Tại hội nghị "Tổng kết công tác năm 2024 và kế hoạch công tác năm 2025" của Tổng cục quản lý thị trường ngày 17/12, ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, cho biết năm 2024, tình hình vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động thương mại có diễn biến phức tạp hơn và tính chất, mức độ vi phạm nghiêm trọng hơn.
Các đối tượng vi phạm không chỉ làm thương mại mà còn tham gia đầy đủ vào chu trình khép kín, từ sản xuất đến phân phối, đưa hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ lưu thông trên thị trường.
Các đối tượng vi phạm bị kiểm tra, xử lý không chỉ là các đối tượng hoạt động nhỏ lẻ, mang tính thời vụ như trước, mà có xu hướng gia tăng vi phạm tại các doanh nghiệp, hộ kinh doanh có đăng ký đầy đủ tư cách pháp nhân, có giấy phép kinh doanh.
CẢ NƯỚC KIỂM TRA 68.280 VỤ VIỆC
Theo số liệu báo cáo của Tổng cục quản lý thị trường, năm 2024, lực lượng quản lý thị trường đã thanh tra, kiểm tra 68.280 vụ (giảm 5% so với cùng kỳ năm 2023); phát hiện, xử lý 47.135 vụ vi phạm (giảm 10% so với cùng kỳ năm 2023); chuyển cơ quan điều tra 178 vụ có dấu hiệu tội phạm (tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023).
Thu nộp ngân sách nhà nước trên 541 tỷ đồng (tăng 8% so với cùng kỳ năm 2023). Trị giá hàng hóa vi phạm 425 tỷ đồng (tăng 23% so với năm 2023), trong đó, trị giá hàng hóa tịch thu 220 tỷ đồng; trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy 205 tỷ đồng...
Một trong những điểm nhấn trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường trong năm 2024 của lực lượng đó là kiểm tra trên môi trường thương mại điện tử.
Toàn lực lượng đã phát hiện, xử lý 3.124 vụ vi phạm (tăng 266% so với năm 2023), chuyển cơ quan điều tra 4 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 48 tỷ đồng (tăng 220% so với năm 2023); trị giá hàng hóa vi phạm trên 34 tỷ đồng (tăng 440% so với năm 2023).
Các đơn vị kiểm tra, xử lý vi phạm trong thương mại điện tử có hiệu quả cao là: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Lạng Sơn, Quảng Bình, Gia Lai, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Bình Dương, Đồng Nai, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang.
Bên cạnh thương mại điện tử, lực lượng cũng đã tập trung kiểm tra trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Trong năm, toàn lực lượng đã phát hiện, xử lý 9.074 vụ việc vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính trên 57,9 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tịch thu trên 62 tỷ đồng.
Liên quan đến mặt hàng vàng, toàn lực lượng đã phát hiện, xử lý 953 vụ, chuyển cơ quan điều tra 01 vụ (Thanh Hóa); xử phạt vi phạm hành chính 23,3 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm 29 tỷ đồng.
Về các hành vi buôn lậu thuốc lá điếu, thuốc lá thế hệ mới, lực lượng đã phát hiện, xử lý 970 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 3,6 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm 6,2 tỷ đồng.
Liên quan đến mặt hàng xăng dầu, lực lượng đã phát hiện, xử lý 406 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính trên 12 tỷ đồng, thu giữ 2.470 lít dầu các loại trị giá 52 triệu đồng.
CẦN XỬ LÝ THẬT NGHIÊM CÁC SAI PHẠM
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương thẳng thắn cho rằng hoạt động quản lý thị trường vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém.
Công tác quản lý thị trường, đấu tranh phòng chống các vi phạm, gian lận thương mại nhất là trong thương mại điện tử vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra. Tình trạng hàng giả, hàng lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn bày bán công khai ở nhiều nơi, thủ đoạn vi phạm ngày càng tinh vi, có hệ thống.
Các vi phạm về hàng hóa trong thương mại điện tử có xu hướng gia tăng. Số vụ phát hiện và xử lý tuy có tăng so với năm trước nhưng so với thực tế vi phạm còn rất nhỏ, chưa phản ánh đúng thực tế tình trạng vi phạm đang diễn ra trên thị trường.
Cùng với đó, công tác kiểm tra, kiểm soát địa bàn của các tổ, đội, cơ sở chưa thực sự sâu sát, mới chỉ tập trung chủ yếu vào những hành vi vi phạm đơn giản (như ở khâu giấy phép kinh doanh và niêm yết giá); áp dụng chế tài xử phạt không đủ sức răn đe.
Công tác quản lý, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức công vụ cho cán bộ công chức ở nhiều đơn vị chưa tốt. Còn tình trạng công chức vi phạm quy định của ngành, thậm chí vi phạm quy định pháp luật vẫn tiếp tục xảy ra. Tình trạng nhũng nhiễu, thậm chí có dấu hiệu bảo kê, của một số cán bộ trong lực lượng khi thi hành công vụ.
Năm 2025, tình hình kinh tế - xã hội được dự báo tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức. Nền kinh tế mở cùng với tốc độ gia tăng cao của thương mại điện tử sẽ ngày càng đặt ra nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp hơn cho công tác quản lý thị trường.
Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm kịp thời phát hiện và xử lý thật nghiêm các sai phạm, nhất là những sai phạm có tính phổ biến trong sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Chú trọng kiểm tra, xử lý các sai phạm trong các ngành hàng thiết yếu như: xăng dầu, phân bón; các loại thực phẩm, đồ uống, thuốc lá (nhất là thuốc lá thế hệ mới); thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm, hàng thời trang, hàng điện tử...
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu cần tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2024 dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 nhằm bảo đảm ổn định thị trường, phục vụ tốt nhu cầu nhân dân vui Xuân đón Tết.
Đặc biệt trong bối cảnh mới, cả nước đang tích cực và khẩn trương thực hiện Nghị quyết 18, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh lại tinh thần, không có khoảng trống, không bị đứt đoạn trong công tác triển khai, thực thi nhiệm vụ kiểm tra, giám sát thị trường của lực lượng quản lý thị trường.
Đồng thời, tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn với các lực lượng trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong thương mại điện tử, đặc biệt thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề Thương mại điện tử và các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương trong lĩnh vực thương mại điện tử.