Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Khó cạnh tranh, các hãng xe hơi phương Tây phải ‘bắt tay’ với Trung Quốc: Hàng trăm tỷ USD đổ vào nhà máy Mỹ gặp rủi ro, vùng an toàn của châu Âu bị phá vỡ

Markettimes 1 Tháng trước

Nissan, nhà sản xuất ô tô Nhật Bản, đang sa thải 9.000 nhân viên, trong khi Volkswagen cân nhắc đóng cửa các nhà máy ở Đức lần đầu tiên trong lịch sử. Tổng giám đốc điều hành nhà sản xuất ô tô Stellantis đã nộp đơn từ chức, trong khi các thương hiệu xa xỉ như BMW và Mercedes-Benz gặp khó khăn hơn bất kỳ lúc nào. 

Mỗi hãng sản xuất ô tô đều có những vấn đề riêng, song điểm chung nằm ở quy trình chuyển đổi công nghệ khó khăn, bất ổn chính trị, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và sự xuất hiện của một nhóm các hãng sản xuất ô tô Trung Quốc mới nổi. Nỗi thống khổ đặt ra câu hỏi về tương lai các công ty từng được coi là biểu tượng của ngành công nghiệp. 

Nhiều nhà máy đang sản xuất ít ô tô hơn nhiều so với mục đích ban đầu. Khi không kiếm được lợi nhuận xứng đáng, lợi nhuận sẽ chịu tác động lớn, theo Simon Croom, giáo sư quản lý chuỗi cung ứng tại Đại học San Diego. “Sự khác biệt giữa lãi và lỗ là ranh giới rất mong manh trong ngành công nghiệp ô tô”. 

Người lao động là những yếu tố đầu tiên chịu thiệt hại trong một ngành công nghiệp sử dụng 9 triệu con người. Hơn 2 triệu người Mỹ khác đang làm việc cho các đại lý và doanh nghiệp có liên quan.

Nissan, công ty có các nhà máy ở Mississippi và Tennessee, không nêu chi tiết khu vực diễn ra đợt sa thải.  Tháng trước, Ford cũng công bố cắt giảm 4.000 việc làm, chủ yếu tại các nhà máy ở Anh và Đức do trở ngại chưa từng có về thị trường cạnh tranh, quy định và kinh tế. 

BYD, Chery, SAIC và các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc khác bị cấm vào Mỹ theo các quy tắc thương mại. Tuy nhiên, họ lại đang tiến vào những nơi như Úc, Brazil, Chile và Thái Lan, sau đó thu hút người mua từ những công ty như Fiat, General Motors và Toyota. Felipe Munoz, nhà phân tích toàn cầu tại JATO Dynamics, một công ty nghiên cứu, cho biết: “Sự cạnh tranh từ Trung Quốc đang bắt đầu tấn công vùng an toàn của các nhà sản xuất ô tô phương Tây”. 

Sự trỗi dậy của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đặc biệt gây khó khăn cho các nhà sản xuất ô tô Đức. Volkswagen, công ty từng thống trị thị trường tỷ dân, hiện ghi nhận lượng xe giao nhanh giảm 10% trong 9 tháng đầu năm nay so với năm 2023. BMW và Mercedes-Benz cũng báo cáo doanh số bán hàng tại Trung Quốc giảm mạnh.

Các công ty chậm chân làm mới các mẫu xe cũ đang phải trả giá. Đó là trường hợp của Nissan, Stellantis và thậm chí cả Tesla. Số khác đã phải vật lộn chế tạo những chiếc xe điện hấp dẫn và phát triển phần mềm để lôi kéo sức mua. 

Volkswagen là một trong những nhà sản xuất ô tô đầu tiên phát triển xe điện, nhưng các mẫu xe này không làm người mua và giới phê bình hài lòng. Theo Kelley Blue Book, doanh số bán xe thể thao đa dụng ID.4 của công ty tại Mỹ đã giảm hơn một nửa trong quý 3 so với cùng kỳ năm trước. Phần mềm lỗi đã cản trở doanh số bán ID.4 và các mẫu xe điện khác mà Volkswagen bán ở Châu Âu và Châu Á.

“Người Trung Quốc đang giành được thị phần và người Đức đang mất thị phần”, Ferdinand Dudenhöffer, giám đốc Trung tâm nghiên cứu ô tô tại Bochum, Đức, cho biết. “Không chỉ xe điện, mà còn cả phần mềm trong xe nữa”.

Chính sách thay đổi của chính phủ đang làm tăng thêm nỗi đau của các nhà sản xuất ô tô. Doanh số bán xe điện giảm mạnh ở Đức sau khi chính phủ đột ngột xóa bỏ các ưu đãi vì khủng hoảng ngân sách.

Tại Mỹ, Tổng thống đắc cử Donald J. Trump và đảng Cộng hòa tại Quốc hội muốn bãi bỏ các khoản tín dụng thuế thời ông Joe Biden. Sự thay đổi gây nguy hiểm cho hàng trăm tỷ USD mà GM, Hyundai-Kia, Volkswagen và các công ty khác đã đầu tư vào nhà máy.

Erin Keating, nhà phân tích điều hành tại công ty nghiên cứu Cox Automotive, cho biết: “Ngành công nghiệp ô tô đã phải chi rất nhiều tiền cho một thị trường xe điện kém hấp dẫn. Nay, thị trường này có thể sẽ thay đổi trong 6 tháng tới”.

Không dừng lại ở đó, General Motors mới đây tuyên bố ngừng phát triển xe taxi tự lái, chấm dứt một dự án kéo dài nhiều năm vốn ‘vắt kiệt’ hàng tỷ USD. Nhà sản xuất ô tô cho biết sẽ sáp nhập công ty con Cruise, đơn vị đang thực hiện dự án, vào hoạt động chính của mình. Quyết định đặt ra câu hỏi liệu các nhà sản xuất ô tô lâu đời có thể cạnh tranh với Tesla hay Waymo trong thế hệ công nghệ ô tô tiếp theo?

Các nhà sản xuất ô tô đang cố gắng thích nghi. Stellantis nhanh chóng lên kế hoạch cho các mẫu xe mới vào năm 2025, bao gồm một số xe điện, trong đó có Jeep, bán tải Ram và Dodge Charger. Công ty cũng đang nỗ lực hàn gắn mối quan hệ với các đại lý cảm thấy không hài lòng. 

Ông K. Venkatesh Prasad, phó chủ tịch cấp cao phụ trách nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu ô tô Ann Arbor, Mich, cho biết áp lực thị trường sẽ thúc đẩy các nhà sản xuất ô tô hợp tác với nhau nhiều hơn để chia sẻ chi phí phát triển động cơ.

Chẳng hạn tháng trước, Makoto Uchida, giám đốc điều hành Nissan, cho biết công ty sẽ rút ngắn thời gian phát triển một dòng xe mới bằng cách hợp tác chặt chẽ hơn với các đối tác Renault, Mitsubishi và Honda. Volkswagen đang cố gắng giải quyết các vấn đề về phần mềm bằng cách đầu tư vào Rivian, công ty sản xuất xe bán tải điện và thể thao đa dụng tại Illinois.

Các nhà sản xuất ô tô phương Tây cũng đang thực hiện các thỏa thuận với các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc. Volkswagen phát triển các mẫu xe mới với Xpeng để bán tại thị trường Trung Quốc, trong khi Stellantis mua 20% cổ phần của Leapmotor và bắt đầu bán xe điện của công ty Trung Quốc này tại châu Âu.

Ông Dudenhöffer nói: “Nếu bạn không thể đánh bại họ, hãy hợp tác với họ”.

Theo: The NY Times, WSJ 

Xem bản gốc