Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Hỗ trợ bảo vệ rừng ở Nghệ An: Góp phần nâng cao độ che phủ rừng

Báo Dân tộc & Phát triển 1 Tuần trước
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác thăm các hộ dân tham gia mô hình bảo vệ rừng tại cộng đồng thuộc thôn 1, xã Lĩnh Sơn (Anh Sơn)Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác thăm các hộ dân tham gia mô hình bảo vệ rừng tại cộng đồng thuộc thôn 1, xã Lĩnh Sơn (Anh Sơn)

Hàng chục ngàn hộ dân được hưởng lợi

Nghệ An có diện tích rừng lớn nhất cả nước, với hơn 1 triệu ha. Diện tích rừng lớn, chủ yếu ở vùng miền núi; thế nên, ở khu vực này hiện đang có một bộ phận lớn người dân sống gần rừng, sống nhờ rừng. Hay nói cách khác, rừng chính là sinh kế mang lại cơm áo gạo tiền cho người dân.

Lâu nay, chính sách bảo vệ và phát triển rừng ở Nghệ An luôn được tỉnh, các sở, ngành và các địa phương đặc biệt quan tâm. Song hành với công tác bảo vệ rừng, là những nỗ lực phát triển rừng để nâng cao diện tích che phủ, làm giàu thêm cho rừng…

Đặc biệt, kể từ khi thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719), thì công tác bảo vệ và phát triển rừng ở Nghệ An như được tiếp thêm động lực mới. Bằng chứng rõ nhất, là những hộ dân tham gia quản lý và bảo vệ rừng đã có thêm thu nhập ổn định từ hỗ trợ khoán bảo vệ rừng theo tiểu dự án 1, Dự án 3 của Chương trình MTQG 1719.

Minh chứng như ở bản Xiêng Nứa, xã Yên Na (huyện Tương Dương), với hàng trăm ha được giao khoán cho người dân và cộng đồng bảo vệ, đang mang lại nguồn thu ổn định cho những người tham gia. Trưởng bản Lương Văn Lai cho biết: Cộng đồng dân cư bản Xiêng Nứa được nhận giao khoán bảo vệ rừng 241,2ha; ngoài ra, ở bản Xiêng Nứa còn có 252 hộ dân nhận tổng diện tích giao khoán bảo vệ rừng là 489,6ha theo nguồn kinh phí từ Chương trình MTQG 1719. Nguồn thu từ khoán bảo vệ rừng theo chính sách hỗ trợ của Chương trình MTQG 1719 nên người dân cũng có thêm nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống, yên tâm hơn với công tác bảo vệ rừng.

Người dân Con Cuông tham gia bảo vệ và phát triển rừng, góp phần nâng cao độ che phủ rừng của địa phươngNgười dân Con Cuông tham gia bảo vệ và phát triển rừng, góp phần nâng cao độ che phủ rừng của địa phương

Thực tế hiện nay, việc thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 3, chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã hỗ trợ khoán bảo vệ rừng đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ là 116.624ha. Hỗ trợ bảo vệ rừng quy hoạch, rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên đã giao cho cộng đồng, hộ gia đình, là 135.033ha. 

Cụ thể, đã hỗ trợ khoán bảo vệ rừng đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ là 101.630,44ha với 1.920 hộ được thụ hưởng; hỗ trợ bảo vệ rừng quy hoạch rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên đã giao cho cộng đồng, hộ gia đình 151.982,15ha với 22.179 hộ được hưởng; hỗ trợ trồng rừng sản xuất, khai thác kinh tế dưới tán rừng và phát triển lâm sản ngoài gỗ 3.580ha với 994 hộ được hưởng; hỗ trợ cấp gạo cho hộ nghèo tham gia trồng rừng sản xuất, phát triển lâm sản ngoài gỗ, rừng phòng hộ là 84,83 tấn, với 520 hộ được hưởng.

Điều này cho thấy, đang có 25.613 hộ dân đã và đang được hưởng lợi từ chương trình MTQG 1719 trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Bởi từ nguồn thu hái lâm sản phụ, từ nguồn thu trồng dược liệu dưới tán rừng, thì nay đã có thêm nguồn thu ổn định hàng năm từ Chương trình MTQG 1719, sẽ giúp người dân vùng miền núi Nghệ An yên tâm hơn và “sống khỏe” hơn nhờ rừng.

Nâng độ che phủ cho rừng

Diện tích rừng lớn nhất cả nước, thế nên công tác bảo vệ, phát triển rừng đang là trách nhiệm không hề nhỏ của các cấp ngành tỉnh Nghệ An. Diện tích rừng lớn, đồng nghĩa với việc những tác động lên rừng càng lớn, an ninh của rừng càng cần phải được siết chặt. Trong bối cảnh liên quan ấy, việc có thêm nguồn lực hỗ trợ ổn định từ Chương trình MTQG 1719, người dân yên tâm với công tác bảo vệ rừng; thì đó cũng chính là cách hiệu quả nhất để rừng được bình yên và ngày càng giàu thêm.

Chủ tịch UBND huyện Con Cuông Lô Văn Thao trao đổi: Cùng với việc phát triển rừng, thì công tác bảo vệ rừng được thực hiện tốt, với nhiều cách làm, nên diện tích rừng ở Con Cuông hiện đạt độ che phủ hơn 85%. Độ che phủ tăng, nguồn lợi từ rừng đang ngày càng nhiều thêm.

Việc hỗ trợ cho công tác bảo vệ rừng, góp phần cho những cánh rừng ở huyện Quỳ Châu thêm xanhViệc hỗ trợ cho công tác bảo vệ rừng, góp phần cho những cánh rừng ở huyện Quỳ Châu thêm xanh

Việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước như chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; đặc biệt là chính sách về hỗ trợ kinh phí Bảo vệ rừng và khoán bảo vệ rừng tự nhiên, trồng rừng bổ sung theo Chương trình MTQG 1719 được triển khai kịp thời, hiệu quả, đã góp phần tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân làm nghề rừng ở huyện Quỳ Châu.

Bí thư huyện ủy Quỳ Châu Nguyễn Thanh Hoài cũng thông tin: Ở huyện Quỳ Châu, nhận thức, ý thức cũng như trách nhiệm của Nhân dân trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ngày càng tốt hơn. Hiện nay, độ che phủ rừng ở địa phương đạt hơn 75%.

Rừng ở Nghệ An ngày càng được bảo vệ và phát triển tốt. Hiện nay, độ che phủ rừng của tỉnh đạt gần 60%. Đó là kết quả tổng hòa của các chính sách bảo vệ và phát triển rừng, kết hợp những giải pháp, biện pháp mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị.

Ông Nguyễn Danh Hùng, Phó giám đốc sở NN&PTNT Nghệ An chia sẻ: Việc thực hiện chính sách chi trả cho đối tượng tham gia quản lý, bảo vệ rừng theo Tiểu dự án 1, Dự án 3, Chương trình MTQG 1719, không chỉ từng bước nâng cao ý thức trách nhiệm của chủ rừng, nâng số hộ nhận khoán bảo vệ rừng, mà còn huy động được một nguồn nhân lực lớn cho việc tuần tra bảo vệ rừng một cách thường xuyên; thực hiện tốt việc phòng cháy chữa cháy rừng, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ môi trường rừng.

Cũng theo ông Hùng, hiệu quả cộng hưởng đã góp phần tạo công ăn, việc làm, cải thiện sinh kế, giảm nghèo, giúp người dân yên tâm gắn bó với rừng, góp phần nâng cao độ che phủ cho rừng.

Xem bản gốc