(Xây dựng) – UBND tỉnh Lạng Sơn vừa ban hành Kế hoạch 246/KH-UBND về việc chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn năm 2025.
Lạng Sơn đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đến năm 2025. |
Mục tiêu của tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đến năm 2025 đề ra tại Nghị quyết số 49-NQ/TU, ngày 28/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch số 226/KH-UBND ngày 18/11/2021 của UBND tỉnh. Từng bước xây dựng, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, cửa khẩu số, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh. Duy trì chỉ số DTI nằm trong top 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu về chuyển đổi số.
Theo đó, về chính quyền số duy trì tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) toàn trình, một phần có phát sinh hồ sơ trực tuyến trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) và tiếp nhận của tỉnh đạt trên 95%. Có 100% hồ sơ công việc các cấp được xử lý trực tuyến và ứng dụng chữ ký số chuyên dùng trên môi trường mạng. Đồng thời, triển khai hệ thống thông tin báo cáo đến 100% các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và được tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống dùng chung của tỉnh và liên thông với hệ thống thông tin báo cáo quốc gia.
Kết nối 85% cơ sở dữ liệu tạo nền tảng phát triển chính quyền số, kết nối, chia sẻ dữ liệu qua nền tảng chia sẻ tích hợp dữ liệu của tỉnh. Hoàn thiện, đưa vào sử dụng nền tảng kiểm tra số nhằm đảm bảo 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý. Nâng tỷ lệ tái sử dụng hồ sơ TTHC đã được số hóa đạt 50%.
Kinh tế số phấn đấu chiếm khoảng 20% GRDP của tỉnh. Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 7%; doanh thu thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt 7%. 100% các thôn, bản đang lõm sóng và đã có điện lưới quốc gia được phủ sóng băng rộng di động; 100% số hộ gia đình có khả năng tiếp cận dịch vụ Internet cáp quang băng rộng. Triển khai cung cấp 100% hàng hóa và dịch vụ được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên có mặt trên các sàn thương mại điện tử.
Duy trì 100% người dân và doanh nghiệp được trợ lý ảo hỗ trợ thực hiện TTHC, sử dụng DVCTT của tỉnh; triển khai trợ lý ảo công chức số Xứ Lạng đến 100% các cơ quan, đơn vị và cán bộ công chức viên chức. Duy trì 100% các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện kết nối với bệnh viện tuyến trên phục vụ khám chữa bệnh qua nền tảng công nghệ số và 100% các bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm y tế huyện, thành phố triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt. Phấn đấu đạt trên 95% người dân tỉnh Lạng Sơn có hồ sơ sức khỏe điện tử.
Xã hội số 100% các sự kiện văn hóa, du lịch của tỉnh được truyền thông số trên mạng xã hội. Phấn đấu tỷ lệ hộ gia đình có đường truyền Internet cáp quang băng rộng đạt 85%, dân số trưởng thành có điện thoại di động thông minh đạt 95%, người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác đạt 76%...
Cửa khẩu số duy trì tỷ lệ 100% như: Các phương tiện vận tải, doanh nghiệp, thương nhân xuất, nhập khẩu hàng hóa được cung cấp dịch vụ số trên một nền tảng cửa khẩu số; các cơ quan, đơn vị có liên quan sử dụng nền tảng cửa khẩu số trong quản lý phương tiện, hàng hóa luân chuyển qua cửa khẩu; các hoạt động kiểm tra, giám sát của lãnh đạo tỉnh, các Sở, ngành liên quan sử dụng một nền tảng cửa khẩu số và cơ sở dữ liệu các ngành liên quan được triển khai kết nối trên nền tảng cửa khẩu số.
Bảo đảm an toàn thông tin 100% máy chủ, thiết bị hạ tầng trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh được giám sát, đảm bảo an toàn thông tin, kết nối với Trung tâm giám sát an toàn thông tin quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông vận hành. Hệ thống thông tin được xác định cấp độ và triển khai phương án bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ… Phấn đấu Lạng Sơn thuộc nhóm hạng A, nhóm dẫn đầu quốc gia về an toàn, an ninh mạng.