Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Hơn 490 triệu USD được "rót" vào khu công nghiệp TP.HCM

Vneconomy 1 Tháng trước

Theo Ban Quản lý khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM, tính đến đầu tháng 12/2024, tổng vốn đầu tư thu hút đầu tư kể cả cấp mới và điều chỉnh vào khu chế xuất và công nghiệp Thành phố đạt 491,70 triệu USD, đạt 89,40% kế hoạch năm, giảm 51,43% so với cùng kỳ.

Theo đó, diện tích đất cho thuê đạt 25,35 ha; diện tích nhà xưởng cho thuê hơn 80.200 m. Suất đầu tư trung bình tương đương 8,5 triệu USD/ha.

Hiện, một số dự án có vốn đầu tư lớn trong khu chế xuất, khu công nghiệp đang triển khai, khi đi vào hoạt động, dự kiến sẽ sử dụng vốn đầu tư khoảng 23.700 tỷ đồng.

ƯỚC ĐẠT 550 TRIỆU USD VÀO CUỐI NĂM 2024

Ban Quản lý khu chế xuất và công nghiệp Thành phố dự ước hết năm 2024 tổng vốn đầu tư thu hút đạt 550 triệu USD (đạt 100% kế hoạch năm) và dự kiến năm 2025, tổng vốn thu hút đầu tư đạt 550 triệu USD.

Theo Ban Quản lý khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM, để đáp ứng nhu cầu thực tiễn các khu và theo Đề án "Định hướng phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM giai đoạn 2023-2030 và tầm nhìn đến 2045”, Ủy ban ban nhân dân Thành phố cũng đã thành lập Tổ công tác và Tổ Biên tập xây dựng đề án, chính sách đặc thù để hỗ trợ chuyên đổi 5 Khu chế xuất, Khu công nghiệp được phê duyệt thí điểm chuyển đổi trên địa bàn.

Để tiếp tục khai thác có hiệu quả diện tích đất, nhà xưởng cho thuê, Ban Quản lý khu chế xuất và công nghiệp thành phố cũng đề xuất Ủy ban nhân dân TP.HCM  các giải pháp để hình thành thêm khoảng 800 ha đất công nghiệp phục vụ thu hút đầu tư các khu công nghiệp chuyên ngành, công nghiệp kỹ thuật cao.

Trong đó, bao gồm Khu công nghiệp Hiệp Phước giai đoạn 2, Khu công nghiệp Lê Minh Xuân mở rộng, Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 2 và Khu công nghiệp Phạm Văn Hai I và II.

Đối với các vướng mắc, khó khăn liên quan đến các khu công nghiệp trên, Ban Quản lý khu chế xuất và công nghiệp Thành phố cũng đã báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố và đang phối hợp với các sở ngành để đề xuất các giải pháp xác định giá đất, đẩy nhanh giải phóng mặt bằng và xác định việc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Ngoài ra, thời gian qua Ban Quản lý khu chế xuất và công nghiệp Thành phố cũng đã phối hợp với Sở Quy hoạch, Kiến trúc, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Viện Nghiên cứu phát triển thành phố và Ban Quản lý Dự án quy hoạch Thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đồng thời, đưa quỹ đất công nghiệp bổ sung cho thành phố 10 khu công nghiệp mới với diện tích khoảng 2.465ha vào Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung của thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.

Riêng đối với Đề án thí điểm chuyền đối Khu chế xuất Tân Thuận, Khu công nghiệp Tân Bình, Cát Lái, Bình Chiểu và Hiệp Phước, Ban Quản lý khu chế xuất và công nghiệp Thành phố cho biết, Ủy ban nhân dân TP.HCM  đã có chủ trương giao cho các công ty xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tâng là đơn vị trực tiếp chủ trì thực hiện các Đề án thí điểm này.

KHU CÔNG NGHỆ CAO VẪN CÒN DỰ ÁN CHẬM TIẾN ĐỘ

Đối với hoạt động thu hút đầu tư vào khu công nghệ cao tại TP.HCM, tại buổi họp báo thường kỳ về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM vùa qua, bà Trần Thị Ngọc Chung, Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư Ban quản lý khu công nghệ cao Thành phố, cho biết khu công nghệ cao hiện tập trung thực hiện 19 dự án. Trong đó có 7 dự án khởi công năm 2024 và 12 dự án dự kiến khởi công quý 1 và 2 năm 2025.

Khu công nghệ cao TP.HCM hiện đang tập trung thực hiện 19 dự án - Ảnh minh họa. Khu công nghệ cao TP.HCM hiện đang tập trung thực hiện 19 dự án - Ảnh minh họa.

Đối với 7 dự án dự kiến khởi công trong năm 2024, có 3 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn 696 triệu USD và 4 dự án trong nước với tổng vốn 181,56 triệu USD.

Hiện, mới có 1 dự án khởi công là Nhà máy Nipro Việt Nam và 1 dự án chuẩn bị khởi công vào ngày 12/12; đối với  1 dự án đã cấp phép xây dựng nhưng chưa khởi công là Trường Đại học Fulbright và 4 dự án đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép xây dựng và sẽ cấp phép trong năm nay.

Theo Ban quản lý khu công nghệ cao TP.HCM dự kiến cả năm 2024, giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao đạt khoảng 20,05 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ và đạt 100% kế hoạch đặt ra. Giá trị xuất khẩu đạt ước đạt 19,2 tỷ USD, tăng 13% và giá trị nhập khẩu đạt 17,03 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ.

Trong năm 2025, khu công nghệ cao TP.HCM dự kiến sẽ khởi công 12 dự án. Trong đó, có 5 dự án đang thực hiện quy hoạch tổng mặt bằng, 2 dự án đã được thẩm định Quy hoạch tổng mặt bằng; 2 dự án đã được thẩm định Quy hoạch tổng mặt bằng; 1 dự án đã được phê duyệt Đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500; 4 dự án cũng đang thực hiện điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 và Ban quản lý đang thực hiện song song các thủ tục đầu tư xây dựng cùng với việc thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Tuy nhiên, theo bà Chung, các dự án đều chậm tiến độ theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cũng như chậm đưa đất vào sử dụng. Bên cạnh đó, tổng vốn thu hút đầu tư mới vào khu công nghệ cao Thành phố đạt hơn 28 triệu USD, không đạt chỉ tiêu đề ra do các doanh nghiệp khu công nghệ cao cũng gặp những khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh như doanh thu giảm, xuất hiện tình trạng nợ lương, nợ bảo hiểm, có trường hợp chấm dứt hoạt động dự án.

Để xác định nguyên nhân, Ban quản lý khu công nghệ cao Thành phố đã tổ chức kiểm tra các dự án được bàn giao đất nhưng chưa đưa đất vào sử dụng (khởi công xây dựng công trình) và các dự án chưa đưa vào sử dụng (chưa triển khai xây dựng) hết phần diện tích đất được giao lại đất, cho thuê đất.

Đồng thời, Ban quản lý cũng sẽ tiến hành lập biên bản kiểm tra để xem xét gia hạn tiến độ sử dụng đất theo quy định, trong đó có 17/19 dự án nêu trên. Đến nay, việc kiểm tra các dự án đã hoàn thành. Tuy nhiên ,theo Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực từ 1/8, một số thẩm quyền về kiểm tra chuyên ngành, quyết định gia hạn tiến độ sử dụng đất không thuộc Ban quản lý.

Do đó, Ban đang rà soát, tham mưu, đề xuất phân cấp, ủy quyền cho Ban quản lý khu công nghệ cao Thành phố quyết định cho thuê đất trong khu công nghệ cao theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân TP.HCM.

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch Đầu tư) về tình hình thu hút FDI, 11 tháng năm 2024, TP.HCM  đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,28 tỷ USD, chiếm gần 7,3% tổng vốn đầu tư cả nước. Nếu xét về số dự án, báo cáo cho thấy TP.HCM vẫn dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (chiếm 42,3%), số lượt dự án điều chỉnh vốn (chiếm 14,7%) và GVMCP (chiếm 70,9%).

Xem bản gốc