Chiều 24/7/2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia, chủ trì Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025. Phiên họp được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 3.321 xã, phường, đặc khu trên cả nước.
Cùng tham gia chủ trì tại điểm cầu Văn phòng Chính phủ có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà - Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo; Đại tướng Phan Văn Giang - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia.
HỢP NHẤT 3 BAN CHỈ ĐẠO THÀNH MỘT BAN CHỈ ĐẠO
Tại phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đã công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức lại từ 3 Ban Chỉ đạo, gồm: Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia; Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia.
Phát biểu khai mạc, thay mặt Tổng Bí thư Tô Lâm, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và với tình cảm cá nhân, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến thân nhân, gia đình người bị nạn do thiên tai, đặc biệt là thân nhân, gia đình các nạn nhân thiệt mạng, mất tích trong vụ chìm tàu Vịnh Xanh 58 (Hạ Long, Quảng Ninh) và trong cơn bão số 3 những ngày qua.
Thủ tướng cũng chia sẻ nỗi đau, sự mất mát, thiệt hại to lớn về tài sản đối với nhân dân các xã miền núi tại tỉnh Nghệ An đang hứng chịu bởi đợt lũ lớn do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão.

Thủ tướng cho biết sáng 24/7, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang đã chỉ đạo dùng máy bay trực thăng tiếp tế lương thực, thực phẩm và những đồ dùng thiết yếu cho nhân dân vùng bị chia cắt tại Nghệ An. Trước đó, Thủ tướng đã cử các Phó Thủ tướng Chính phủ có mặt tại các vùng xung yếu, làm việc, kiểm tra tình hình, trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó.
Thủ tướng nhắc nhở tuyệt đối không chủ quan, lơ là trước tình hình thiên tai, đặc biệt không thể nói "địa bàn bị chia cắt nên lãnh đạo không lên được". "Đang chia cắt mới cần lãnh đạo, cần lực lượng chủ công bằng mọi cách để nắm tình hình, bằng mọi cách để tiếp cận địa bàn bị chia cắt, bằng mọi cách để tiếp tế lương thực, thực phẩm, nước uống cho người dân", Thủ tướng nhấn mạnh.
Cho biết theo quy định, phòng thủ dân sự bao gồm: Các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh… Thủ tướng nêu rõ, Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo để bàn về một trong những nội dung rất quan trọng của Ban Chỉ đạo là chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống thiên tai.
Theo Thủ tướng, tác động của biến đổi khí hậu khiến thời tiết, thiên tai diễn biến ngày càng bất thường, cực đoan, khó đoán định hơn. Năm 2024, bão Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 70 năm qua; và tháng 6 vừa qua, khu vực Trung Bộ xảy ra mưa lớn, ngập lụt giữa mùa khô; ngay đêm 22/7/2025, lũ thượng nguồn sông Cả về hồ thủy điện Bản Vẽ tương ứng với tần suất rất nhiều năm xuất hiện 1 lần; vụ lật tàu du lịch tại Hạ Long, Quảng Ninh chiều 19/7 vừa qua khi dông lốc xảy ra đột ngột kèm theo mưa đá, gió xoáy mạnh.
Đối với cơn bão số 3 (Wipha) vừa qua, các cấp, các ngành, các địa phương đã rất chủ động triển khai công tác phòng, chống thiên tai, dự báo, cảnh báo, tuyên truyền để người dân chủ động phòng, ngừa, ứng phó với bão, giảm thiểu thiệt hại, nhưng ảnh hưởng trước bão và hoàn lưu sau bão vẫn gây ra những thiệt hại lớn.
CHỦ ĐỘNG TỪ DỰ BÁO ĐẾN ỨNG PHÓ
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cho biết từ đầu năm 2025 đến nay, thiên tai nghiêm trọng xảy ra trên cả nước đã làm 114 người chết, mất tích; thiệt hại về kinh tế ước tính trên 553 tỷ đồng. Trong đó có 2 đợt mưa lớn, sạt lở đất, lũ quét, lũ, ngập lụt nghiêm trọng (từ ngày 17-19/5 và từ ngày 20-22/6) tại một số tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ như Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Đáng chú ý, trận dông lốc xảy ra vào ngày 19/7 (trước thời điểm bão số 3 đổ vào đất liền) tại Quảng Ninh, đã làm 39 người chết, mất tích. Hoàn lưu bão số 3 cũng đã gây ra mưa lũ lớn tại tỉnh Nghệ An, khiến nhiều ngôi nhà, công trình, nhiều trường học, trạm y tế ở một số xã miền núi, biên giới của tỉnh này bị hư hỏng, chìm trong biển nước…
Trước đó, thiên tai xảy ra trong năm 2024 cũng đã làm 519 người chết, mất tích. Con số này được Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhận định là gấp hơn 3 lần so với năm 2023 và 2,5 lần trung bình 10 năm từ 2014-2023. Thiệt hại về kinh tế trong năm 2025 ước tính khoảng 91.622 tỷ đồng (gấp hơn 9,8 lần so với năm 2023 và 4,3 lần trung bình 10 năm từ 2014-2023).
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, những năm qua, công tác phòng, chống thiên tai của nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, trước tình hình thiên tai ngày càng cực đoan, bất thường, nhiều tồn tại kéo dài vẫn chưa được khắc phục triệt để, đồng thời phát sinh các vấn đề mới cần sớm được xử lý.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng thiệt hại do thiên tai gây ra vẫn rất lớn, đặc biệt về người và kinh tế. Một trong những nguyên nhân là do chưa thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo, khuyến cáo từ cơ quan chức năng, điển hình là các trường hợp ở lại trên tàu thuyền khi có bão hoặc di chuyển qua vùng ngập sâu, nước chảy xiết dù đã có biển cảnh báo.
Bên cạnh đó, phương tiện ứng phó, cứu hộ cứu nạn còn thiếu và yếu, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa khi xảy ra bão lũ, sạt lở. Cơ sở hạ tầng như điện, viễn thông, giao thông và nhà ở vẫn có sức chống chịu thấp trước thiên tai mạnh như bão số 3 Yagi vừa qua – vốn vượt mức thiết kế của các tuyến đê biển.
"Nhiều địa phương chưa cập nhật kịp thời kế hoạch phòng chống thiên tai, còn mang tính hình thức, thiếu sát thực tế. Dự báo, cảnh báo thiên tai, nhất là các hiện tượng cục bộ như lũ quét, sạt lở đất, mưa lớn, dông lốc vẫn là thách thức lớn. Hiện cả nước vẫn chưa có bản đồ phân vùng chi tiết nguy cơ sạt lở, lũ quét ở cấp thôn, bản, gây khó khăn cho công tác di dời, chỉ đạo ứng phó tại chỗ".
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Trước thực trạng này, trong nửa cuối năm 2025, công tác phòng chống thiên tai sẽ được tổ chức lại một cách toàn diện. Trước hết là kiện toàn bộ máy, hoàn thiện quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia và các cấp; đảm bảo hoạt động thống nhất, kế thừa, không gián đoạn, đặc biệt ở cấp xã – nơi trực tiếp ứng phó với thiên tai.
Về phòng ngừa, các chiến lược và đề án quốc gia như Chiến lược phòng chống thiên tai, Đề án chống sạt lở, lũ quét ở miền núi phía Bắc và miền Trung, Đề án hạn mặn và ngập úng vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp tục được triển khai.
Về công tác dự báo, cảnh báo, sẽ tập trung đầu tư nâng cao năng lực dự báo sớm, chính xác, đặc biệt cho các thiên tai bất thường. Bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai chi tiết đến cấp thôn, bản sẽ được hoàn thiện trong thời gian tới. Bên cạnh đó, việc đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị cho các lực lượng ứng phó tại chỗ sẽ được ưu tiên. Công tác tập huấn, diễn tập được tổ chức đa dạng, sát với thực tế tại từng địa phương. Đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã sẽ được trang bị thêm công cụ, phương tiện phù hợp.
Xác định khoa học công nghệ là đòn bẩy then chốt trong phòng chống thiên tai, Việt Nam sẽ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ viễn thám, UAV, dữ liệu lớn để nâng cao năng lực dự báo và theo dõi thiên tai.