Vẻ đẹp của những ngôi chùa ở Tây Nguyên luôn khiến du khách phải say lòng và chùa Sắc tứ Khải Đoan ở TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk chính là một trong những điểm đến như thế.
Từng được coi là trung tâm Phật giáo ở cả Đắk Lắk và Tây Nguyên, chùa Sắc tứ Khải Đoan có vai trò rất quan trọng trong việc chấn hưng Phật giáo. Với lịch sử vô cùng đặc biệt và vẻ đẹp kiến trúc độc đáo, ngày nay Sắc tứ Khải Đoan đã trở thành một điểm đến không thể bỏ lỡ đối với các phật tử và cả du khách khi đến với thành phố Buôn Ma Thuột. Du ngoạn ngôi chùa này, bạn không chỉ được khám phá vẻ đẹp kiến trúc độc đáo mà còn hiểu hơn về giá trị kiến trúc, văn hoá, những câu chuyện thú vị về lịch sử hình thành nên ngôi chùa này.
Chùa Sắc tứ Khải Đoan là điểm đến tâm linh nổi tiếng ở Buôn Ma Thuột. Ảnh: Tường Vân
Lịch sử của chùa Sắc Tứ Khải Đoan Đắk Lắk
Chùa Sắc tứ Khải Đoan nằm ở địa chỉ số 117 đường Phan Bội Châu, thuộc phường Thống Nhất, trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột. Đây được biết đến là ngôi chùa cổ lớn bậc nhất ở Đắk Lắk và Tây Nguyên hiện tại.
Ngôi chùa này được xây dựng bởi Đoan Huy Hoàng Thái Hậu Hoàng Thị Cúc và các phật tử phát tâm xây dựng, hiến cúng cho Giáo hội Tăng già Trung Việt. Người chỉ đạo xây cất chùa là hòa thượng Thích Đức Thiệu, cũng là vị trụ trì đầu tiên của ngôi chùa.
Chùa chính thức được xây dựng từ năm 1951, ban đầu chỉ xây phần hậu tổ và nhà giảng, cho đến năm 1953 mới tiếp tục xây dựng phần chính điện. Vào năm 1953, nhân ngày Lễ an vị lạc thành Nhà Hậu tổ thì ngôi chùa đã được vua Bảo Đại phong “Sắc tứ Khải Đoan”. Tên gọi Khải Đoan được lấy từ hai chữ đầu của tên nhà vua Khải Định và Đoan Huy Hoàng Thái hậu với mục đích ghi nhận công đức của người sáng lập nên ngôi chùa này.
Đây là ngôi chùa cuối cùng được phong sắc tứ ở Việt Nam. Ảnh: TT
Gắn liền với tên gọi “Sắc tứ Khải Đoan”, chùa còn mang ý nghĩa rất đặc biệt khi là ngôi chùa cuối cùng ở Việt Nam được phong “sắc tứ”. Vào thời điểm năm 1953, triều đại phong kiến nhà Nguyễn tại Việt Nam đã chính thức kết thúc, thế nhưng nhà vua Bảo Đại lúc này vẫn là Quốc Trưởng và với định chế Hoàng triều cương thổ, thì Bảo Đại vẫn là hoàng đế, cũng chính vì vậy mà việc phong “Sắc tứ Khải Đoan” cho ngôi chùa có ý nghĩa đặc biệt, đây chính là ngôi chùa Phật giáo được phong “Sắc Tứ”cuối cùng bởi một vị vua.
Hướng dẫn đến chùa Sắc tứ Khải Đoan
Một điều khá thuận lợi để du khách khám phá chùa Sắc tứ Khải Đoan đó chính là ngôi chùa tọa lạc ở ngay khu vực trung tâm thành phố. Từ bất kỳ điểm xuất phát nào, du khách cũng có thể thuận lợi di chuyển đến ngôi chùa này để tham quan, khám phá mà không cần mất quá nhiều thời gian.
Xuất phát từ khu vực trung tâm, tượng đài chiến thắng Buôn Ma Thuột du khách có thể di chuyển theo hướng đường Phan Bội Châu, đi thẳng thêm 1km là có thể nhìn thấy cổng của ngôi chùa. Nếu lần đầu ghé thăm, du khách có thể hỏi thăm người dân địa phương bởi chùa Sắc tứ Khải Đoan rất nổi tiếng, bất cứ người dân Buôn Ma Thuột nào cũng đều biết đến ngôi chùa này.
Chùa nằm ở trung tâm nên rất thuận tiện để tìm đến. Ảnh: ST
>> Xem thêm: Giải nhiệt mùa hè với các hoạt động vui chơi dã ngoại tại thác Bìm Bịp Đắk Lắk
Khám phá không gian và kiến trúc chùa Sắc tứ Khải Đoan
So với các ngôi chùa ở Tây Nguyên khác thì chùa Sắc tứ Khải Đoan có kiến trúc hết sức độc đáo. Toàn bộ khuôn viên của ngôi chùa rộng khoảng 4ha, là sự kết hợp tuyệt vời của cảnh quan thiên nhiên và kiến trúc. Chùa được xây dựng theo kiểu chữ “Tam”, bao gồm cổng Tam Quan nằm ở phía trước, khu vực Chính điện nằm ở chính giữa và nhà Hậu tổ nằm ở phía sau.
Tam Quan
Tam quan chính của chùa Sắc tứ Khải Đoan có mặt hướng ra đường Quang Trung, thế nhưng lối đi thường được sử dụng lại nằm ở trên đường Phan Bội Châu. Vị thế của chùa có mặt hướng về phía Tây Nam, view hướng về suối Đốc Học, lưng tựa vào khu phố, trong phong thuỷ đây chính là thế “tiền thủy hậu sơn”.
Cổng Tam quan chính của chùa ở đường Quang Trung, mang dấu ấn rất riêng không hề giống với bất kỳ một ngôi chùa truyền thống nào ở Việt Nam hiện tại. Theo đó, cổng Tâm Quan này được xây dựng từ năm 1957 với kiến trúc theo dạng phủ huyện, ở chính giữa sẽ có một vòm lầu có mái, hai bên là mái giả với hình cổ lâu có lan can.
Tam Quan chùa Sắc tứ Khải Đoan theo dạng phủ huyện. Ảnh: dungtran26011986_
Chánh điện
Nói đến điểm nhấn kiến trúc của chùa Sắc tứ Khải Đoan thì đó chính là khu vực chánh điện. Đây cũng là địa điểm tham quan ưa thích của cả du khách lẫn các phật tử khi đến với ngôi chùa này. Chính điện của chùa Sắc tứ Khải Đoan có diện tích 320m2, bao gồm hai tầng. Khu vực tầng dưới được xây dựng bằng gạch đá, là nơi thường được dùng để sinh hoạt và học tập cho các sư tăng. Tầng trên được thiết kế bằng chất liệu gỗ, được dùng để làm nơi thờ tự.
Xét về tổng thể thì kiến trúc chính điện của chùa Sắc tứ Khải Đoan mang dấu ấn đặc trưng của những ngôi nhà dài Ê Đê ở Tây Nguyên với bộ mái hai tầng, thế nhưng lại kết hợp thêm những đường nét và kiến trúc đặc trưng của nhà rường xứ Huế.
Chánh điện của chùa Sắc tứ Khải Đoan . Ảnh: TT
Khu vực chính giữa của chính điện được xây dựng một sảnh bằng đá, hai bên là cầu thang, phía trên của sảnh là một bức tượng Phật Thích Ca được tác tạo bằng đá trắng. Lối dẫn cầu thang hai bên lên điện thờ tầng hai được làm vô cùng tỉ mỉ, công phu với kết cấu đá ấn tượng, xung quanh điện thờ là những hành lang dài, những vách cửa và gỗ được chạm khắc vô cùng tỉ mỉ, công phu với các hình ảnh đặc trưng như La Hán, Bồ Tát hay hình ảnh Đức Phật, những hoa văn mang đặc trưng của Phật giáo.
Cầu thang dân lên chánh điện. Ảnh: @tienmanh3011
Bước vào bên trong chính điện, du khách sẽ cảm nhận một không gian rất rộng và thoáng với nhiều ô cửa, cấu trúc đặc trưng ở đây là “trùng thiềm điệp ốc” kết nối hai hệ mái liền với nhau giúp mở rộng không gian, đây cũng là kiểu kiến trúc rất phổ biến trong các công trình kiến trúc cung đình Xứ Huế.
Hành lang được chạm trổ rất tinh xảo. Ảnh: _puchan1603_
Trong điện thờ Phật được bài trí thành 5 gian, chính giữa là nơi để tôn trí tượng Phật A Di Đà và tượng Phật Thích Ca, hai bên là tượng của các vị Bồ Tát Quan Thế Âm, Đại Thế Chí, Văn Thù Bồ Tát và Phổ Hiền Bồ Tát. Những bức tượng thờ trong chính điện của chùa Sắc tứ Khải Đoan đều được đúc bằng chất liệu đồng, đặt trên những bệ thờ được làm bằng gỗ quý, mang lại không gian vô cùng trang nghiêm.
Bên trong chánh điện bài trí rất linh thiêng. Ảnh: ST
Rời khỏi chính điện, di chuyển sang hai bên, du khách sẽ bắt gặp lầu chuông và lầu trống. Bên phải là lầu chuông có treo một quả đại Hồng Chung cao 1,15m, nặng 380kg được chính các nghệ nhân ở kinh thành Huế tạc tạo. Đây được biết đến là vật hiến cúng của hoàng tử Bảo Long và hoàng tử Bảo Thăng, con trai của nhà vua Bảo Đại. Ngay gần lầu chuông là tòa nhà Tàng Kinh Các, một công trình kiến trúc rất ấn tượng với hai tầng, được làm từ chất liệu gỗ, hai mái. Tầng 1 là nơi để trống, tầng hai chính là thư viện kinh sách.
Lầu trống của chùa.Ảnh: hithiensuong
Lầu chuông có kiến trúc tuyệt đẹp. Ảnh: ST
Nhà hậu tổ
Di chuyển ra phía sau chính điện của chùa Sắc tứ Khải Đoan là nhà hậu tổ, kiến trúc của công trình này cũng tương tự như chính điện với tầng 1 được xây dựng bằng chất liệu gạch, đá thông thường và tầng 2 là được làm hoàn toàn bằng gỗ, phía trước sẽ có một sảnh.. Xét về kiến trúc và bài trí thì nhà hậu tổ đơn giản hơn chính điện rất nhiều, đền thờ của nhà hậu tổ được đặt ở khu vực tầng 2 với nội thất bằng gỗ, kiến trúc theo kiểu nhà rường của xứ Huế.
Khu vực gian giữa ở tầng 2 là nơi đặt ban thờ của tượng quan âm Thiên Thủ Thiên Nhãn, khu vực phía sau bàn thờ là di ảnh của các đời trụ trì, các bậc cao tăng đã có nhiều đóng góp đối với Phật giáo. Trên mái sảnh phía trước nhà hậu tổ có bức tượng thờ Văn Thù Bồ Tát đang cưỡi sư tử làm bằng đá trắng.
Khu vực khác
Trong khuôn viên của chùa Sắc tứ Khải Đoan Đắk Lắk còn có một số hạng mục khác nhau như Quan Âm Các được xây dựng từ năm 1972, với mặt bằng có hình lục giác, có 6 cây cột được trang trí họa tiết rồng mây rất tinh xảo, bên trong là thờ tượng của đức Quan Âm. Du khách cũng có thể bắt gặp cây bồ đề được đại đức Narada dành tặng cho chùa từ năm 1962. Phía dưới cây bồ đề này là bức tượng Phật Thích Ca đang tọa thiền và Công Đức Tạng.
Nhìn chung tổng thể kiến trúc của chùa Sắc tứ Khải Đoan được làm vô cùng tỉ mỉ, công phu với tính thẩm mỹ rất cao và đậm màu sắc văn hóa Phật giáo.
Khuôn viên của ngôi chùa còn rất nhiều điểm check-in khác. Ảnh: @dungtran26011986
>> Xem thêm: Tour du lịch Đắk Lắk hấp dẫn
Kinh nghiệm check-in chùa Sắc tứ Khải Đoan Đắk Lắk
Giờ mở cửa
Tương tự các ngôi chùa khác thì chùa Sắc tứ Khải Đoan mở cửa vào 8:00 sáng đến 18:00 tối, tất cả các ngày trong tuần. Ngoài ra vào dịp đặc biệt như ngày lễ, rằm, Tết thì giờ mở cửa sẽ thay đổi để đáp ứng nhu cầu tham quan lễ Phật của du khách và người dân địa phương.
Một kinh nghiệm check in dành cho du khách khi đến chùa, là nên lựa chọn khung giờ đầu buổi sáng, bởi lúc này lượng khách đến chùa ít hơn không gian bình yên, thanh tịnh để tham quan khám phá.
Chùa mở cửa tất cả các ngày trong tuần. Ảnh: _yumiiishinohara
Bí kíp sống ảo
Không chỉ là một điểm đến tâm linh hấp dẫn mà chùa Sắc tứ Khải Đoan còn được biết đến là một trong những địa điểm check in rất được du khách ưa thích. Bí kíp sống ảo đẹp ở chùa Sắc Tứ Khải Đoan dành cho bạn là nên chọn các trang phục truyền thống như áo dài, áo tứ thân hoặc bà ba. Những trang phục này khi lên hình với kiến trúc của chúa rất đẹp và phù hợp với thuần phong mỹ tục.
Chùa có rất nhiều góc check in sống ảo đẹp, đặc biệt là ở khu vực chánh điện với cầu thang lên xuống, hành lang dược chạm trổ công phu hay lầu chuông. Để bức ảnh trông tươi tắn và đẹp hơn thì bạn có thể quản lý biểu cảm gương mặt, nụ cười nhẹ nhàng, tươi vui. Nên chọn pose dáng với các tư thế nhẹ nhàng, đứng thẳng hoặc ngồi tự nhiên, phù hợp với cảnh quan. Ngoài ra, bạn có thể lấy những khung hình toàn cảnh hoặc tìm những góc chụp bao quát, góc nghiêng, góc trực diện hoặc góc xoay để mang đến những bức hình thật đẹp.
Sống ảo ở chùa Sắc tứ Khải Đoan là trải nghiệm tuyệt vời. Ảnh: @ha210996
Lưu ý
Khi tham quan chùa Sắc tứ Khải Đoan nên giữ trật tự, đi đứng nhẹ nhàng và ăn nói lịch sự. Khi bước vào các gian thờ để tế lễ hoặc cúng bái, bạn nên bỏ giày dép ở bên ngoài và sắp gọn theo đúng quy định
Trong quá trình tham quan nên ý thức giữ gìn cảnh quan và không gây tổn hại đến các hiện vật ở trong chùa. Khi chụp ảnh chỉ nên chọn các góc check in ở phía bên ngoài không nên vào trong không gian lễ cúng.
Nên lưu ý trong quá trình thăm quan để giữ gìn sự thanh tịnh nơi cửa Phật. Ảnh: buihuykhang
Đến với chùa Sắc tứ Khải Đoan Đắk Lắk, du khách hẳn sẽ phải ngỡ ngàng bởi kiến trúc độc đáo được kết hợp một cách hài hòa giữa nét truyền thống của xứ Huế với kiến trúc nhà dài Ê Đê đậm tính bản địa, ngôi chùa không chỉ là một điểm đến để tận hưởng những phút giây thư thái, vãn cảnh chùa, mà còn là một thiên đường check in tuyệt vời để bạn mang về những ảnh thật đẹp.
Hồng Thọ - dulichvietnam.com.vn
Ảnh: Internet