Nhận định trên được Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC đưa ra trong báo cáo “Asian Economics Quarterly - Cuộc đua về đích” nhận định về tình hình kinh tế châu Á nói chung, kinh tế Việt Nam nói riêng. Báo cáo nhấn mạnh xuất khẩu tăng mang lại cú hích mạnh mẽ cho tăng trưởng nhiều nơi trong khu vực, đồng thời lạm phát và tỷ giá dịu đi sẽ nâng đỡ châu Á trong suốt năm Giáp Thìn.
Với kinh tế Việt Nam, các chuyên gia HSBC kỳ vọng tăng trưởng hơn nữa. Bởi lẽ, sự phục hồi kinh tế của Việt Nam tiếp tục vững vàng hơn qua thời gian trong năm Giáp Thìn. Tăng trưởng GDP được cải thiện và mang lại bất ngờ trong quý II/2024, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước. Sự phục hồi trong lĩnh vực bên ngoài tiếp tục lan rộng ra ngoài mảng điện tử tiêu dùng, mặc dù tác động trung chuyển nhằm trợ lực cho mặt trận trong nước vẫn phải chờ thời gian trả lời.
Lĩnh vực sản xuất vươn mình mạnh mẽ và vượt ra khỏi tình trạng đáng buồn của năm ngoái. Chỉ số PMI đã ghi nhận 5 tháng liên tiếp nằm trong vùng mở rộng, còn chỉ số sản xuất công nghiệp (IP) cũng ghi nhận phục hồi hoạt động trong ngành dệt may và da giày.
Kết quả này giúp xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ ở mức 2 con số, thêm vào đó là các ngoại lực thúc đẩy quan trọng cũng đang trên đà tiến tới, chẳng hạn như mở rộng tiếp cận thị trường cho nông sản Việt Nam.
Tuy nhiên, lĩnh vực trong nước đang phục hồi chậm hơn kỳ vọng ban đầu, trong đó, tăng trưởng bán lẻ vẫn thấp hơn xu hướng trước đại dịch. Điều đáng khích lệ là chính phủ đã có nhiều biện pháp hỗ trợ một loạt ngành kinh tế trong nước từ đó tạo kỳ vọng sẽ vực dậy lòng tin qua thời gian. Chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu và thuế giá trị gia tăng đối với một số hàng hóa, dịch vụ tiếp tục được áp dụng đến hết năm 2024 trong khi Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực từ tháng 8/2028 sẽ tác động tích cực lên triển vọng ngành bất động sản. Mặc dù mới được thông qua chưa lâu, Luật Đất đai sửa đổi dường như đã phần nào đóng góp vào cú hích lên đầu tư nước ngoài cho lĩnh vực này, trong đó, số liệu FDI gần đây cho thấy sự gia tăng trên diện rộng.
“Chúng tôi tin rằng những khả năng tích cực tiềm tàng có thể bù đắp cho tổn thất kinh tế tạm thời do siêu bão Yagi gây ra. Tựu trung lại, chúng tôi vẫn giữ dự báo tăng trưởng GDP cho cả năm 2024 và 2025 ở mức 6,5%”, các chuyên gia của HSBC nhấn mạnh.
Về lạm phát, HSBC nhận định, diễn biến giá cả đang có chiều hướng thuận lợi hơn trong 6 tháng cuối năm khi hiệu ứng cơ sở không thuận lợi do năng lượng giảm dần. Một chu kỳ nới lỏng của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) trong tầm dự đoán cũng sẽ giúp tháo gỡ bớt một số áp lực về tỷ giá.
Xét tất cả những yếu tố nêu trên, HSBC duy trì dự báo lạm phát năm 2024 ở mức 3,6%, khá thấp so với mức trần mục tiêu 4,5% của Ngân hàng Nhà nước; đồng thời, giữ nguyên dự báo lạm phát cho năm 2025 là 3,0%.
Trong báo cáo cập nhật vĩ mô “Thúc đẩy kinh tế sau bão là ưu tiên hàng đầu” vừa công bố, các chuyên gia phân tích của CTCK VNDirect cũng dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2024 ở mức 6,5%. Trong báo cáo, VNDirect đánh giá, bão số 3 (bão Yagi) là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua đổ bộ vào Việt Nam đã gây thiệt hại đáng kể cho đất nước. Ngoài những thiệt hại thương tâm về người, cơn bão còn gây ra sự gián đoạn kinh tế ở một số tỉnh phía Bắc.
Theo ước tính sơ bộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT), bão Yagi đã gây thiệt hại khoảng 40.000 tỷ đồng (1,6 tỷ USD) cho Việt Nam, tương đương gần 0,4% GDP (2023) và ước tích làm chậm tốc độ tăng trưởng GDP năm nay khoảng 0,15 điểm %. Trước đó, bộ KH&ĐT dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 vào khoảng 6,8-7% so với cùng kỳ.
“Mặc dù chịu thiệt hại do bão, chúng tôi vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP cho quý III/2024 là 6,4 - 6,8% và cho cả năm 2024 là 6,5%”, các chuyên gia của VNDirect nêu quan điểm và đưa ra 3 điểm nhấn lý giải cho nhận định trên, đó là:
Thứ nhất, chương trình hỗ trợ của Chính phủ dành cho người dân, doanh nghiệp chịu thiệt hại và phục hồi kinh tế. Chính phủ sẽ tập trung vào việc khôi phục cơ sở hạ tầng thiết yếu như lưới điện, đường sá, trường học và trạm xá, đồng thời hỗ trợ người dân sửa chữa và xây dựng lại nhà cửa bị hư hại do bão Yagi. Chính phủ đã giao NHNN hoạch định và thực hiện các chính sách như giãn, hoãn, khoanh nợ, chính sách tín chấp; Bộ Tài chính nghiên cứu giảm, gia hạn, hoãn các loại thuế, phí và lệ phí. Trong khi đó, Bộ Công Thương đảm bảo nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh. Để thúc đẩy tăng trưởng, Chính phủ sẽ đẩy nhanh hơn nữa việc giải ngân đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia.
Thứ hai, hoạt động xuất nhập khẩu vượt dự báo. Kim ngạch xuất nhập khẩu ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ 15,9% và 18,1% trong 8 tháng năm 2024. Với dữ liệu PMI tích cực và số lượng đơn đặt hàng sản xuất mới trong vài tháng qua, VNDirect duy trì đánh giá khả quan đối với triển vọng xuất khẩu trong những tháng cuối năm nay. Do đó, VNDirect nâng dự báo tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu năm nay lên +15,2% so với cùng kỳ (tăng so với dự báo trước đó là 10-12% so với cùng kỳ) và nâng dự báo tăng trưởng nhập khẩu năm nay lên +17,2% so với cùng kỳ (tăng so với dự báo trước đó là 13- 15%). Bên cạnh đó, hoạt động xuất nhập khẩu vượt dự báo được kỳ vọng sẽ phần nào bù đắp sự suy giảm tăng trưởng do cơn bão gây ra đối với nền kinh tế.
Cuối cùng, môi trường tín dụng toàn cầu dần nới lỏng. Các ngân hàng trung ương lớn đã và đang đẩy nhanh chu kỳ cắt giảm lãi suất, điều này sẽ giúp nới lỏng môi trường tín dụng toàn cầu. NHTW châu Âu đã tiến hành hai lần cắt giảm lãi suất chính sách kể từ tháng 6 và có thể thực hiện ít nhất một lần cắt giảm lãi suất chính sách nữa trong năm nay. Trong khi đó, VNDirect vọng FED sẽ cắt giảm tổng cộng 75-100 điểm cơ bản trong năm 2024.