Tại hội thảo Tổng kết dự án Điện mặt trời mái nhà trong ngành Thương mại và Công nghiệp (CIRTS) diễn ra Hà Nội vào cuối tuần vừa qua, ông Nguyễn Hoàng Long, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết với khoảng 17 GW công suất điện mặt trời đưa vào vận hành từ năm 2020 đến nay, Việt Nam đã trở thành quốc gia đi đầu về phát triển điện mặt trời trong khu vực ASEAN.
ĐIỆN MẶT TRỜI MÁI NHÀ CHIẾM GẦN 50% TỔNG CÔNG SUẤT ĐIỆN MẶT TRỜI
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long, hơn 100.000 hệ thống điện mặt trời mái nhà đã được lắp đặt, tương đương với gần 50% tổng công suất điện mặt trời, đã đánh dấu cột mốc quan trọng của hệ thống điện Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu (phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050). Những văn bản pháp lý mới được ban hành gần đây, như Nghị định 80/2024/NĐ-CP về Cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp và Nghị định 135/2024/NĐ-CP thúc đẩy điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu, đã tạo khung pháp lý thúc đẩy sự phát triển của thị trường điện mặt trời.
Với chi phí sản xuất ngày càng giảm, điện mặt trời đang trở thành nguồn điện có giá cả hợp lý trong các loại nguồn điện. Việt Nam có tiềm năng hội tụ đủ các điều kiện thuận lợi để mở rộng việc phát triển điện mặt trời, vì thiết bị được sản xuất trong nước, chi phí nhân công thấp và nguồn bức xạ mặt trời cao.
Trong bối cảnh đó, Tổ chức Hợp tác Quốc tế GIZ và Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo/Bộ Công Thương đã phối hợp triển khai dự án CIRTS. Dự án này do Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế CHLB Đức (BMZ) tài trợ và được thực hiện từ tháng 2/2021 đến tháng 1/2025.
Theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương, dự án CIRTS được thực hiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững của điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam. Mục tiêu của dự án là tăng cường năng lực cho các cơ quan của Việt Nam trong việc tích hợp điện mặt trời mái nhà vào lưới điện, trong đó có Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Dự án CIRTS hỗ trợ giải quyết các vấn đề kỹ thuật, hành chính và quy định về vận hành điện mặt trời mái nhà và tích hợp lưới điện với mục tiêu cung cấp điện sạch, an toàn và tiết kiệm chi phí cho hệ thống điện, góp phần xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển của năng lượng sạch tại Việt Nam.
Nhiều kết quả chính của dự án đã được nêu lên tại hội thảo Tổng kết dự án. Trong đó, có nâng cao hiệu suất và tuổi thọ của hệ thống điện mặt trời mái nhà thông qua hướng dẫn về vận hành và bảo dưỡng, và an toàn cháy nổ.
Các chuyên gia của dự án, khuyến cáo để hệ thống điện mặt trời mái nhà vận hành tốt, Việt Nam cần đảm bảo việc lắp đặt, vận hành và bảo trì hệ thống an toàn và hiệu quả là yếu tố quan trọng.
Dự án CIRTS đã góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, hỗ trợ EVN thúc đẩy thực hiện tiêu chuẩn chất lượng và quy định về an toàn cháy nổ, đồng thời xây dựng hướng dẫn về vận hành và bảo dưỡng nhằm duy trì hiệu suất hoạt động và kéo dài tuổi thọ của hệ thống điện mặt trời mái nhà. Nhờ đó, các bên liên quan trong lĩnh vực điện mặt trời mái nhà có thể tối đa hóa giá trị từ hệ thống của mình, tăng lợi nhuận và sản lượng điện từ nguồn điện mặt trời mái nhà.
Dự án cũng góp phần vào tăng cường công tác điều phối và vận hành hệ thống điện của EVN. Theo đó, cán bộ của EVN được trang bị kiến thức tốt hơn để quản lý hệ thống điện mặt trời mái nhà hiện tại và trong tương lai, giảm thiểu việc cắt giảm điện mặt trời và vận hành hệ thống một cách hiệu quả.
Một số kết quả nổi bật như nâng cao độ chính xác trong dự báo sản lượng điện mặt trời, tăng cường phối hợp giữa các đơn vị vận hành hệ thống truyền tải và phân phối điện (biên bản ghi nhớ/ thỏa thuận hợp tác chia sẻ dữ liệu cho dự báo phụ tải và sản lượng điện mặt trời được ký kết), và khuyến cáo kế hoạch thực hiện hệ thống quản lý các nguồn năng lượng phân tán tiên tiến.
HỖ TRỢ KỸ THUẬT VÀ CHÍNH SÁCH VỀ ĐIỆN MẶT TRỜI
Dự án CIRTS đã xây dựng tài liệu hỗ trợ việc vận hành vào bảo dưỡng hệ thống điện mặt trời mái nhà. Tài liệu này sẽ được xem xét và đóng góp vào chương trình đào tạo dành cho kỹ thuật viên tại các trường cao đẳng nghề trên toàn quốc. Dự án CIRTS cũng hỗ trợ khôi phục lại thị trường điện mặt trời thông qua tư vấn giải pháp kỹ thuật và pháp lý về chính sách phát triển điện mặt trời. Hoạt động này được thúc đẩy thông qua việc phối hợp với các đối tác phát triển khác và tiếp tục được xem xét thúc đẩy trong khuôn khổ hoạt động hỗ trợ xây dựng Kế hoạch huy động nguồn lực nhằm thực hiện các nội dung trong Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).
Theo bà Helga Barth, Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam, tiềm năng to lớn của điện mặt trời là một cơ hội có thể dễ dàng nắm bắt được. “Kinh nghiệm của cả hai quốc gia trong phát triển thị trường điện mặt trời và tích hợp hệ thống đặt nền tảng vững chắc cho những nỗ lực trong tương lai. Quan hệ đối tác phát triển giữa hai bên sẽ giúp Việt Nam tiếp tục phát triển điện mặt trời trong cơ cấu năng lượng của mình, thiết lập một trụ cột chính trong chiến lược giảm phát thải carbon của quốc gia”, bà Helga Barth nhấn mạnh.
Theo bà Helga Barth, việc tạo ra các ưu đãi hấp dẫn và các điều kiện khung pháp lý đáng tin cậy cho nhà đầu tư là vô cùng quan trọng cho phát triển điện mặt trời. CHLB Đức là quốc gia đầu tiên áp dụng biểu giá điện FIT dài hạn cho điện mặt trời ở quy mô lớn. Chính sách này đã tạo nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ của thị trường năng lượng mặt trời.
“Qua nhiều năm, CHLB Đức đã đạt được tỷ lệ 58% tổng sản lượng điện từ năng lượng tái tạo. Công suất điện mặt trời hiện đã vượt 80 GW và trở thành nguồn điện rẻ nhất, đồng thời tạo ra nhiều việc làm tại Đức”, bà Helga Barth chia sẻ.
"Việt Nam có vị trí thuận lợi để tận dụng nguồn năng lượng mặt trời dồi dào trên cả nước. Tuy nhiên, tỷ lệ năng lượng tái tạo biến đổi ngày càng tăng phải đi đôi với việc phát triển lưới điện thông minh và các giải pháp lưu trữ năng lượng".
Bà Helga Barth, Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam.
Đại sứ CHLB Đức cho biết CHLB Đức là đối tác lâu năm và thân thiết của Việt Nam, đã hợp tác với Việt Nam hơn 15 năm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Do đó, vẫn còn rất nhiều tiềm năng để tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, vì cả hai quốc gia đều đối mặt với những thách thức và cơ hội tương tự trong quá trình chuyển đổi năng lượng.
"Hai bên có thể trao đổi kiến thức và chuyên môn trong các lĩnh vực như hiện đại hóa lưới điện, thiết kế chính sách và triển khai công nghệ. Chúng ta có thể cùng nhau hợp tác phát triển, mở ra một tương lai tươi sáng và bền vững hơn cho các thế hệ mai sau”, bà bà Helga Barth nhấn mạnh.