Một phiên đáo hạn phái sinh bình yên, thậm chí là khá tích cực nếu nhìn từ diễn biến kéo điểm số cuối ngày cũng như độ rộng duy trì khả quan suốt cả ngày. Mặc dù VN-Index có thể chao đảo đôi chút trong phiên, nhưng dòng tiền vẫn lựa chọn đích đến cụ thể. Nhóm cổ phiếu chứng khoán, bất động sản hôm nay nhiều mã vẫn rất khỏe.
Cho đến khoảng 2 phút cuối đợt khớp lệnh liên tục, VN-Index đã bị ép nhẹ xuống dưới tham chiếu mất 0,1 điểm nhưng đóng cửa lại được đẩy lên thành tăng 6,18 điểm (+0,5%). Dĩ nhiên hiệu ứng của phiên đáo hạn phái sinh cũng có thể là nguyên nhân, nhưng độ rộng đã xác nhận diễn biến này mang nhiều nét tích cực.
Ở thời điểm chỉ số đỏ, VN-Index có 163 mã tăng/205 mã giảm. Đóng cửa chỉ số không những tăng mà độ rộng còn tới 222 mã tăng/150 mã giảm. Diễn biến đảo chiều như vậy là khá rộng, phải có lực cầu dàn trải mới có thể làm như vậy. Nếu chỉ đơn thuần là kéo trụ, thị trường sẽ rơi vào trạng thái “xanh vỏ đỏ lòng”.
Nhóm blue-chips VN30 không nhiều mã mạnh hôm nay, nhưng màu xanh đều. VN30-Index đóng cửa tăng 0,43% với 22 mã tăng/3 mã giảm. VCB tăng 1,42% là trụ khỏe nhất khi xuất hiện thông tin hỗ trợ. STB cũng khá, tăng 1%. Nhóm ngân hàng còn thêm LPB, ABB, BVB, , PGB tăng khá hơn, nhưng ảnh hưởng rất hạn chế. Các trụ từ VCB thì không còn mã nào đáng kể.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng gây ấn tượng mạnh ở VND khi giá phục hồi từ đáy 22 tháng. Cổ phiếu này tăng kịch trần với thanh khoản cao nhất 30 phiên, đạt 238,9 tỷ đồng. Những cổ phiếu cùng ngành rất khỏe khác là SSI tăng 1,04% thanh khoản 458 tỷ đồng; HCM tăng 1,25% với 211,5 tỷ; VCI tăng 1,09% với 151,7 tỷ; VIX tăng 1,84% với 139,6 tỷ. Nhóm này có tới 25 cổ phiếu tăng từ 1% trở lên.
Mở rộng ra toàn sàn HoSE, trong 222 cổ phiếu tăng giá, có 68 mã tăng hơn 1%, tập trung 31% tổng giá trị khớp lệnh sàn. Đây là diễn biến rất tích cực vì nhóm tăng mạnh nhất chiếm ưu thế thanh khoản rõ nhất.
Hôm nay là phiên đáo hạn phái sinh nên rủi ro biến động thất thường là có. Tuy nhiên ngay cả khi VN-Index hay VN30-Index đỏ, rất nhiều cổ phiếu vẫn giao dịch bình thường, thậm chí là khỏe. Đây là kết quả của dòng tiền chọn lọc tìm kiếm cơ hội cụ thể, bất chấp VN-Index thay đổi như thế nào. Khi có dòng tiền tốt vào thì những rung lắc ngắn hạn vẫn không thể gây ảnh hưởng lâu dài.
Nhà đầu tư nước ngoài ghi nhận mức bán ròng rất lớn với hơn 3.099 tỷ đồng trên sàn HoSE, chỉ đứng sau phiên ngày 29/10/2024 với 5.104 tỷ đồng. Điểm may mắn là đại đa số quy mô bán này thực hiện qua thỏa thuận nên không ảnh hưởng nhiều đến giá cổ phiếu trên sàn. VIC là ví dụ, bị bán ròng hơn 2040 tỷ đồng trong khi tổng khớp chỉ 80,5 tỷ đồng. Cung cầu khớp lệnh mới là yếu tố ảnh hưởng đến giá, VIC đóng cửa vẫn tăng 0,5% so với tham chiếu. FPT cũng vậy, bị bán ròng 187,2 tỷ, giá vẫn tăng 0,69%. STB tương tự, dù bị rút đi -126,8 tỷ đồng ròng thì giá vẫn tăng 1%. SSI, CTG, HPG, HDB, VCB, DGC… giá vẫn khá ổn dù bị bán ròng.
VN-Index có được 6,18 điểm trong ngày hôm nay là phiên tăng thứ 2 liên tiếp. Suốt từ đỉnh đầu năm 2025 thì đây là hai phiên tăng liền kề đầu tiên. Mặc dù chỉ số tăng nhẹ nhưng không ít cổ phiếu đang tăng mạnh, có dòng tiền tích cực. Đây mới là yếu tố hấp dẫn trong ngắn hạn, cho thấy sự đồng thuận đầu cơ ở nhiều cổ phiếu.