Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Khối ngoại xả ròng tiếp 630 tỷ, VN-Index lùi sát đáy 1240 điểm

Vneconomy 1 Tuần trước

Thị trường xuất hiện “phiên bản ngược” của ngày hôm qua khi không có nhịp hồi nào diễn ra chiều nay. Từ đỉnh cao nhất buổi sáng, VN-Index lao dốc liên tục và chốt sát ngưỡng thấp nhất phiên. Chốt mức 1244,82 điểm, chỉ số này một lần nữa xuống sát đáy tháng 9/2024.

Nguyên nhân chính khiến thị trường không thể phục hồi là sự trì trệ của dòng tiền mua. Chiều hôm qua nhà đầu tư hào hứng hơn nhiều, hôm nay là một sự buông xuôi. Rổ VN30 chìm trong sắc đỏ, chỉ còn sót lại 5 mã xanh, nhưng toàn bộ nhóm vốn hóa lớn nhất đều giảm.

Một chút may mắn là nhóm 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất giảm chưa nhiều. CTG mất 1,29%, FPT giảm 1,08% là đáng kể nhất. Nếu các trụ này cũng rơi sâu, khả năng VN-Index chạm hẳn vùng 1240 điểm là rất cao.

Nhóm blue-chips vẫn đang thể hiện rủi ro khá lớn đối với chỉ số đại diện thị trường. VN30-Index đóng cửa giảm 0,65% tiếp tục là chỉ số yếu nhất sàn HoSE. Nhóm xanh ở rổ này hôm nay không có mã nào đáng kể về vốn hóa, SAB mạnh nhất khi tăng 2,35% nhưng cũng chỉ đem về 0,4 điểm vì vốn hóa cổ phiếu này chỉ còn khá nhỏ, đứng thứ 20 trong VN-Index. HDB, VIB, BCM, PLX đều có tác động rất ít vì cả vốn hóa nhỏ lẫn biên độ tăng nhẹ.

Dòng tiền vào VN30 sụt giảm mạnh 47% so với phiên hôm qua, chỉ đạt 5.895 tỷ đồng.         Các mã ngân hàng trong rổ này cũng giảm 50% thanh khoản và chiếm khoảng 67% mức giảm của thanh khoản VN30. Như vậy cũng không thể “đổ lỗi” toàn bộ cho các cổ phiếu ngân hàng, chẳng hạn HPG cũng chỉ giao dịch bằng khoảng 60% hôm qua.

Tổng giá trị khớp lệnh HoSE và HNX cả ngày chỉ đạt 13.268 tỷ đồng, giảm 28,4% so với phiên trước. Đây là ngưỡng thanh khoản thấp tương đương các phiên đầu tuần trước. VN-Index đóng cửa hôm nay còn 1244,82 điểm, gần sát đáy tháng 9/2024. Trong khi đó VN30-Index vẫn còn cao hơn khoảng 1,61% nữa mới về tương đương đáy tháng 9.

Sắc đỏ đã loang rộng trong phiên chiều và rất ít cổ phiếu đi ngược dòng đủ mạnh mẽ. Sắc đỏ đã loang rộng trong phiên chiều và rất ít cổ phiếu đi ngược dòng đủ mạnh mẽ.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng hôm nay không còn là sức ép chính nữa. CTG là mã kém nhất, giảm 1,29% và cũng là blue-chips ngân hàng duy nhất mất hơn 1%. VCB, BID, TCB, VPB là các mã lớn khác cùng ngành cũng đỏ, nhưng mức giảm khá nhẹ. Nhìn tổng thể nhóm ngân hàng phiên này đã phân hóa khi chỉ còn 13/27 mã giảm giá.

Ngược lại, các blue-chips khác có tín hiệu bị bán khá mạnh và yếu đi rõ rệt. MWG đột ngột lao dốc 3,49% và là phiên giảm mạnh thứ hai liên tiếp khi hôm qua vừa mất 3,08%. Cổ phiếu này đã xuống đáy thấp nhất 3 tháng. MWG không phải là mã vốn hóa lớn của VN-Index nhưng biên độ giảm mạnh cũng khiến chỉ số này mất gần 0,8 điểm. GVR giảm 1,5%, MSN giảm 1,36%, BVH giảm 1,2%, FPT giảm 1,08% là những cổ phiếu khác giảm đáng chú ý.

Khối ngoại bán ra khá mạnh với các blue-chips, trong tổng giá trị bán ròng hơn 608 tỷ đồng cả sàn HoSE, rổ VN30 bị bán ròng 412 tỷ đồng. TCB bị xả tới 103,2 tỷ đồng ròng, MSN -62,9 tỷ, VHM -62,8 tỷ, FPT -46,2 tỷ, BID -36,8 tỷ, VNM -32,6 tỷ, VIC -32,6 tỷ, VPB -30 tỷ, MWG -28,3 tỷ… Tổng hợp cả sàn HNX và UpCOM, khối ngoại bán ròng tiếp 630 tỷ đồng sau phiên đầu tuần bán ròng 951 tỷ đồng chỉ riêng cổ phiếu sàn HoSE.

Độ rộng VN-Index cuối ngày ghi nhận 120 mã tăng/236 mã giảm, tệ hơn nhiều so với phiên sáng (140 mã tăng/178 mã giảm). Quan trọng hơn là mặt bằng giá cổ phiếu thấp đi nhiều, với 84 mã giảm quá 1% (phiên sáng là 59 mã). Không chỉ các cổ phiếu blue-chips, nhiều mã khác cũng xuất hiện áp lực bán mạnh đẩy thanh khoản lên cao và giá giảm nhiều như PVD, GEX, SZC, HDG, HVN, CSV, NKG… Rổ Midcap ghi nhận giảm 0,16%, Smallcap giảm 0,5%.

Khả năng chống đỡ hôm nay chỉ tập trung vào các cổ phiếu cá biệt hơn là nhóm ngành hay vốn hóa. Dĩ nhiên các mã vốn hóa nhỏ và thanh khoản thấp có được lợi thế tự nhiên. Trong 120 mã xanh, vẫn có 50 mã tăng hơn 1%, thậm chí HAG, VTP còn kịch trần với thanh khoản hàng trăm tỷ đồng. DBC, CTR, CMG, BAF, CTD là những cổ phiếu đi ngược dòng ấn tượng nhờ dòng tiền mua mạnh mẽ. Tổng thanh khoản của 50 mã mạnh nhất này chiếm 13,5% giao dịch sàn HoSE.

Nhìn từ góc độ chỉ số, phiên giảm hôm nay chưa dẫn đến sự “đổ vỡ” nào. VN-Index vẫn chưa thủng đáy tháng 9 cũng như đáy thấp nhất tuần trước. VN30-Index mức thấp nhất vẫn nhỉnh hơn phiên hôm qua một chút. Dù vậy dòng tiền thể hiện quan điểm rất rõ ràng là không đua giá cao, nên rủi ro thủng đáy của chỉ số vẫn không hề nhỏ.

Xem bản gốc