Kinh nghiệm du lịch Tri Tôn An Giang với những thông tin hữu ích gợi ý điểm đến khám phá, đặc sản nổi tiếng, phương tiện di chuyển…chắc chắn sẽ giúp bạn trải nghiệm khám phá “vùng đất Thất Sơn” trọn vẹn, đáng nhớ.
Du lịch “vùng đất Thất Sơn”, liệu bạn đã biết đi đâu, ăn gì mới là “đúng điệu”. Đừng quá lo lắng nếu chưa lựa chọn được điểm dừng tham quan, phương tiện di chuyển, nơi ở…ưng ý nhé vì kinh nghiệm du lịch Tri Tôn An Giang được giới thiệu ngay sau đây sẽ giúp bạn giải đáp các thắc mắc này.
Tri Tôn là điểm đến lý tưởng dành cho những vị khách yêu trải nghiệm khám phá thiên nhiên - văn hóa. Ảnh: iam.qin_
1. Đôi nét về “vùng đất Thất Sơn” Tri Tôn An Giang
Tri Tôn là một huyện miền núi nằm ở phía tây tỉnh An Giang. Đây là huyện có diện tích lớn nhất và dân cư thưa thớt nhất tại “xứ thốt nốt”. Vị trí huyện cách thành phố Long Xuyên 52 km về phía tây và cách thành phố Châu Đốc 44 km về phía tây nam.
“Vùng đất Thất Sơn” Tri Tôn nổi tiếng với những địa điểm tôn giáo - tín ngưỡng cổ xưa. Ảnh: _im.rot_
Vị trí địa lý của huyện Tri Tôn:
- Phía đông giáp huyện Châu Thành và huyện Thoại Sơn.
- Phía đông bắc và phía bắc giáp thị xã Tịnh Biên.
- Phía tây bắc giáp huyện Kiri Vong, tỉnh Takéo, Campuchia.
- Phía tây và tây nam giáp huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang.
- Phía nam giáp huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang.
Tri Tôn An Giang gây ấn tượng với du khách bởi vẻ đẹp thiên nhiên thơ mộng, thanh bình với những cánh ruộng lúa xanh bát ngát và hệ thống núi non trùng điệp hùng vĩ, hoang sơ.
Tri Tôn An Giang nổi tiếng với những cánh đồng xanh bát ngát. Ảnh: somaly_ng
Theo kinh nghiệm du lịch Tri Tôn An Giang, nếu bạn là người yêu thích tìm hiểu dấu ấn bản địa đặc sắc thì nhất định đừng bỏ lỡ trải nghiệm ghé thăm “vùng đất Thất Sơn”. Đây là nơi giao thoa văn hóa giữa các dân tộc thiểu số miền núi và tôn giáo nên chắc chắn sẽ giúp bạn có thêm được nhiều trải nghiệm khám phá mới mẻ, độc đáo.
Vẻ đẹp thiên nhiên thơ mộng, hữu tình tại “vùng đất Thất Sơn” chắc chắn sẽ khiến bạn phải trầm trồ, cảm thán. Ảnh: nhonhonguyen226
2. Phương tiện di chuyển đến Tri Tôn An Giang
Du khách xuất phát từ TP. Hồ Chí Minh hoặc các tỉnh lân cận di chuyển đến Tri Tôn An Giang có thể lựa chọn phương tiện cá nhân hoặc xe khách.
- Xe máy: Từ Sài Gòn hoặc các tỉnh lân cận, bạn có thể dễ dàng đi theo sự chỉ dẫn của Google Maps. Đường đi không quá khó khăn, bạn di chuyển trên đường quốc lộ và tỉnh lộ trong khoảng 5 tiếng 30 phút là đến.
Các tín đồ mê phượt thường lựa chọn phương án di chuyển đến Tri Tôn bằng xe máy. Ảnh: MIA.vn
- Xe khách: Du lịch Tri Tôn An Giang, nếu bạn không tự tin khi di chuyển bằng xe máy thì nên cân nhắc phương án xe khách. Một số nhà xe uy tín có tuyến đi Tri Tôn là Huệ Nghĩa, Hữu Hậu, Lý Thành Đạt, Phương Trang…có giá vé dao động khoảng 140.000 - 200.000 VND, thời gian đi thường mất khoảng 6 tiếng.
Xe khách là phương tiện an toàn giúp bạn dễ dàng di chuyển đến Tri Tôn An Giang. Ảnh: Vilitaxi
>>Xem thêm: Tổng hợp cẩm nang du lịch An Giang
3. Khám phá các địa điểm du lịch Tri Tôn An Giang nổi tiếng
3.1. Hồ Tà Pạ
Theo kinh nghiệm du lịch Tri Tôn An Giang, hồ Tà Pạ là điểm dừng khám phá “must go” mà hội cuồng chân không nên bỏ lỡ trong hành trình rong ruổi “vùng đất Thất Sơn”. Hồ được hình thành sau quá trình khai thác đá của người dân. Khu hồ sâu khoảng 17m, nguồn nước có được nhờ mưa đọng lại và nước ngầm từ núi chảy ra.
Hồ Tà Pạ được mệnh danh là "Tuyệt Tình Cốc" tọa lạc giữa khung cảnh non nước hữu tình. Ảnh: _im.rot_
Địa điểm du lịch An Giang được mệnh danh là “Tuyệt Tình Cốc” của xứ thốt nốt nhờ sở hữu cảnh quan thiên nhiên thơ mộng đẹp như tranh vẽ. Hồ được bao quanh bởi những vách đá sừng sững, các triền núi thuộc Phụng Hoàng Sơn và núi Cấm, đặc biệt ngay bên cạnh là cánh đồng Tà Pạ mênh mông, khi vào mùa lúa chín lại khoác lên mình tấm áo vàng ươm vô cùng rực rỡ.
Cảnh quan thiên nhiên non nước thơ mộng đẹp như tranh vẽ khiến bao du khách "liêu xiêu". Ảnh: tooraam
Nhờ sở hữu khung cảnh non nước hữu tình nên hồ Tạ Pạ luôn là địa điểm vãn cảnh thu hút đông du khách ghé thăm khám phá. Nhiều bạn trẻ còn lựa chọn dừng chân cắm trại, dã ngoại trong ngày cùng người thân vào dịp cuối tuần để thư giãn, giải tỏa stress.
Rất nhiều bạn trẻ ghé thăm hồ Tạ Pạ để săn ảnh sống ảo "xịn xò" làm mới cho trang Instagram, Facebook. Ảnh: _isjinie.w
3.2. Chùa Svayton (Chùa Xà Tón)
Đối với những ai từng trải nghiệm du lịch Tri Tôn An Giang chắc hẳn không còn xa lạ với chùa Xà Tón – ngôi cổ tự đã có tuổi đời hơn 300 năm và hiện được xem là công trình Phật giáo lâu đời nhất ở xứ thốt nốt.
Chùa Xà Tón hơn 300 năm tuổi là công trình Phật giáo lâu đời nhất tại xứ thốt nốt. Ảnh: athena_kimsang
Chùa Xà Tón là một trong 70 ngôi chùa Khmer mang giá trị tín ngưỡng, tâm linh quan trọng của người dân An Giang. Nơi đây còn là nơi giữ gìn các truyền thống văn hóa vật chất và tinh thần của người Khmer. Ghé thăm ngôi cổ tự, bạn chắc chắn sẽ cảm thấy choáng ngợp bởi kiến trúc độc đáo, tráng lệ được thể hiện qua các công trình như chính điện xây theo cấu trúc tam cấp, lợp ngói xanh đỏ vàng; cổng chùa; các dãy nhà tăng…
Chùa Xà Tón là nơi giữ gìn các truyền thống văn hóa vật chất và tinh thần của người Khmer. Ảnh: Mai Nguyễn Chí Thành
Kinh nghiệm du lịch Tri Tôn An Giang cho biết, thời điểm lý tưởng nhất để bạn tham gia tour du lịch miền Tây với điểm dừng chùa Xà Tón là giai đoạn diễn ra các ngày hội lớn trong năm.
Các lễ hội diễn ra tại chùa Xà Tón:
- Lễ Chol Chnam Thmay: Lễ chúc mừng năm mới diễn ra từ 13 đến 15 tháng 4 Âm lịch.
- Lễ Pisat Bo Chia: Lễ tưởng nhớ công ơn đức Phật và kỷ niệm ngày ra đời của người, thường tổ chức vào ngày rằm tháng 4 Âm lịch.
- Lễ Pha Chum Bênh: Đây là lễ hội có tính chất tương tự như lễ thanh minh của dân tộc Kinh, thường kéo dài trong vòng 15 ngày từ ngày 1 đến ngày 15 tháng 10 Dương lịch.
…
Có rất nhiều lễ hội lớn diễn ra tại Tri Tôn. Ảnh: Tạp chí Công Thương
3.3. Cổng trời Tri Tôn
Chùa Koh Kas hay còn được biết đến với tên gọi “cổng trời Tri Tôn” là địa điểm check-in luôn thu hút nhiều bạn trẻ ghé thăm săn ảnh.
Cổng trời Tri Tôn là "tọa độ vàng" sống ảo được nhiều bạn trẻ săn đón check-in tại Tri Tôn. Ảnh: iam.qin_
Chùa Koh Kas thuộc hệ phái Phật Giáo Nam Tông và điều này được thể hiện khá rõ nét trong kiến trúc chùa cũng như phương thức tu tập của các vị tăng nơi đây. Điểm nhấn ấn tượng nhất tại ngôi chùa chính là cánh cổng được chạm khắc với những đường nét hoa văn, họa tiết Phật giáo vô cùng tinh xảo nằm giữa khung cảnh cánh đồng lúa bao la, thơ mộng.
Cánh cổng trời tọa lạc giữa khung cảnh cánh đồng lúa bao la là hình ảnh mang tính biểu tượng của du lịch Tri Tôn. Ảnh: shelter_ahomeawayfromhome
3.4. Khu vực núi Thất Sơn
Khu vực Thất Sơn gồm 7 ngọn núi là núi Cấm, núi Dài, núi Dài Năm Giếng, núi Cô Tô, núi Tượng, núi Két và núi Nước. Đây là địa danh gắn gắn liền với đời sống tâm linh của bà con bản địa và nổi tiếng với rất nhiều câu chuyện ly kì.
Khu vực núi Thất Sơn gắn liền với những câu chuyện tâm linh ly kì. Ảnh: VTC News
Du lịch Tri Tôn An Giang, rất nhiều du khách yêu mến khám phá thiên nhiên thường lựa chọn khu vực Thất Sơn làm điểm dừng tham quan, vãn cảnh. Trong đó, nổi tiếng nhất là núi Cấm và núi Cô Tô – hai địa điểm lý tưởng cho một buổi trekking leo núi thú vị.
Chiêm ngưỡng toàn cảnh núi rừng hoang sơ, thơ mộng từ núi Cô Tô. Ảnh: cuchoamii_
4. Thưởng thức đặc sản tại vùng Tri Tôn An Giang
Đừng bỏ lỡ trải nghiệm thưởng thức các món ăn đặc sản hấp dẫn theo kinh nghiệm du lịch Tri Tôn An Giang bạn nhé:
- Gà đốt Ô Thum: Đây là món ăn có nguồn gốc xuất xứ từ Campuchia, du nhập vào vùng Bảy Núi An Giang và trở thành đặc sản bản xứ danh tiếng. Nguyên liệu chính của món gà đốt Ô Thum là gà thả vườn (khoảng từ 1.3 – 1.6kg) được ướp gia vị muối, sả, ớt, tỏi và đặc biệt là không thể thiếu lá chúc. Sau đó, gà sẽ được đốt nguyên con trên lửa lớn rồi nhỏ dần cho đến khi thịt chín đều và phần da thì giòn tan.
Gà đốt Ô Thum là một trong những đặc sản trứ danh tại "vùng đất thất Sơn". Ảnh: Nụ Cười Mê Kông
- Cháo bò: Du lịch Tri Tôn An Giang, đừng bỏ lỡ món cháo bò trứ danh của vùng đất Thất Sơn bạn nhé. Cháo bò ở Tri Tôn được nấu như cháo lòng lợn thông thường nhưng dùng lòng bò, lá sách, gan, phổi, phèo, huyết mềm và thịt bò tái. Khi thưởng thức cháo, bạn nên cho thêm một ít nước mắm ớt và ăn kèm với giá, rau quế, ngò gai, lá chúc để hương vị món ăn thêm phần đậm đà.
- Gỏi đu đủ đâm: Đây là một đặc sản dân dã được chế biến từ các nguyên liệu thân thuộc với người miền Tây như đu đủ sắp chín bào sợi, mắm ruốc hoặc mắm ba khía, sợi rau muống bào, đậu đũa và cà rốt. Sau đó, đường, muối, bột ngọt, hành tím, tỏi, ớt, chanh, đậu đũa sẽ được cho vào cối cùng các nguyên liệu chính rồi đâm cho đều, thấm. Gỏi đu đủ ở Tri Tôn thường sẽ có thêm trứng luộc và xiên bò nướng.
Gỏi đu đủ đâm với hương vị chua cay bắt miệng khiến bao thực khách say lòng. Ảnh: MIA.vn
- Ếch nhồi thịt nướng là một món ăn vặt phổ biến ở Tri Tôn. Ếch được nhồi với nhân thịt heo băm nhuyễn cùng gia vị như lá chúc, nghệ, sả rồi sau đó được kẹp vào thanh tre và nướng chín đều trên lửa than. Khi thưởng thức, bạn ăn thịt ếch cùng nước chấm làm từ me non dằm tỏi và gừng có vị mặn ngọt và chua dịu hấp dẫn.
Ếch nhồi thịt nướng vàng ươm là món ăn đặc sản được nhiều thực khách săn đón khi ghé thăm Tri Tôn. Ảnh: Thế giới tiếp thị - Dân Việt
5. Danh sách khách sạn ở Tri Tôn An Giang
Một số địa chỉ khách sạn/điểm nghỉ dưỡng nằm trong cẩm nang kinh nghiệm du lịch Tri Tôn An Giang dành cho du khách:
- Rồng Vàng Resort: 19 Đường Nguyễn Thị Minh Khai, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.
- Khách sạn Vườn Sao: Tô Hạ, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.
- Khách sạn Tri Tôn: Số 39, đường 3 Tháng 2, khóm 5, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.
- Nhà Trọ Thanh Loan: Đường Trần Hưng Đạo, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.
- Nhà trọ Trúc Phương: Đường Nguyễn Trãi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.
- Resort Sang Như Ngọc: Đường 948, tổ 03, ấp An Hòa, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên.
Rồng Vàng Resort là một trong những khách sạn chất lượng nhất tại khu vực Tri Tôn. Ảnh: Rồng Vàng Resort
>>Xem thêm: Gợi ý 5 khu glamping ở An Giang dành riêng cho team ‘mê núi, mê rừng’
Đừng quên nằm lòng các thông tin hữu ích có trong kinh nghiệm du Lịch Tri Tôn An Giang để hành trình khám phá “vùng đất Thất Sơn” của bạn trọn vẹn, “đúng điệu” nhé.
Đỗ Hằng