Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Lãi suất hạ nhưng CPI ‘đứng yên’ và lo ngại dấu hiệu suy giảm nhu cầu tiêu dùng

Doanh nhân trẻ Việt Nam 1 Tháng trước
 TL.

Chỉ số CPI lũy kế tháng của Việt Nam có sự giảm đột ngột từ tháng 7 (4,36%) xuống tháng 8 (3,45%). Ảnh: TL.

Chỉ số CPI lũy kế giảm đột ngột, liệu có tích cực?

Tổng cục Thống kê vừa cho hay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2024 ổn định so với tháng trước và tăng 1,89% so với tháng 12/2023. Bình quân 8 tháng năm 2024, CPI tăng 4,04% so với cùng kỳ năm trước.

Lạm phát cơ bản tháng 8/2024 tăng 0,24% so với tháng trước, tăng 2,53% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 8 tháng năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,71% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức tăng CPI bình quân chung (4,04%), chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế và xăng dầu là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Đáng chú ý, xét về CPI lũy kế tháng của Việt Nam có sự giảm tốc đột ngột từ tháng 7 (4,36%) xuống tháng 8 (3,45%). Đây có thể là tín hiệu tích cực vì lạm phát giảm có thể giảm áp lực lên lãi suất. Ngân hàng Nhà nước có thể cân nhắc nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Song, theo các chuyên gia, trong bối cảnh lãi suất thấp nhưng CPI "đứng yên", cũng cần được theo dõi thêm để đảm bảo rằng, đây không phải là dấu hiệu của suy giảm tiêu dùng hơn là triển vọng tích cực của nền kinh tế. 

"CPI thường tăng khi có sự gia tăng trong nhu cầu tiêu dùng. Nếu lãi suất thấp mà CPI không tăng, cho thấy người tiêu dùng và doanh nghiệp không tự tin vào tương lai kinh tế và không tăng chi tiêu. Điều này có thể dẫn đến giảm phát hoặc đình lạm, cả hai đều có thể phản ánh hoạt động kém hiệu quả trong tăng trưởng kinh tế", chuyên gia phân tích.

Điều này hoàn toàn có cơ sở, khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng ở mức thấp so với trước dịch Covid-19. Đây là chỉ số báo hiệu nền kinh tế vẫn còn rất nhiều khó khăn, bởi sản xuất ra mà không tiêu thụ tốt sẽ ảnh hưởng tới cả chuỗi. Hơn nữa, tiêu dùng nội địa vốn là một trong “3 chân kiềng” động lực tăng trưởng kinh tế.

Theo bà Đinh Thị Thúy Phương, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ (Tổng cục Thống kê), bình quân 5 năm trước dịch, giai đoạn (2015 - 2019), tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,5%/năm. “Mức tăng 8,8% trong quý II là mức tăng trưởng rất thấp so với thời điểm trước dịch. Điều này cho thấy nhu cầu trong nước đang ở mức thấp do nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn thách thức”, bà Phương đánh giá.

Số liệu từ Sở Công Thương TP.HCM mới đây cho thấy, lượng hàng hóa tại hệ thống chợ chiếm 60 - 65% tổng lượng hàng cung ứng và tiêu thụ cho thị trường Thành phố. So với lúc trước dịch, hiện lượng khách đến mua sắm tại chợ truyền thống hầu hết đều giảm, trong đó, giảm mạnh nhất là ngành vải, mất tới 90%; các mặt hàng thực phẩm giảm thấp nhất, từ 10 – 30%...

Thực tế này càng thể hiện rõ rệt khi Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) vừa công bố: Hiện có đến 64% doanh nghiệp tại TP.HCM cho biết gặp khó khăn vì nhu cầu tiêu dùng suy giảm, đặc biệt, chỉ số lao động cho thấy khá nhiều doanh nghiệp đang có kế hoạch giảm lao động với mức 30%...

 TL.

Không duy trì được hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ không thể bảo đảm thu nhập của người dân để thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Ảnh: TL.

Nỗ lực kìm giá tiêu dùng để kích sức mua

Chính phủ đã quyết định tăng mức lương cơ sở thêm 30% cho người lao động, tăng 15% lương cho người nghỉ hưu. Bên cạnh đó, từ ngày 1/7/2024, thuế giá trị gia tăng cũng giảm xuống 8% và kéo dài đến hết năm; các doanh nghiệp cũng được giãn, giảm thuế. Đây được cho là điều kiện để giảm giá thành và cải thiện lương cho người lao động.

Tuy nhiên, theo GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, nếu chỉ kích cầu đầu tư thông qua việc giảm, miễn, gia hạn các loại tiền phí, lệ phí, các loại thuế và tiền thuê đất làm giảm chi phí đầu vào nhưng nếu đầu ra không tiêu được thì không thúc đẩy được sản xuất, kinh doanh "vì hàng hóa, dịch vụ làm ra biết tiêu đi đâu".

Đơn cử, mới đây, Bộ LĐ-TB&XH đã có công văn lấy ý kiến các cơ quan liên quan về việc hoán đổi ngày làm việc dịp nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế Lao động 1/5 để người lao động được nghỉ 5 ngày liên tục. Qua đó, giúp kích cầu du lịch và tiêu dùng xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, "soi chiếu" ở ngành du lịch nội địa, một trong những lo lắng hiện nay là giá vé máy bay cao chót vót, khan hiếm dẫn tới nhiều người dân “quay xe” lựa chọn du lịch quốc tế. Nếu không có giải pháp căn cơ về vấn đề này, việc kích cầu tiêu dùng thông qua cho phép người lao động nghỉ dài ngày sẽ trở nên kém hiệu quả hơn đối với mục tiêu ở trên. 

Giữa bối cảnh sức mua giảm, câu chuyện làm thế nào để thu hút người tiêu dùng là vấn đề đặt ra cho các nhà sản xuất cũng như doanh nghiệp phân phối, bán lẻ. Trong khi đó, nhiều hệ thống siêu thị cũng đang nỗ lực trì hoãn các đợt tăng giá.

Ông Võ Trần Ngọc, Giám đốc kinh doanh Saigon Co.op, cho biết hầu hết nhà cung cấp rau củ quả đã báo tăng giá 10 - 15%. Tuy nhiên, là đơn vị tham gia bình ổn giá, Saigon Co.op chủ động làm việc với nhà cung cấp và dự trữ lượng hàng, ký thỏa thuận bao tiêu một số sản phẩm, cố kìm giá hàng hóa hoặc chỉ tăng nhẹ do sức mua vẫn rất yếu.

Riêng với chương trình bình ổn giá, hiện đã có 69 doanh nghiệp đầu mối tham gia bình ổn thị trường. Ngoài nhóm hàng lương thực, thực phẩm, còn mở rộng thêm nhóm ngành hàng tiêu dùng thiết yếu, nhóm thiết bị học tập là sản phẩm thiết bị điện tử.

Để tăng sức mua, giải pháp quan trọng nhất vẫn là tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động nhiều hơn, số lượng doanh nghiệp đóng cửa giảm đi. Bởi lẽ, không duy trì được hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ không thể bảo đảm thu nhập của người dân để thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Theo tính toán, tổng cầu tiêu dùng hiện chiếm tỷ trọng lớn nhất, lên đến hơn 70% trong cơ cấu GDP, trong đó tiêu dùng của dân cư khoảng 90% tổng cầu tiêu dùng. 

Xem bản gốc