Theo thông tin từ Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2024, thiên tai tại Việt Nam đã làm 514 người chết, mất tích cao gấp 3,04 lần so với năm 2023 và gấp 2,44 lần trung bình 10 năm từ 2014-2023. Thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra năm 2024 ước tính khoảng 88.748 tỷ đồng, cao gấp 9,52 lần với năm 2023 và gấp 4,19 lần trung bình 10 năm từ 2014-2023.
Đặc biệt, bão số 3 và mưa lũ sau bão vừa qua là đợt thiên tai nghiêm trọng, khốc liệt nhất trong nhiều năm, đã làm 345 người chết, mất tích; 5.647 nhà bị sập đổ, 256.923 nhà bị hư hại, tốc mái; 281.153 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại; 46.614 con gia súc, 4,8 triệu con gia cầm bị chết, cuốn trôi; 805 sự cố đê điều; 2.524 công trình thuỷ lợi bị hư hại, sự cố; 194 tàu, thuyền, 18.220 lồng bè; 82.678 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 548 km đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng.
Để hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất sau cơn bão số 3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các Bộ ngành trình Thủ tướng Chính phủ Nghị định về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, trong đó tăng mức hỗ trợ từ 1,43-2,83 lần và đơn giản hoá thủ tục hỗ trợ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã ban hành 6 văn bản chỉ đạo khôi phục sản xuất đối với từng lĩnh vực (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, thủy lợi và phòng chống thiên tai); 9 loại tài liệu, tờ gấp hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc, phục hồi cây trồng, vật nuôi sau bão.
Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huy động hơn 20.000 lượt cán bộ khuyến nông xuống địa bàn, đến từng hộ dân bị ảnh hưởng để trực tiếp hướng dẫn khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất. Cùng với đó, đã kịp thời huy động lực lượng, vật tư, phương tiện xử lý giờ đầu tất cả 805 sự cố trên các tuyến đê.
Đối với lĩnh vực trồng trọt, đã có 300,09 tấn giống cây trồng được cấp phát cho các tỉnh kịp thời, hạn chế thiệt hại lâu dài cho ngành nông nghiệp. Nhờ vào các biện pháp khôi phục kịp thời, hiện nay nhiều địa phương đã cơ bản hoàn thành việc trồng lại cây và các vườn cây đang sinh trưởng tốt. Dự báo trong năm 2025, sản lượng cây ăn quả sẽ tăng từ 15-50% so với năm 2024.
Tương tự, để nhanh chóng khôi phục ngành chăn nuôi, Chính phủ đã đề xuất các gói hỗ trợ tài chính, bao gồm các khoản vay ưu đãi cho hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng, cung cấp thức ăn, con giống và thiết bị sửa chữa chuồng trại bị hư hỏng. Các chính sách giãn nợ và miễn giảm lãi suất cho các hộ chăn nuôi cũng đã được đề xuất nhằm giúp họ vượt qua khó khăn và sớm phục hồi sản xuất.
Đối với ngành thủy sản, Chính phủ cũng đang triển khai các biện pháp để hỗ trợ khôi phục ngành thủy sản, bao gồm hỗ trợ tài chính và chính sách bảo hiểm nông nghiệp. Đồng thời, các cơ sở nuôi trồng thủy sản sẽ được tái đầu tư hạ tầng, hướng tới phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.