Phát bệnh sau hai ngày giao nhận
Ngày 29/7/2024, UBND xã Húc (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) tiếp nhận 53 con bò từ Chương trình MTQG phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719). Nhưng 4 ngày sau, con bò vừa cấp cho bà Hồ Thị Ta Pưng tại thôn Ta Cu, xã Húc với các triệu chứng ban đầu như lở loét miệng, kẽ móng chân, hở viền móng… đã cho kết quả xét nghiệm dương tính với virus lở mồm long móng Serotype O.
Dịch bệnh lở mồm long móng lan rộng ở nhiều địa phương của tỉnh Quảng Trị; với tổng số trâu, bò mắc bệnh là 462 con; trong đó chết 13 con... Ông Nguyễn Phú Quốc - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị cho biết: Tính đến ngày 31/8, bệnh lở mồm long móng đã xảy ra tại 8 xã, thị trấn của 3 huyện Hướng Hóa, Đakrông và Vĩnh Linh. Số bò bị bị bệnh bao gồm bò được cấp phát theo chương trình MTQG 1719 và vật nuôi bản địa của người dân.
Trước đó, cuối năm 2023, tại hai xã Thanh Sơn và Ngọc Lâm của huyện Thanh Chương (Nghệ An) cũng có tình trạng bò cái lai sind, là sinh kế hỗ trợ cho bà con từ nguồn vốn sự nghiệp của Chương trình MTQG 1719 bị bệnh lở mồm long móng.
Theo đó, đã có 156 con bò cái lai sind từ nguồn vốn năm 2022 và 2023 được thực hiện hỗ trợ cho người dân tại 2 xã này của huyện Thanh Chương. Sau 2 đến 5 ngày giao nhận bò, đã xuất hiện 34 con bò (xã Thanh Sơn 16 con, xã Ngọc Lâm 18 con) bị bệnh lở mồm long móng. Rất đáng lo là số bò bị bệnh này đã lây sang đàn gia súc trâu, bò, dê, lợn của các hộ dân ở 2 xã này. Ngoài những vật nuôi bị chết, người dân nơi đây đã tự bỏ kinh phí chữa trị cho gia súc của gia đình mình.
Ngay sau khi xuất hiện dịch bệnh từ những con được cấp phát, các địa phương ở Quảng Trị và Nghệ An đã tổ chức khoanh vùng dập dịch, hạn chế sự lây nhiễm rộng làm ảnh hưởng tới đàn vật nuôi bản địa.
Đi tìm nguyên nhân
Bò cấp theo Chương trình MTQG 1719 bị bệnh chỉ sau 2 đến 5 ngày giao nhận, và lây nhiễm sang vật nuôi của người dân địa phương khiến người dân và chính quyền các xã Thanh Sơn, Ngọc Lâm (Thanh Chương, Nghệ An) vất vả phòng chống. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Quang-Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Thanh Chương cho biết: Trước khi cấp phát, cán bộ, huyện, xã tổ chức kiểm tra hồ sơ, hình dáng vật nuôi. Chúng tôi cũng kiểm tra thì vẫn thấy có phiếu tiêm phòng đầy đủ. Bò giống, chúng tôi cũng không biết đơn vị cung ứng lấy ở đâu, nhưng thời điểm cấp phát là tháng 12 năm 2023.
Vậy là rõ rồi, thời gian tháng 12 năm 2023 được xem như đang ở giữa mùa đông giá rét. Việc hỗ trợ và cấp con giống thời điểm này, dù có được tiêm phòng đầy đủ nhưng gặp thời tiết giá rét cũng dễ mắc bệnh và lây lan.
Trở lại với số lượng bò giống được cấp phát cho người dân ở Quảng Trị. Ngành chức năng nơi đây đã vào cuộc rốt ráo để tìm nguyên nhân, truy cứu trách nhiệm. Ông Nguyễn Trung Hậu, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Trị thông tin: Khi bò giống cấp phát theo Chương trình MTQG 1719 về đến địa phương, thì có Hội đồng cấp huyện kiểm tra quy trình phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, để xác định nguồn bệnh lây lan ra cộng đồng, thì đến nay chưa xác định được.
Câu chuyện vật nuôi được cấp phát, hỗ trợ cho người dân bị dịch bệnh, ốm chết không phải là mới. Tất nhiên, những dự án hỗ trợ con giống đều có bảo hành trong thời gian nhất định. Nhưng, một khi đã phát bệnh và lây sang đàn vật nuôi bản địa thì hậu quả là không thể lường hết.
Do đó, vấn đề đặt ra là phải xác định thời điểm cấp phát, nguồn gốc vật nuôi và công tác tiêm phòng dù đầy đủ, nhưng đã đủ theo thời gian quy định hay chưa, thậm chí chất lượng thuốc tiêm phòng cho vật nuôi?
Ví dụ về thời điểm cấp phát, từ sự việc ở huyện Thanh Chương cho thấy, thời điểm, thời gian đóng vai trò quan trọng. Giả sử cấp phát, hỗ trợ con giống trong thời gian nắng ấm, tránh mưa rét, thì có thể sẽ không xảy ra tình trạng bị dịch bệnh như vậy.
Hai nữa, việc lựa chọn con giống cũng là vấn đề quan trọng không kém. Nếu lựa chọn con giống bản địa, vốn đã quen với khí hậu, thổ nhưỡng thì sẽ dễ dàng chăn nuôi, dễ dàng thích nghi hơn so với con giống từ vùng khác chuyển về. Như câu chuyện hỗ trợ con giống mà “không rõ nguồn gốc” lấy ở vùng nào như trường hợp của huyện Thanh Chương cũng là một minh chứng.
Đối với người dân cũng cần phải lưu ý về trách nhiệm thông báo kịp thời cho chính quyền biết về tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi; Bên cạnh đó, tuyệt đối không buôn bán, vận chuyển động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh ra khỏi địa bàn để tránh phát tán nguồn bệnh.