Sau 2 tháng phát sóng, “Jeongnyeon: The Star Is Born” đã khép lại với 12 tập và ghi nhận nhiều phản hồi đa chiều của người xem. Tác phẩm không chỉ tái hiện những vở diễn Gukgeuk kinh điển cùng các bản Pansori của Hàn Quốc, mà còn ngợi ca nữ quyền và tình thân.
Nỗ lực tái hiện những tinh hoa nghệ thuật truyền thống trên màn ảnh nhỏ
“Jeongnyeon: The Star Is Born” được thực hiện dựa trên bộ webtoon cùng tên của tác giả Seo Ireh và Namoon, lấy bối cảnh năm 1950 sau chiến tranh tại Hàn Quốc. Nhân vật chính của tác phẩm là Yoon Jeong Nyeon, một “thiên khẩu thanh” Pansori hiếm có. Nhân vật này được lấy cảm hứng từ nghệ sĩ gạo cội Cho Young Sook. Bà là thế hệ đầu tiên của quốc kịch Gukgeok. Hình ảnh của danh ca được mô phỏng qua nhân vật Jeong Nyeon, một “Hoàng tử Gukgeuk” mang mái tóc ngắn cá tính đã chạy trốn từ chiến tranh Triều Tiên sang Hàn Quốc và bắt đầu sự nghiệp vào năm 1951.
Pansori là nghệ thuật kể chuyện bằng âm nhạc xuất phát từ Hàn Quốc vào khoảng thế kỷ 17. Nghệ thuật này được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể số 5 của xứ kim chi. Tiết mục Pansori bao gồm ca sĩ và người đánh trống. Không có sân khấu với ánh đèn lung linh, họ chỉ là một gánh hát di chuyển khắp nơi để biểu diễn. Vì thể chất không thể sánh với nam ca sĩ, các nữ danh ca Pansori đời đầu đã cùng lập nên Gukgeuk – sân khấu kịch kể chuyện bằng âm nhạc. Qua đó, các nghệ sĩ Gukgeuk sẽ đỡ vất vả hơn khi được biểu diễn trong điều kiện sân khấu ổn định, với doanh thu dễ kiểm soát bằng hình thức bán vé.
Gần cuối thế kỷ 20, Gukgeuk chính thức ra đời với cốt lõi là hát Pansori, kết hợp diễn xuất, nhảy múa, ánh sáng, đạo cụ,… Gukgeuk còn được gọi là quốc kịch vì các câu chuyện được lấy cảm hứng từ các sự kiện lịch sự có thật tại Hàn, chẳng hạn mối tình thời vua Muwang trong vở “Seonhwagongju”, hay những kẻ bán nước dẫn đến cảnh đất nước rơi vào chiến tranh kham khổ.
Dù “sinh sau đẻ muộn”, Gukgeuk nhanh chóng xếp ngang hàng với Changguek, loại hình quốc kịch khác phát triển từ Opera. Điều thú vị ở Gukgeuk là đoàn diễn hoàn toàn là nữ và tập trung vào diễn xuất, trong khi Changguek là đoàn diễn nam và chú trọng vào giọng hát. Do đó, các diễn viên phải có khả năng biến hóa đa dạng, thậm chí hóa thân thành nhân vật khác giới.
Luôn trong tình trạng “cháy vé” với lượng người hâm mộ đông đảo, Gukgeuk lại không thể tồn tại lâu dài trước sự lên ngôi của phim ảnh. Mặc dù vậy, Gukgeuk vẫn được mệnh danh là tinh hoa của tất cả nghệ thuật sân khấu Hàn Quốc. Năm 2024, hát Pansori hay diễn quốc kịch Gukgeuk đã được mang lên màn ảnh qua “Jeongnyeon: The Star Is Born”. Các vở kịch Gukgeuk huyền thoại như “Okjunghwa”, “Seonhwagongju”,… đã được bộ phim làm lại.
Kết thúc với rating lên đến 16.5%, nhưng “Jeongnyeon” lại nhận về ý kiến trái chiều từ người xem, đặc biệt là những ai vốn hâm mộ bản webtoon. Bộ phim đã có 2 sự thay đổi lớn về câu chuyện nữ quyền và tình yêu đồng giới. Trong nguyên tác, Bu Young là người hâm mộ đầu tiên, là người bạn tri kỉ và là cô gái mà Jeongnyeon yêu. Đứng trước hôn nhân bị gia đình sắp đặt, Bu Young không chịu khuất phục. Cô cùng Jeongnyeon lập nên đoàn hát của riêng họ. Chuyển thể thành phim, Bu Young được biên kịch đổi thành Ju Ran. Trái với webtoon, Ju Ran đã chấp nhận nghe theo sự sắp xếp của gia đình. Đoàn kịch Mae Ran cũng bị giải thể vì không đủ kinh phí hoạt động. Tình yêu của Jeongnyeon và Bu Young trong webtoon đại diện cho những người phụ nữ dám phá bỏ định kiến xã hội. Tuy nhiên, “Jeongnyeon” đã không khai thác sâu hơn vì có lẽ bị giới hạn ở một tác phẩm truyền hình.
Nhân vật khác bị cắt sóng là Mr. Go, một cô gái bất mãn vì các chế độ còn lỗi thời bấy giờ, đặc biệt là “trọng nam khinh nữ”. Hình ảnh của Mr. Go có thể tìm thấy ở Young Seo, một cô gái luôn bị người mẹ áp đặt trở thành phiên bản bà mong muốn. Thay đổi các nhân vật quan trọng, “Jeongnyeon” đã vấp phải nhiều phản hồi tiêu cực. Vào thời đại vấn đề nữ quyền ở Hàn Quốc ngày càng nhạy cảm, việc tác phẩm lấy đi những chi tiết, hay các nhân vật phản ánh yếu tố này đã làm mất đi ý nghĩa tạo nên sự đồng cảm giữa nguyên tác và người xem. Nữ giới không thể tìm thấy động lực tinh thần để thay họ nói lên nỗi lòng, hay một cái kết lạc quan dù hư cấu mà webtoon mang lại cho các nghệ sĩ xưa đã bị tráo đổi.
Mặc dù vậy, bạn vẫn hãy thử một lần xem “Jeongnyeon: The Star Is Born”. Như tựa đề bộ phim, người xem cùng cô nàng “tomboy” Jeong Nyeon và các thiếu nữ khác theo đuổi ước mơ của mình. Trên chặng đường này, khán giả vừa tìm hiểu diễn Gukgeuk, hát Pansori, cảm thán nghị lực của phái nữ, rung động trước tình bạn hay tình yêu đồng giới. Chuyện phim đặt người xem vào những băn khoăn và chông gai trong hành trình tiến đến ước mơ. Bạn sẽ chọn “cần cù” hay “thông minh”, “được là chính mình” hay “được mọi người công nhận”?
Cần cù bù thông minh
Yoon Jeong Nyeon (Kim Tae Ri) là cô gái trẻ 19 tuổi bán cá ở vùng biển Mokpo. Nhân vật tương phản của cô là Heo Young Seo (Shin Ye Eun), tiểu thư thành thị thuộc gia đình Opera quyền lực. Cả hai theo học tại đoàn kịch Mae Ran của đoàn trưởng Kim So Bok (Ra Mi Ran), cùng “Hoàng tử” Ok Gyeong (Jung Eun Chae) và “Công chúa” Hye Rang (Kim Hye Yoon). Lần đầu nghe giọng hát của đối phương, Jeong Nyeon và Young Seo không khỏi sửng sốt. Trớ trêu thay, họ không thành bạn mà lại là kẻ thù.
Jeong Nyeon sở hữu giọng hát thiên phú vì mẹ cô từng là một danh ca Pansori. Về phía Young Seo, quốc kịch Gukgeuk không phải là thế mạnh của gia đình và cô cũng không được mẹ ủng hộ. Sau gần 10 năm rèn luyện, Young Seo đã được nhận vai chính trong buổi diễn của thực tập sinh. Đây là mơ ước của các diễn viên Gukgeuk. Bởi nếu chỉ đảm nhận vai phụ thì họ sẽ mãi là diễn viên vô danh.
Vở diễn chính đầu tay của Young Seo là vở diễn ra mắt của Jeong Nyeon. Đảm nhận vai phụ, Jeong Nyeon lại thu hút người xem và nhận tràng pháo tay giòn giã. Cô tự hào đã hoàn thành tốt vai diễn, mặc dù từng bỏ tập và chỉ xuất hiện vào phút chót. Mặt khác, Young Seo không đồng ý cách làm của Jeong Nyeon. Theo cô, vở kịch diễn ra trọn vẹn nhờ khả năng ứng biến của mình. Jeong Nyeon có năng khiếu nên dễ dàng làm tốt, nhưng nếu bạn diễn của cô không phải là Young Seo, thì họ có thể bắt kịp tiến độ để kết hợp ăn ý với Jeong Nyeon?
Tưởng chừng dừng ở mâu thuẫn làm việc nhóm, Jeong Nyeon đã mắc lỗi sai trầm trọng ở vở kịch tiếp theo. Lần này, Jeong Nyeon quyết định học Gukgeuk từng chút một và bắt đầu từ vai diễn nhỏ nhất. Tuy nhiên đến ngày diễn, Jeong Nyeon lại một lần nữa chỉ chăm chút nhân vật của mình, dẫn đến tuỳ hứng và diễn sai kịch bản. Từ vai quần chúng, Jeong Nyeon trở nên nổi bật hơn những vai chính. Cô vẫn nghĩ mình làm tốt, nhưng lại bị trưởng đoàn nghiêm khắc phê bình và cấm diễn.
Khi bình tĩnh, Jeong Nyeon nhận ra rằng, dù vai chính hay vai phụ, cô cần quan sát toàn bộ cục diện và biết nâng đỡ đồng đội. Mỗi vai diễn đều quan trọng và có vai trò riêng trong vở kịch. Đóng vai phụ cũng giống như bắt đầu từ những bước đi nhỏ. Từ đó, diễn viên sẽ vững chãi khi đứng trên đỉnh vinh quang. Đây là lý do trưởng đoàn cho phép Young Seo đóng vai chính khi thấy cô đã đủ chín chắn.
Gần cuối chặng phim, Jeong Nyeon bị người khác xúi giục mà luyện thanh ngày đêm. Không thể tiến bộ nhanh chóng như mong muốn, Jeong Nyeon còn bị mất giọng và ho ra máu. Khi Young Seo phát hiện, Jeong Nyeon đã bày tỏ lo sợ trước thực lực của đối phương. Young Seo không nhún nhường mà đáp trả. Cô thừa nhận từng e ngại trước tài năng xuất chúng như Jeong Nyeon. Biết rằng mình không có năng khiếu, Young Seo đã bền bỉ tập luyện và đóng vai phụ suốt 10 năm. Còn Jeong Nyeon có tài năng trời phú nhưng mới tập Gukgeuk chưa đến 1 năm. Vậy tại sao lại cô lại dễ nản lòng khi chưa thể tiến bộ như Young Seo?
Tin tưởng nỗ lực của bản thân
Phiên bản của chính mình luôn là phiên bản hạnh phúc và duy nhất. Đây là thông điệp mà “Jeongnyeon: The Star Is Born” truyền tải qua phân đoạn Young Seo nhận vai phản diện, vốn gắn “như hình với bóng” cùng tiền bối trong đoàn kịch. Vui mừng không bao lâu, Young Seo lo lắng khán giả sẽ chê bai. Thậm chí, nàng tiểu thư từng quyết định bắt chước lối diễn của đàn chị. Sau cùng, Young Seo đã can đảm là chính mình. Phiên bản mới do chính cô nỗ lực tìm kiếm và luyện tập được khán giả khen ngợi. Không chỉ vậy, Young Seo còn mạnh mẽ thoát khỏi vùng an toàn là “con gái của Soprano” Han Ki Ju để được làm điều cô mong muốn.
Từ cách xây dựng hai nhân vật đối lập, người xem thấm thía lời dặn của đoàn trưởng đoàn kịch Mae Ran: “Dù có tài thiên bẩm nhưng không biết rèn luyện, thì người đó sẽ không bao giờ tiến bộ”. Luyện tập không chỉ giúp đạt mục tiêu, mà còn gìn giữ và nuôi dưỡng tài năng. Xuất phát điểm có thể khác nhau, nhưng chặng đường tiến đến ước mơ của mỗi người sẽ luôn có chông gai của riêng họ. Đừng vì nôn nóng mà từ bỏ, hay than trách số phận mà không chịu cố gắng. “Jeongnyeon: The Star Is Born” động viên chúng ta cùng các diễn viên đoàn kịch Mae Ran từng bước tiến lên, và đừng quên tin tưởng nỗ lực của bản thân để trở thành ngôi sao sáng.