(Xây dựng) - Du lịch đường sắt là loại hình có nhiều tiềm năng phát triển ở nước ta với mạng lưới đường sắt trải dài từ Bắc vào Nam và được đánh giá là phương tiện di chuyển an toàn, hiệu quả, mang lại nhiều trải nghiệm đặc biệt cho du khách. Nắm bắt xu hướng, ngành Du lịch Bình Định đang trên hành trình “đánh thức” tiềm năng loại hình du lịch này.
Đường sắt có những lợi thế mà đường hàng không không có
Chia sẻ tại buổi hội thảo “Liên kết phát triển sản phẩm du lịch Bình Định và kết nối sản phẩm du lịch đường sắt Đà Nẵng, Khánh Hòa” diễn ra ngày 31/3, ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: Hiện nay, ngành Hàng không đang khó khăn, số lượng tàu bay không nhiều, giá cũng cao, vì vậy đây là cơ hội cho ngành Đường sắt phát triển. Theo ông, đường sắt có những lợi thế mà đường hàng không không có. Vì vậy, ngoài việc nâng cao chất lượng các đoàn tàu để phục vụ cho du khách, ngành Đường sắt cũng phải nâng cấp.
![]() |
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang, đường sắt có những lợi thế mà đường hàng không không có. |
Ông Giang nhấn mạnh, đất nước đã giải phóng 50 năm rồi, giờ mình mà vẫn còn trong giai đoạn xa xưa thì khó có thể đáp ứng được yêu cầu. Vấn đề đặt ra với đường sắt trong giai đoạn hiện nay là các công ty lữ hành phải đưa ra cần phải xây dựng một chính sách cụ thể và công bố công khai. Chúng ta làm sao thu hút được khách du lịch cùng đồng hành với các doanh nghiệp du lịch, kể cả lữ hành, lưu trú, dịch vụ ăn uống… làm sao cho giá tour hợp lý để có sự phát triển.
![]() |
Du khách có những trải nghiệm đặc biệt trên các chuyến du lịch bằng tàu hỏa. |
Đồng quan điểm, ông Hà Trọng Thắng, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt cho hay: Tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua nhiều tỉnh thành với những danh lam thắng cảnh nổi tiếng, là một lợi thế lớn để phát triển các sản phẩm du lịch liên vùng. Việc kết nối Bình Định, Đà Nẵng và Khánh Hòa bằng đường sắt sẽ tạo ra một hành trình du lịch hấp dẫn, đa dạng, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng. Không những vậy, du lịch bằng tàu hỏa sẽ mang đến cho du khách cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp của đất nước từ một góc nhìn khác biệt, chậm rãi, thư thái.
“Đánh thức” tiềm năng du lịch đường sắt
Tuy nhiên, ông Thắng nhìn nhận, hiện nay nhiều nhà ga và tuyến đường sắt đã xuống cấp, cần được nâng cấp và cải tạo, hình ảnh nhà ga chưa tạo được điểm nhấn thu hút khách du lịch. Bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch đường sắt còn đơn điệu, chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng các tiện ích phục vụ hành khách.
![]() |
Theo ông Thắng, ngành Đường sắt và các đơn vị lữ hành cần có sự liên kết để đẩy mạnh khai thác tối đa tiềm năng của du lịch đường sắt. |
Để đẩy mạnh khai thác khách du lịch bằng tàu hỏa đến Bình Định, ông Thắng cho rằng nên tổ chức chạy tàu du lịch từ Quy Nhơn đến Diêu Trì và ngược lại, đồng thời sẽ làm đường hoa để du khách có thể ngắm cảnh. Tuyến đường sắt Quy Nhơn – Diêu Trì dài 10km là tuyến đường nhánh hiện hàng ngày chỉ tổ chức chạy một đôi tàu khách SE29, SE30 (Sài Gòn – Quy Nhơn), do đó năng lực chạy tàu còn dư thừa rất phù hợp với tổ chức khai thác tàu du lịch.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Tỉnh rất biểu dương việc xây dựng tour du lịch bằng tàu hỏa từ ga Diêu Trì về đến Quy Nhơn, tuy nhiên, phải có sự phối hợp và chia sẻ. Nếu doanh nghiệp quyết tâm làm, tỉnh sẵn sàng hỗ trợ làm đường hoa từ Diêu Trì về đến Quy Nhơn.
![]() |
Ga Diêu Trì là nơi đón khách du lịch đến với Quy Nhơn bằng đường sắt. |
“Có ý kiến cho rằng, tỉnh phải bỏ tiền sửa toa tàu cho ngành Đường sắt, điều này là không thể. Vì tỉnh có muốn hỗ trợ cũng không được, bởi không có cơ chế ngân sách bỏ tiền cho doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp muốn tỉnh đổi mới trong lĩnh vực khoa học công nghệ tỉnh sẵn sàng làm ngay, nhưng đây là sửa chữa toa tàu để nâng cấp, đáp ứng cho khách du lịch thì địa phương không thể làm được”, ông Lâm Hải Giang chia sẻ khi được yêu cầu tỉnh hỗ trợ sửa toa tàu.
Chúng ta phải tính đến lâu dài, hướng đến sự phát triển trong tương lai, chứ giờ cứ loay hoay với câu chuyện con gà - quả trứng, thì không bao giờ làm được, mình phải làm và hoạt động thì lúc đó chúng ta mới gặt hái được thành quả. Ngành Đường sắt phải đầu tư, Nhà nước ủng hộ, hỗ trợ từ đó tạo thói quen tiêu dùng... chúng ta phải kết hợp lại, phải xây dựng những sản phẩm du lịch hấp dẫn, kết hợp giữa vận tải đường sắt và các dịch vụ trải nghiệm đa dạng như nghỉ dưỡng, khám phá văn hóa, ẩm thực địa phương để tạo ra một sản phẩm để cho du khách trải nghiệm, ông Giang cho hay.