Diễn đàn hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và phát triển thương mại điện tử với chủ đề “Phát triển hợp đồng điện tử an toàn”, do Bộ Công Thương tổ chức ngày 15/10/2024, tại Hà Nội, đã cung cấp cho các doanh nghiệp nhiều thông tin quan trọng về ứng dụng hợp đồng điện tử và tạo không gian trao đổi giữa các cơ quan quản lý và doanh nghiệp, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ việc triển khai hợp đồng điện tử an toàn trên toàn quốc trong giai đoạn 2024–2025.
Phát biểu tại diễn đàn, bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), cho biết trong quá trình chuyển đổi số của Chính phủ giai đoạn hiện nay, sau sự thành công của chính sách phổ biến hóa đơn điện tử, với nền tảng hạ tầng công nghệ đã sẵn sàng, việc ứng dụng Hợp đồng điện tử trong nền kinh tế Việt Nam sẽ đóng một vai trò tối quan trọng để hoàn thiện nền kinh tế số đầy đủ, giúp Chính phủ quản lý và phát triển hoạt động thương mại một cách hiệu quả và bền vững.
HỢP ĐỒNG ĐIỆN TỬ MANG LẠI NHIỀU LỢI ÍCH
Việc ứng dụng Hợp đồng điện tử mang lại rất nhiều lợi ích cho các bên. Cụ thể bà Oanh chỉ rõ, ứng dụng Hợp đồng điện tử toàn diện sẽ giúp đất nước tiết kiệm 50.000 – 70.000 tỷ đồng/năm, bao gồm chi phí in ấn giấy tờ, chi phí chuyển phát và bảo quản hồ sơ, chứng từ giấy theo thời gian quy định.
Quan trọng hơn, hợp đồng điện tử giúp các doanh nghiệp vận hành quy trình kinh doanh nhanh chóng hơn, rút ngắn thời gian giao kết giữa các doanh nghiệp; giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí trong việc chứng minh lịch sử giao dịch, uy tín khi giao dịch với cơ quan quản lý hoặc các tổ chức ngân hàng, tài chính.
Bên cạnh việc tiết kiệm chi phí, sẽ giải quyết được vấn đề chuyển đổi số toàn diện của doanh nghiệp, khi các hợp đồng vốn là nền tảng cơ bản của hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ được bảo vệ hiệu quả, đảm bảo giá trị như bản giấy/bản gốc trong giao dịch.
Hơn thế nữa, hợp đồng điện tử sẽ được xác thực ngay tại thời điểm ký kết, điều này là căn cứ để doanh nghiệp yên tâm ứng dụng triệt để hợp đồng điện tử, giúp hiệu quả hợp tác được nhân lên nhiều lần khi không phải chờ đợi, đi lại để hoàn tất việc thực hiện ký kết, cũng như xin xác thực khi cần dùng cho bên thứ ba.
Cùng với đó, người tiêu dùng, cá nhân cũng được hưởng rất nhiều lợi ích đối việc ứng dụng hợp đồng điện tử. Trong đó có các yếu tố: Đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng; đảm bảo sự công bằng khi phát sinh khiếu nại, tranh chấp; quy trình khiếu nại, giải quyết tranh chấp sẽ nhanh chóng và thuận tiện hơn khi hợp đồng điện tử đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả khi sử dụng làm chứng cứ để giải quyết các khiếu nại dựa trên các điều khoản các bên đã cam kết.
Hợp đồng điện tử giúp minh bạch hóa thị trường, nền kinh tế, tránh thất thu thuế khi mọi giao dịch đều có tính minh bạch. Công nghệ của hợp đồng điện tử giúp mọi thông tin về hàng hóa, giao kết đều minh bạch, có dấu thời gian, chữ ký số, định danh số, khiến cho các chủ thể tham gia đều phải đảm bảo sự minh bạch.
Đặc biệt, trong giao thương quốc tế, việc Việt Nam triển khai hợp đồng điện tử sẽ giúp đất nước tiến một bước dài đến các nền kinh tế phát triển hiện nay, khi hầu hết các nước phát triển và các nền kinh tế có ký thỏa thuận tự do thương mại với Việt Nam đều có sự ứng dụng hợp đồng điện tử hiệu quả.
TIỀM ẨN NHIỀU RỦI RO
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, trong quá trình áp dụng hợp đồng điện tử tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cụ thể, như rủi ro về bảo mật thông tin, nguy cơ về gian lận, bảo toàn tính toàn vẹn của hợp đồng, mất dữ liệu hợp đồng chứa thông tin quan trọng (dữ liệu cá nhân, tài chính, các thoả thuận kinh doanh…). Khi đó các bên giao kết hợp đồng đối mặt với rất nhiều những hậu quả nghiêm trọng như lừa đảo, tổn thất tài chính, tổn hại uy tín.
Một vấn đề nữa, theo đại diện của Bộ Công thương, đó là rủi ro về mặt pháp lý khi sử dụng hợp đồng điện tử không an toàn. Hợp đồng điện tử cần tuân thủ các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, an toàn thông tin nếu không sẽ dẫn đến hợp đồng các bên không được công nhận về mặt pháp lý.
Để giảm thiểu những rủi ro nêu trên, giải pháp thể chế hoá ứng dụng hợp đồng điện tử được triển khai. Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Công An tham mưu trình Chính phủ văn bản thực thi những vấn đề liên quan tới giao dịch hợp đồng trên môi trường điện tử như Luật giao dịch điện tử (sửa đổi), Nghị định 52 và 85, hai Nghị định này có 1 chương riêng về giao kết hợp đồng trong thương mại điện tử.
Ngoài ra, tính đến nay, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã cấp phép cho 11 doanh nghiệp là các tập đoàn, Tổng công ty công nghệ có quy mô lớn nhất tại Việt Nam đều đăng ký trở thành các CeCA (tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử) bao gồm: FPT, Viettel, VNPT, Mobifone, BKAV, VNPAY, MISA, CMC… Nhóm các doanh nghiệp đã đăng ký hiện đang hỗ trợ đến 90% thị trường chuyển đổi số trong doanh nghiệp tại Việt Nam.
Theo báo cáo từ các tổ chức chứng thực hợp đồng điện tử tính tới tháng 30/8/2024 các tổ chức này đã triển khai dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử tới 48.533 doanh nghiệp.
“Các CeCA đã giúp việc giao dịch hợp đồng trên môi trường trực tuyến diễn ra an toàn, cung cấp hạ tầng số cho doanh nghiệp giúp người dân sử dụng hợp đồng điện tử được bảo vệ bởi công nghệ một cách tin cậy”, bà Oanh nhấn mạnh.
Tại diễn đàn nhiều doanh nghiệp cho rằng thời gian tới, các cơ quan nhà nước liên quan cần đẩy mạnh hoàn thiện hơn nữa các chính sách liên quan đến hợp đồng điện tử để giải quyết những khó khăn thực tế.
Các vấn đề như chi phí cao, thủ tục phức tạp và sự chấp nhận hạn chế từ các bên thứ ba (cơ quan thuế, ngân hàng…) vẫn là rào cản đáng kể. Do đó, các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ và các cơ quan chức năng sớm ban hành các văn bản liên quan đến tiêu chuẩn kỹ thuật để hợp đồng điện tử có thể được chấp nhận bởi bên thứ ba, cũng như tăng cường sự hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để hợp đồng điện tử trở thành công cụ giao dịch phổ biến. Điều này không chỉ giúp tối ưu hóa quy trình kinh doanh mà còn thúc đẩy sự minh bạch, an toàn trong các giao dịch, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo sự phát triển bền vững trong môi trường kinh tế số.