
Anh Nguyễn Văn Mạnh, Bí thư Tỉnh đoàn Kon Tum cho biết: Để giúp thanh niên khởi nghiệp, đầu tư phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, xây dựng được nhiều mô hình đem lại hiệu quả kinh tế, từ năm 2022 đến nay, Tỉnh đoàn đã phân bổ nguồn vốn Quỹ quốc gia việc làm do Trung ương Đoàn quản lý cho 15 đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp, với số tiền hơn 1,1 tỷ đồng; phối hợp Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh thực hiện các chương trình tín dụng chính sách cho hơn 30.000 lượt đoàn viên, thanh niên vay vốn để khởi nghiệp, với số tiền hơn 1.598 tỷ đồng.
Sự đồng hành, hỗ trợ của các cấp bộ đoàn đã khơi dậy ý chí, nghị lực vươn lên cho thanh niên vùng đồng bào DTTS tỉnh Kon Tum. Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả đã dần hình thành và có sức lan tỏa sâu rộng trong thanh niên DTTS.

Năm 2021, anh A Nguyên (dân tộc Ba Na), làng Đăk Mút, xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà đã kết nối với các đoàn viên, thanh niên người DTTS trong làng để thành lập Câu lạc bộ Thanh niên tôn giáo phát triển kinh tế. Sau hơn 3 năm thành lập và hoạt động, Câu lạc bộ đã phát triển lên 15 thành viên.
Anh A Nguyên, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thanh niên tôn giáo phát triển kinh tế cho hay: Tham gia Câu lạc bộ, các thành viên thường xuyên được cập nhật thông tin để lựa chọn phương án trồng trọt, chăn nuôi phù hợp với điều kiện, trình độ của thành viên. Qua đó, hiện thực hóa ước mơ khởi nghiệp của thanh niên người DTTS. Riêng bản thân tôi cũng có sự thay đổi, ngoài trồng 2ha cà phê, chăn nuôi gia súc thì tôi còn đầu tư làm thêm vườn ươm cây giống cà phê để cung ứng cho người dân.

Còn với đoàn viên A Khải (dân tộc Gié Triêng), làng Đăk Ung, xã Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei thì chọn cho mình mô hình khởi nghiệp trồng sâm Ngọc Linh. Bước đầu gặp không ít khó khăn do chưa có nhiều kinh nghiệm chăm sóc, cây trồng kém phát triển, hay bị bệnh, nhưng anh không nản chí, chủ động tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ sách báo, Internet, tham khảo các mô hình trồng sâm trong tỉnh, huyện áp dụng vào chăm sóc vườn cây.
Anh A Khải chia sẻ: Với số vốn 30 triệu đồng, ban đầu tôi mua 100 cây giống sâm Ngọc Linh về trồng. Sau 4 năm chăm sóc, vườn cây phát triển tốt và năm vừa rồi đã cho thu hoạch 800 hạt, tôi ươm để tiếp tục nhân rộng. Thấy trồng sâm cũng hiệu quả và được sự động viên của Đoàn xã, năm 2024, tôi vay thêm 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để mở rộng mô hình.

Hiện tại, toàn tỉnh Kon Tum duy trì hoạt động 10 mô hình Tổ hợp tác thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế thuộc 10 huyện, thành đoàn và 1 Hợp tác xã nông nghiệp xanh; đồng thời, duy trì và nhân rộng nhiều mô hình điển hình về thanh niên khởi nghiệp tại các địa phương trong tỉnh.
Thời gian tới, Tỉnh đoàn Kon Tum tiếp tục tổ chức các chương trình tư vấn, hỗ trợ thanh niên áp dụng thương mại điện tử trong tiêu thụ sản phẩm; đồng thời, chủ động tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương phân bổ nguồn ngân sách để xây dựng các chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.
Hiện tại, toàn tỉnh Kon Tum duy trì hoạt động 10 mô hình Tổ hợp tác thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế thuộc 10 huyện, thành đoàn và 1 Hợp tác xã nông nghiệp xanh. Đồng thời, duy trì và nhân rộng nhiều mô hình điển hình về thanh niên khởi nghiệp tại các địa phương trong tỉnh…