Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Kiến trúc chuyển đổi số: Cần hình thành nền tảng thông tin “Đúng - Đủ - Sống - Sạch”

Vneconomy 3 Giờ trước
 Cần hình thành nền tảng thông tin “Đúng - Đủ - Sống - Sạch” - Ảnh 1
 Cần hình thành nền tảng thông tin “Đúng - Đủ - Sống - Sạch” - Ảnh 2

Thưa ông, Chuyển đổi số được coi là “Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”, trong bài viết mới đây của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. Là người có nhiều kinh nghiệm cũng như đảm nhận vị trí Giám đốc Dự án thương mại số, Cơ quan phát triển quốc tế của Hoa Kỳ (USAID), ông đánh giá như thế nào công cuộc chuyển đổi số, trong đó có kinh tế số - được xem là một trong những trụ cột phát triển kinh tế của Việt Nam trong những năm tới đây?

Đầu tiên cần phải hiểu rõ chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi phương thức giao tiếp của một nền kinh tế từ phương thức giao tiếp truyền thống sang phương thức giao tiếp dựa trên nền tảng thông tin số. Chuyển đổi số cũng là quá trình chuyển đổi từ một nền kinh tế truyền thống để hình thành nên một nền kinh tế số, hay nền kinh tế thông tin số.

Một ví dụ điển hình và dễ hiểu của quá trình chuyển đổi là từ dịch vụ xe ôm truyền thống sang dịch vụ xe Grab. Việc hình thành khái niệm “Nền kinh tế số” phần nào sẽ làm rõ được quá trình chuyển đổi số cho một nền kinh tế.

Tiếp đến là nền kinh tế số, là một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số, nền tảng thông tin, thông qua Internet. Vì là một nền kinh tế nên về phương diện triết học, nền kinh tế số cũng được cấu trúc từ ba thành phần chính là: cơ sở hạ tầng số; kiến trúc thượng tầng số; hoạt động của nền kinh tế số.

Nền kinh tế số không chỉ phản ánh hiện thực của nền kinh tế thực, mà còn là công cụ để thực hiện quá trình điều hành, vận hành nền kinh tế thực một cách nhanh nhất, chính xác và hợp lý nhất. Nó thúc đẩy tốc độ chuyển đổi vốn sang lợi nhuận – chu kỳ xoay vòng của đồng tiền gấp hàng trăm lần so với phương thức giao tiếp của một nền kinh tế truyền thống; đồng thời, nâng cao hiệu quả kinh tế và mang lại dịch vụ tốt nhất cho mọi đối tượng trong một nền kinh tế.

 Cần hình thành nền tảng thông tin “Đúng - Đủ - Sống - Sạch” - Ảnh 3

Ông có thể phân tích cụ thể và chi tiết hơn về cấu thành của nền kinh tế số từ ba thành phần chính là: hạ tầng của nền kinh tế số; kiến trúc thượng tầng của một nền kinh tế số; hoạt động của nền kinh tế số, mà ông đề cập ở trên?

Thứ nhất, hạ tầng số của nền kinh tế số là tập hợp tất cả các phương tiện, nền tảng để nền kinh tế số hoạt động trên đó. Hạ tầng của nền kinh tế số có thể liệt kê là: Internet; các nền tảng, mạng hay phần mềm kết nối và chia sẻ dữ liệu; dữ liệu; hệ thống các thiết bị máy móc, phần cứng và mềm lưu trữ, các nền tảng xử lý, phân tích dữ liệu, và dự báo… Hạ tầng số là tổ hợp tất cả các “nguyên liệu” đề hình thành nên nền tảng thông tin cho một nền kinh tế.

Thứ hai, kiến trúc thượng tầng của nền kinh tế số bao gồm: phương pháp luận, định hướng chiến lược phát triển, điều hành nền kinh tế dựa trên những thông tin có được từ quá trình phân tích, dự báo từ dữ liệu số và quá trình điều hành đó cũng được thực hiện thông qua hạ tầng số; hệ thống pháp lý cho sự vận hành nền kinh tế số; khối kiến thức về sự hiểu biết đến sự vận hành của nền kinh tế số, từ đó đưa ra các giải pháp quản lý kinh tế số, các chiến lược phát triển giá trị mục tiêu của những nhà quản lý cũng như những người tham gia vào nền kinh tế số.

Thứ ba, hoạt động của nền kinh tế số là quá trình tổng thể của sự vận hành, hoạt động sản xuất, phân phối, thương mại và tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ dựa trên nền tảng thông tin số được hình thành trên hạ tầng số. Quá trình vận hành tổng thể này chứa đựng đầy đủ sự vận hành và hoạt động các yếu tố chính trị, xã hội và tất cả các thành phần của nền kinh tế trên hạ tầng số.

 Cần hình thành nền tảng thông tin “Đúng - Đủ - Sống - Sạch” - Ảnh 4

Hiện nay, các tỉnh, thành phố đang đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh số, tuy nhiên có thực tế là hệ thống dữ liệu (vốn được xem là xương sống của nền kinh tế số) tại nhiều địa phương chưa được đồng bộ hóa, còn rời rạc, phân mảnh. Vậy theo ông, cần có mô hình hay quy trình chuẩn hóa, hợp nhất dữ liệu như thế nào để “dữ liệu - hệ thống lõi” thực sự phát huy hiệu quả cho công cuộc chuyển đổi số và phát triển kinh tế số?

Theo tôi có bốn bước triển khai.

Bước một: hình thành kho dữ liệu ngành – nền tảng thông tin ngành.

Hiện nay dữ liệu ngành của các ngành (sở, ban, ngành) đã cơ bản có sẵn trong các nền tảng thông tin – cơ sở dữ liệu. Tuy nhiên, dữ liệu đang được nằm rải rác trong các database rời rạc và thậm chí đang nằm trong các file dữ liệu rời rạc trong các thư mục máy tính cá nhân, chẳng hạn như file excel.

Theo đó, nguyên tắc hình thành nền tảng thông tin ngành là: Đúng – Đủ - Sống – Sạch. Để thực hiện nguyên tắc này, cần:

(1), Không được xóa bỏ các nền tảng phần mềm cũ để hình thành một cái mới. Vì nếu làm điều này thì sẽ không thừa kế, kết nối thông suốt lịch sử của quá trình phát triển cũng như vận hành và làm cho mọi việc thêm rối lên.

(2), Không được xây dựng một mô hình dùng chung cho tất cả các nền tảng phần mềm. Bản thân mỗi phần mềm nghiệp vụ có những tính năng chuyên biệt và chuyên nghiệp của nó. Không thể có một phần mềm dành cho tất cả các hoạt động của một đơn vị.

(3), Không được phép coppy tất cả dữ liệu về một nơi. Việc coppy tất cả dữ liệu về một nơi sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy mất kiểm soát và thông tin không còn chính xác. Lý do thứ nhất là tính bảo mật của dữ liệu. Lý do thứ hai là dữ liệu luôn biến động và cần xác định rõ cái gốc của dữ liệu. Nếu coppy về thì dữ liệu sẽ hình thành hai bản, bản chính và bản coppy, câu chuyện đặt ra là đâu là bản đúng. Dữ liệu coppy sẽ có độ trễ về thời gian, yếu tố thời gian thực không đảm bảo đồng nghĩa với việc dữ liệu không còn có giá trị. Thêm nữa, việc phân quyền pháp lý bảo quản dữ liệu và cung cấp thông tin phải là nơi giữ bản gốc của dữ liệu.

(4), Thông tin chia sẻ phải thời gian thực và đơn vị chia sẻ thông tin chính là đơn vị chịu trách nhiệm pháp lý về thông tin được chia sẻ.

(5), Dữ liệu ngành phải được hợp nhất, chuẩn hóa, từ đó cung cấp những thông tin hữu ích thời gian thực và có ý nghĩa trong quản trị, điều hành của ngành nói riêng và của địa phương hay ngành dọc nói chung. Quá trình hợp nhất dữ liệu, chuẩn hóa phải linh hoạt, tức có thể thay đổi một cách linh hoạt khi thay đổi mục tiêu chiến lược của thông tin chia sẻ hay báo cáo.

 Cần hình thành nền tảng thông tin “Đúng - Đủ - Sống - Sạch” - Ảnh 5

Ngoài ra, việc hình thành nền tảng thông tin ngành cần phải đảm bảo bốn yếu tố:

Một là, kho dữ liệu dùng chung - chỉ chứa những dữ liệu được phép công bố, không có tính bảo mật và ít hoặc thậm chí không thay đổi theo thời gian. Theo tính toán của các nhà dữ liệu thì nó chỉ chứa dưới 30% dữ liệu của một đơn vị hay một ngành.

Hai là, dữ liệu ngành dọc - là những dữ liệu, báo cáo số được yêu cầu từ ngành dọc để tích hợp vào kho dữ liệu ngành. Các dữ liệu này phải đáp ứng được yêu cầu Đúng – Đủ - Sống – Sạch.

Ba là, quản trị thông tin ngành - là hệ thống dashboard, báo cáo số được hình thành từ việc hợp nhất các cơ sở dữ liệu và qua quá trình phân tích, dự báo. Thông tin ngành phản ánh đúng thực trạng của ngành, hoạt động của ngành theo thời gian thực để phục vụ cho quá trình quản lý và điều hành của lãnh đạo ngành.

Bốn là, hợp nhất thông tin địa phương - là dữ liệu dưới dạng thông tin báo cáo số, dữ liệu này sẽ hợp nhất với dữ liệu các ngành khác, tiếp tục quá trình tổng hợp, phân tích dữ liệu chéo để hình thành dashboard tổng hợp của các ngành, nó phản ánh thực trạng nền kinh tế của địa phương theo thời gian thực phục vụ cho quá trình quản lý, điều hành tổng thể của lãnh đạo cấp tỉnh, đồng thời chia sẻ một số thông tin (được phép chia sẻ) cho người dân.

Theo tôi, nền tảng thông tin chỉ chia sẻ dữ liệu được phép chia sẻ và chia sẻ thông tin phải đảm bảo yếu tố bảo mật tuyệt đối cho dữ liệu ngành.

 Cần hình thành nền tảng thông tin “Đúng - Đủ - Sống - Sạch” - Ảnh 6

Bước hai: hình thành kho dữ liệu cấp địa phương - nền tảng thông tin cấp địa phương. Bước này triển khai tương tự nền tảng thông tin ngành.

Bước ba: hợp nhất các nền tảng thông tin ngành, thông tin doanh nghiệp để hình thành nền tảng thông tin địa phương – tổng thể. Quá trình hợp nhất dữ liệu, chia sẻ dữ liệu và chia sẻ thông tin của nền tảng thông tin cấp tỉnh cũng phải đảm bảo các nguyên tắc như nền tảng thông tin ngành.

Bước bốn: tích hợp các hoạt động cá nhân và doanh nghiệp vào các nền tảng cơ sở dữ liệu ngành, cơ sở dữ liệu các cấp địa phương để hoàn tất kết nối dữ liệu chia sẻ, giao dịch trên nền tảng tổng thể.

 Cần hình thành nền tảng thông tin “Đúng - Đủ - Sống - Sạch” - Ảnh 7

VnEconomy 23/10/2024 09:00

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 43-2024 phát hành ngày 21/10/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

 Cần hình thành nền tảng thông tin “Đúng - Đủ - Sống - Sạch” - Ảnh 8
Xem bản gốc