóng nào lại giữ được sự ổn định khi liên tục xảy ra biến động thường xuyên ở những vị trí chủ chốt như vậy, đặc biệt HLV là người chịu trách nhiệm về chuyên môn.
Nhưng ghế HLV trưởng không phải vị trí duy nhất nóng bỏng và hay xáo trộn ở Hà Nội. Họ thay Chủ tịch, ông Nguyễn Quốc Hội, một người làm bóng đá lâu năm, có vị trí ở các tổ chức bóng đá trong nước và đương nhiên, có nhiều mối quan hệ. Tân Chủ tịch Đỗ Vinh Quang, con trai bầu Hiển, giàu khao khát và khẳng định mình.
Nhưng bóng đá là cuộc chơi cần cả thời gian, kinh nghiệm và tiền bạc. Cả những mối quan hệ. Bầu Hiển có thể cho con trai cả đội bóng, vị trí Chủ tịch và rất nhiều tiền bạc, nhưng phần còn lại là câu chuyện của thời gian.
Hà Nội trong 5 năm qua, vì những lý do khác nhau đã mất đi nhiều cầu thủ xuất sắc, có tính biểu tượng. Đó là Quang Hải, Đoàn Văn Hậu hay Đình Trọng, Việt Anh…Văn Quyết tài năng, nhiều cống hiến nhưng đã bên kia sườn dốc. Tương tự, Duy Mạnh không còn chiếm được suất chính thức ở đội tuyển Việt Nam.
Thế hệ Thường Châu 2018 đem lại bước đột phá về hình ảnh, danh tiếng cho Hà Nội và cả ông bầu Đỗ Quang Hiển đã xa. Và nó đến đúng vào thời điểm CLB Hà Nội phải đối diện với những đối thủ mới, giàu tiềm lực hơn.
“Hệ sinh thái” bầu Hiển từng tạo nên gắn liền với 2 cái tên CLB Hà Nội-SHB Đà Nẵng mạnh đến độ khi nó suy yếu, ít người nhận ra cho tới lúc mọi thứ trở nên rõ ràng. Vòng luẩn quẩn thay tướng ở hai đội bóng này chưa có dấu hiệu sẽ chấm dứt. Những cái tên mới chưa đủ sức để đưa Hà Nội trở lại ngày tháng vinh quang.
Khác với những tên tuổi một thời như Đồng Tâm Long An, Bình Dương hay HAGL, tiềm lực tài chính của Hà Nội còn rất vững. Họ vẫn chi rất nhiều cho ngoại binh, nhưng không đem lại hiệu quả như trước. CLB Hà Nội cũng có chiều sâu nhờ xây dựng được hệ thống cung cấp cầu thủ trẻ khá đều đặn.
Nhưng cái Hà Nội thiếu có lẽ là bước thay đổi có tính chiến lược để xoay chuyển quỹ đạo đội bóng, vốn đang đà đi xuống. Đã 9 lần thay HLV nhưng không hiệu quả, thì vấn đề ắt phải ở chỗ khác.