Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Kỳ tích phục hồi sản xuất nông nghiệp sau thiên tai

Vneconomy 1 Tuần trước

Ngày 23/12/2024 tại TP. Yên Bái, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái, cùng các đơn vị liên quan và Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Diễn đàn Thiên tai năm 2024 và Kinh nghiệm phục hồi sau thiên tai.

THIÊN TAI LÀ "PHÉP THỬ" CHO NĂNG LỰC ỨNG PHÓ

Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai cho biết năm 2024, thiên tai tại Việt Nam đã làm 514 người chết, mất tích cao gấp 3,04 lần so với năm 2023 và gấp 2,44 lần trung bình 10 năm từ 2014-2023. Thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra năm 2024 ước tính khoảng 88.748 tỷ đồng, cao gấp 9,52 lần với năm 2023 và gấp 4,19 lần trung bình 10 năm từ 2014-2023.

 "Thiệt hại về nông nghiệp do bão số 3 gây ra lên đến 38.086 tỷ đồng". Ông Nguyễn Văn Tiến: "Thiệt hại về nông nghiệp do bão số 3 gây ra lên đến 38.086 tỷ đồng".

Đặc biệt bão số 3 và mưa lũ sau bão là đợt thiên tai nghiêm trọng, khốc liệt nhất trong nhiều năm, đã làm 345 người chết, mất tích; 5.647 nhà bị sập đổ, 256.923 nhà bị hư hại, tốc mái; 281.153 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại; 46.614 con gia súc, 4,8 triệu con gia cầm bị chết, cuốn trôi; 805 sự cố đê điều; 2.524 công trình thuỷ lợi bị hư hại, sự cố; 194 tàu, thuyền, 18.220 lồng bè; 82.678 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 548 km đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng. 

"Ước tính tổng thiệt hại về kinh tế của riêng cơn bão số 3 lên tới 83.746 tỷ đồng, trong đó thiệt hại về nông nghiệp ước tính 38.086 tỷ đồng - chiếm 45% tổng thiệt hại về kinh tế".

Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai

Ông Lê Trọng Đảm, Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, cho rằng: Thiên tai là "phép thử" lớn nhất để kiểm chứng năng lực của hệ thống phòng, chống thiên tai. Qua cơn bão Yagi, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã chung sức, đồng lòng để vượt qua những thời khắc khó khăn nhất.

Bà con vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai không bị đói, khát; những người yếu thế, người trong vùng nguy hiểm được hỗ trợ di tản đến nơi an toàn; công tác vận hành các hồ chứa lớn ở thượng nguồn các lưu vực sông đảm bảo an toàn, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến vùng hạ du. Việc kêu gọi nguồn lực trong nước và quốc tế cho công tác ứng phó sự cố thiên tai khẩn cấp cũng được triển khai rộng khắp và nhanh chóng... “Sau hơn 3 tháng kể từ khi cơn bão Yagi đổ bộ vào đất liền, những dấu hiệu hồi sinh đã xuất hiện khắp những thôn làng, vùng đất tang thương”, ông Đảm nhấn mạnh.

 "Dù có sự chuẩn bị từ trước, nhưng khi bão lớn xảy ra, công tác cứu hộ, cứu nạn vẫn phải huy động rất nhiều nguồn lực".  Ông Nguyễn Thế Phước: "Dù có sự chuẩn bị từ trước, nhưng khi bão lớn xảy ra, công tác cứu hộ, cứu nạn vẫn phải huy động rất nhiều nguồn lực". 

Ông Nguyễn Thế Phước, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái, cho biết ảnh hưởng từ bão Yagi khiến Yên Bái hứng chịu mưa lớn, lũ quét, sạt lở, tổng thiệt hại ước tính gần 6.000 tỷ đồng. Chủ động ứng phó với mưa bão, tỉnh Yên Bái đã ban hành Nghị quyết chuyên đề để hỗ trợ thiệt hại cho người dân, mức hỗ trợ cao hơn so với Nghị định 02 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

“Trong các đợt thiên tai, dù có sự chuẩn bị từ trước, nhưng khi bão lớn xảy ra, công tác cứu hộ, cứu nạn vẫn phải huy động rất nhiều nguồn lực. Do đó, việc chuẩn bị sẵn sàng các lực lượng cứu hộ, phương tiện, vật tư và kinh phí sẽ giúp tỉnh nhanh chóng ứng phó và khắc phục hậu quả sau thiên tai”, ông Phước nhấn mạnh.

Quang cảnh Diễn đàn. Quang cảnh Diễn đàn.

Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng Phòng Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai cho biết sau cơn bão số 3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các Bộ ngành trình Thủ tướng Chính phủ Nghị định về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, trong đó tăng mức hỗ trợ từ 1,43-2,83 lần và đơn giản hoá thủ tục hỗ trợ.

Bộ cũng đã ban hành 6 văn bản chỉ đạo khôi phục sản xuất đối với từng lĩnh vực (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, thủy lợi và phòng chống thiên tai); 9 loại tài liệu, tờ gấp hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc, phục hồi cây trồng, vật nuôi sau bão. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huy động hơn 20.000 lượt cán bộ khuyến nông xuống địa bàn, đến từng hộ dân bị ảnh hưởng để trực tiếp hướng dẫn khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất. Cùng với đó, đã kịp thời huy động lực lượng, vật tư, phương tiện xử lý giờ đầu tất cả 805 sự cố trên các tuyến đê.

Thông qua Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các tổ chức, cá nhân đã ủng hộ 2.186 tỷ đồng và đã phân bổ 2.040 tỷ đồng/26 tỉnh, thành phố; Ban Vận động cứu trợ cấp tỉnh, thành phố của 26 địa phương đã tiếp nhận 1.654,3 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Các tổ chức, cá nhân thông qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hỗ trợ và cam kết hỗ trợ khoảng 245,46 tỷ đồng để khôi phục sản xuất nông nghiệp. Các quốc gia, tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ đã hỗ trợ trên 25 triệu USD cho Việt Nam để khắc phục hậu quả thiên tai, trong đó cam kết hỗ trợ kinh phí 16,7 triệu USD thông qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với sự hỗ trợ từ Bộ Ngoại giao.

KINH NGHIỆM PHỤC HỒI SẢN XUẤT SAU BÃO SỐ 3

Theo ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng Phòng Cây lương thực, Cục Trồng trọt, một trong những giải pháp quan trọng đầu tiên để phục hồi sản xuất là điều chỉnh cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thực tế và diễn biến thời tiết, sao cho phù hợp với thời gian còn lại trong năm.

Theo đó, Cục Trồng trọt đã chủ trì, phối hợp với các doanh nghiệp và tổ chức quốc tế để kêu gọi hỗ trợ giống cây trồng, phân bón và các vật tư cần thiết cho các hộ bị thiệt hại, đã có 300,09 tấn giống cây trồng được cấp phát cho các tỉnh kịp thời, hạn chế thiệt hại lâu dài cho ngành nông nghiệp. Đồng thời đã chỉ đạo các địa phương tăng cường áp dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến, như các phương pháp giảm sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, từ đó không chỉ giúp nông dân tiết kiệm chi phí mà còn bảo vệ môi trường.

“Nhờ vào các biện pháp khôi phục kịp thời, hiện nay nhiều địa phương đã cơ bản hoàn thành việc trồng lại cây và các vườn cây đang sinh trưởng tốt. Dự báo trong năm 2025, sản lượng cây ăn quả sẽ tăng từ 15-50% so với năm 2024, một tín hiệu tích cực trong việc khôi phục sản xuất”, ông Vương khẳng định.

Các chủ toạ Diễn đàn. Các chủ toạ Diễn đàn.

Đối với ngành chăn nuôi, ông Trần Trọng Tùng, Phó Trưởng Phòng Khoa học, Công nghệ, Môi trường và Hợp tác Quốc tế thuộc Cục Chăn nuôi, cho biết thiệt hại sơ bộ về chăn nuôi tại 22 địa phương ước tính lên đến hơn 11 nghìn tỷ đồng. Dù sản lượng chăn nuôi có giảm nhẹ trong vòng 1-3 tháng sau bão, nhưng không dẫn đến tình trạng thiếu hụt thực phẩm. Tuy nhiên, việc tái đàn vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn như sửa chữa chuồng trại, khử trùng, thiếu con giống và thức ăn.

Cục Chăn nuôi đã thành lập các đoàn công tác khảo sát thực tế và chỉ đạo khắc phục hậu quả tại các tỉnh như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Nguyên, Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang và Vĩnh Phúc; đồng thời thiết lập nhóm Zalo để cập nhật thông tin từ các Chi cục Chăn nuôi Thú y địa phương trong quá trình ứng phó với bão.

Để nhanh chóng khôi phục ngành chăn nuôi, Chính phủ đã đề xuất các gói hỗ trợ tài chính, bao gồm các khoản vay ưu đãi cho hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng, cung cấp thức ăn, con giống và thiết bị sửa chữa chuồng trại bị hư hỏng. Các chính sách giãn nợ và miễn giảm lãi suất cho các hộ chăn nuôi cũng đã được đề xuất nhằm giúp họ vượt qua khó khăn và sớm phục hồi sản xuất.

Tương tự, ngành nuôi trồng thủy sản cũng chịu thiệt hại nặng nề. Theo ông Lê Quang Hưng, Chuyên viên Phòng Nuôi trồng thủy sản của Cục Thuỷ sản, khoảng 33.527 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do vỡ bờ bao và ngập lụt, trong đó có hơn 9.400 ha nuôi tôm, hơn 16.000 ha nuôi thủy sản nước ngọt, và gần 8.000 ha nuôi nhuyễn thể. Hàng nghìn ô lồng nuôi thủy sản bị thiệt hại, trong đó có nhiều khu vực nuôi cá hồi và cá tầm bị mất trắng do mưa lũ và lũ cuốn trôi.

Cục Thủy sản đã chủ động triển khai các công văn và tổ chức các đoàn công tác tại các tỉnh bị ảnh hưởng. Các hỗ trợ khẩn cấp được huy động để khôi phục sản xuất, bao gồm hỗ trợ giống, thức ăn, và các vật tư cần thiết. Cục cũng đã kết nối với các doanh nghiệp để cung cấp các sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản và hỗ trợ khôi phục cơ sở hạ tầng.

Chính phủ cũng đang triển khai các biện pháp để hỗ trợ khôi phục ngành thủy sản, bao gồm hỗ trợ tài chính và chính sách bảo hiểm nông nghiệp. Đồng thời, các cơ sở nuôi trồng thủy sản sẽ được tái đầu tư hạ tầng, hướng tới phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Xem bản gốc