
Lễ phát động được được kết nối trực tiếp từ điểm cầu Trung tâm hội nghị tỉnh đến 13 điểm cầu cấp huyện, xã; một số doanh nghiệp, tiểu thương và người dân tại một số huyện trong tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Đặng Xuân Phong nhấn mạnh, chuyển đổi số không chỉ nhiệm vụ mà là niềm tin, trách nhiệm với tương lai dân tộc. Đổi mới sáng tạo không chỉ là khẩu hiệu mà là hành động và bản lĩnh để vượt qua mọi giới hạn. Phong trào thi đua Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi số và Bình dân học vụ số không chỉ dành cho cán bộ, công chức mà là của toàn dân. Ông Đặng Xuân Phong kêu gọi mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang tiên phong đổi mới tư duy, hành động quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Các doanh nghiệp, công nhân, nông dân, tiểu thương chủ động ứng dụng công nghệ, nâng cao năng suất và hiệu quả công việc. Thanh niên, học sinh, sinh viên nuôi dưỡng khát vọng sáng tạo, học tập suốt đời và sẵn sàng hội nhập. Đặc biệt, mỗi người dân cùng học hỏi, chia sẻ, lan tỏa tinh thần “xóa mù công nghệ” để chuyển đổi số trở thành năng lực phổ thông, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Vĩnh Phúc đang từng bước hoàn thiện thể chế, chính sách, đồng thời huy động, tập trung nguồn lực từ Trung ương và địa phương nhằm thúc đẩy phát triển bền vững trong kỷ nguyên số. Tỉnh ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết và chương trình quan trọng, gồm Chỉ thị số 23-CT/TU về tăng cường lãnh đạo của Đảng trong chuyển đổi số, Chỉ thị số 36-CT/TU về thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, Nghị quyết số 18/2020/NQ-HĐND quy định nội dung và mức chi để thực hiện Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2025.

Tỉnh đã tổ chức ký kết chương trình phối hợp hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 - 2025 với Bộ Khoa học và Công nghệ; phê duyệt Đề án phát huy tinh thần và hỗ trợ thanh niên Vĩnh Phúc khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; chú trọng thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ; triển khai hoạt động tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Năm 2024, Vĩnh Phúc dành gần 2.000 tỷ đồng phục vụ chuyển đổi số. Trong giai đoạn 2025-2030, tỉnh bố trí ngân sách trung bình khoảng 1.000 tỷ đồng mỗi năm để hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Từ khi thực hiện đổi mới sáng tạo, đến nay, 100% hồ sơ được tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh và Cổng dịch vụ công quốc gia; 60% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 50% hồ sơ công việc tại cấp huyện, 40% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng.
100% cơ sở giáo dục, y tế của tỉnh đã thực hiện chuyển đổi số; hơn 96% dân số của tỉnh được tạo lập hồ sơ trên hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân; 100% doanh nghiệp đăng ký và nộp hồ sơ khai thuế qua mạng internet, sử dụng hóa đơn điện tử. Từ năm 2012 đến nay, tỉnh có hơn 130.000 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó, nhiều dự án gắn với thế mạnh phát triển kinh tế, xã hội địa phương...