Liên quan vụ lật tàu Vịnh Xanh 58 trên Vịnh Hạ Long, các lực lượng chức năng đã cứu được 10 người, tìm thấy 35 thi thể, hiện còn 4 người mất tích.
Khoảng 13h45 ngày 19/7, tàu Vịnh Xanh 58 số đăng ký QN - 7105 xuất bến từ Cảng tàu khách Quốc tế Hạ Long tham quan Vịnh Hạ Long theo Tuyến số 2. Khi đang trên đường về cảng tàu khách Quốc tế Hạ Long, đến khu vực giữa Hòn Gà Chọi và Hòn Cô Đơn gặp giông, lốc đánh khiến tàu bị lật úp. Thời điểm xảy ra vụ tai nạn, trên tàu có 3 thuyền viên và 46 hành khách đều là người Việt Nam.

Nguyên nhân do giông lốc, trách nhiệm ra sao?
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, vụ lật tàu Vịnh Xanh 58 trên vịnh Hạ Long khiến nhiều người tử vong và thương tích nghiêm trọng như vậy là một vụ tai nạn rất thương tâm.
Mặc dù nguyên nhân ban đầu được xác định là do gió lốc ảnh hưởng của cơn bão số 3, tuy nhiên đây là một vụ tai nạn tàu du lịch đặc biệt nghiêm trọng nên cơ quan chức năng cũng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ tàu du lịch Vịnh Xanh 58 này có đủ điều kiện để hoạt động du lịch hay không, có được đăng kiểm, còn thời hạn đăng kiểm theo quy định của pháp luật hay không, tàu có bị hoán cải, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật hay không, có tuân thủ các quy tắc để đảm bảo an toàn khi vận hành hay không. Đặc biệt là phương án cứu hộ cứu nạn, trang bị các phao cứu sinh và trách nhiệm ứng phó với những tình huống nguy hiểm của đơn vị vận hành chiếc tàu này...
Trường hợp có hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy, người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 272 bộ luật hình sự với hình phạt có thể tới 15 năm tù theo khoản 3, Điều 272 Bộ luật hình sự do hậu quả là chết nhiều người.
Trường hợp xác định phương tiện đủ điều kiện lưu hành, đã tuân thủ đầy đủ các quy tắc an toàn, vụ tai nạn là xảy ra ngoài ý chí chủ quan của tổ lái. Đơn vị quản lý du lịch và những người điều khiển chiếc tàu này đã tuân thủ đầy đủ quy định, quy tắc đảm bảo an toàn, đã làm hết trách nhiệm nhưng tai nạn vẫn xảy ra sẽ không xem xét xử lý hình sự.
Do đó, cùng với việc khẩn trương tìm kiếm các nạn nhân còn mất tích, hỗ trợ gia đình các nạn nhân, các cơ quan chức năng cần điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn. Đồng thời, rà soát, kiểm tra toàn bộ các quy trình trong công tác bảo đảm an toàn hàng hải, tổ chức rút kinh nghiệm, khắc phục ngay các hạn chế bảo đảm tuyệt đối an toàn đối với các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động.
Tiếp tục tìm kiếm 4 nạn nhân còn lại
Sáng 20/7, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ninh, Công an tỉnh, Vùng 1 Hải quân, Vùng Cảng sát biển 1, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, các đội thợ lặn chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện tìm kiếm cứu 4 nạn nhân mất tích còn lại trong vụ lật tàu khách Vịnh Xanh 58 trên Vịnh Hạ Long.
Thông tin Sở chỉ huy, để tìm kiếm các nạn nhân còn lại, các đơn vị đã huy động tổng số gần 350 người, gần 50 phương tiện tàu, xuồng các loại. Trong đó, Bộ CHQS tỉnh đã huy động 110 người, 6 tàu, 8 xuồng cao tốc; Công an tỉnh huy động 51 người, 2 tàu, 5 xuồng; Bộ Tư Lệnh Vùng 1 Hải Quân huy động 40 người, 3 tàu; Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 huy động 3 tàu; cùng với 27 đặc công nước, 3 tàu cẩu… được huy động để tham gia tìm kiếm.
Theo thông tin, tính đến 10h sáng 20/7, các lực lượng chức năng đã tìm thấy 45 người gồm hành khách và thuyền viên trong vụ đắm tàu du lịch xảy ra vào chiều 19/7 trên Vịnh Hạ Long. Trong đó, 10 người còn sống và 35 người tử vong.
Đến 8h sáng nay, cơ quan chức năng đã hoàn tất thủ tục, bàn giao 30 nạn nhân tử vong để gia đình đưa thi thể người thân về an táng. Tỉnh Quảng Ninh đã hỗ trợ kinh phí và xe để các gia đình đưa nạn nhân về quê. Bước đầu tỉnh Quảng Ninh đã hỗ trợ gia đình các nạn nhân tử vong 25 triệu đồng/người; bị thương là 8 triệu đồng/người; đồng thời bố trí nơi ăn ở và hỗ trợ chi phí ăn ở cho các gia đình nạn nhân khi ở Quảng Ninh.
Tàu du lịch biển hoạt động phải tuân thủ những quy định nào?
Theo quy định, tàu du lịch biển tại Việt Nam phải tuân thủ một hệ thống quy định pháp lý chặt chẽ: từ đăng ký, kiểm định, tiêu chuẩn kỹ thuật đóng tàu, thiết bị an toàn, đến vận hành, cứu nạn, y tế, tổ chức thuyền viên. Các quy định này không chỉ bảo vệ hành khách mà còn đảm bảo an toàn hàng hải và bảo vệ môi trường biển khi khai thác du lịch.
Tàu du lịch hoạt động trên biển cũng phải đáp ứng rất nhiều tiêu chí, tiêu chuẩn, có sự quản lý chặt chẽ của nhà nước để đảm bảo an toàn. Cụ thể, phải đăng ký, đăng kiểm theo Luật Hàng hải, tuân thủ QCVN phân cấp tàu biển; phải được trang bị các thiết bị an toàn: AIS, VHF, hệ thống chữa cháy, phân ly dầu/nước, camera giám sát, dụng cụ cứu sinh; về kĩ thuật và thiết kế phải đóng tàu theo QCVN tiêu chuẩn, hệ thống điện chống cháy, bố trí phòng chữa cháy; Cơ cấu thuyền viên phải có đủ thuyền trưởng và nhân lực trực ca, cảnh giới, phản ứng khẩn cấp; Ngoài ra phải đảm bảo điều kiện và y tế và dịch vụ hành khách như: Phòng vệ sinh, sơ cứu, phục vụ ăn uống, bảng hướng dẫn an toàn. Quá trình hoạt động phải có sự phối hợp với cảng biển, phải có lệnh điều động cập cảng; tuân thủ tín hiệu, tốc độ, liên lạc VHF/AIS.
Tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long, cùng với việc tuân thủ các quy định tại các Nghị định của Chính phủ và Thông tư của các bộ ngành liên quan, đơn vị kinh doanh vận tải, du lịch phải tuân thủ quy định tại Quyết định số 43/2024/QĐ-UBND ngày 8/10/2024 của UBND tỉnh Quảng Ninh.
Theo đó quyết định này quy định: Tàu tham quan đi theo tuyến hành trình du lịch được ghi trong Giấy phép rời cảng, bến và khu vực neo đậu trên Vịnh do Cảng vụ cấp theo quy định hiện hành, trường hợp thay đổi chuyển tuyến hành trình du lịch có ý kiến với Cảng vụ và Ban Quản lý Vịnh chấp thuận.

Tại các cảng, bến ở điểm tham quan, khu vực neo đậu trên Vịnh, Thuyền trưởng sử dụng Giấy phép rời cảng, bến đã cấp cho tàu tại cảng, bến trong đất liền, để trình báo với Cảng vụ và làm cơ sở cấp phép cho tàu hành trình tiếp, chuyển hành trình du lịch hoặc về cảng, bến trong đất liền. Trước khi cấp phép phải kiểm tra thiết bị giám sát hành trình của tàu đảm bảo đang hoạt động bình thường.
Khi hành trình trong vùng nước cảng, bến, khu vực nhiều phương tiện hoạt động, có nguy cơ đâm va hoặc thời tiết xấu (có mưa, mù, gió lớn...): Thuyền trưởng phải trực tiếp điều khiển phương tiện, thợ máy phải có mặt trong buồng máy, thuyền viên phải cảnh giới trên boong ở các vị trí cần thiết và không được để khách đứng, ngồi, đi lại hai bên mạn, mũi, lái và boong dạo của tàu.
Khi thời tiết không bảo đảm an toàn để tiếp tục hành trình thì thuyền trưởng thông báo cho khách biết và chủ động điều động tàu vào nơi tránh trú an toàn, thông báo cho Cảng vụ về vị trí tránh trú, tình hình của thời tiết để theo dõi, phối hợp khi cần thiết; Cảng vụ căn cứ tình hình thực tế thông báo các tàu du lịch về nơi tránh trú khi thời tiết bất thường.
Trường hợp kết thúc hành trình sớm hơn so với hợp đồng phải được sự đồng ý của khách và được người đại diện cho du khách trên tàu xác nhận bằng văn bản và gửi Cảng vụ.
Không bám, buộc vào phương tiện khác hoặc để phương tiện khác bám, buộc vào phương tiện mình khi đang hành trình, không neo đậu phương tiện ở những nơi không được phép neo đậu, trừ trường hợp cứu nạn, cứu hộ hoặc bất khả kháng.
Thuyền viên phải trực tại vị trí làm việc theo phân công trong suốt hành trình; thường xuyên kiểm tra tình trạng kỹ thuật các hệ thống, đặc biệt hệ thống phòng cháy, chống đắm, thông tin liên lạc và đảm bảo thiết bị giám sát hành trình hoạt động thường xuyên, ổn định chất lượng. Khi mất tín hiệu giám sát hành trình, thuyền trưởng phải chủ động thông tin cho Cảng vụ vị trí của tàu để giám sát.
Khi neo đậu trong vùng nước cảng, bến và khu neo đậu, bố trí đủ số lượng thuyền viên trông coi tàu đảm bảo vận hành tàu khi có tình huống xảy ra; thường xuyên kiểm tra các hệ thống, trang thiết bị luôn ở trạng thái sẵn sàng hoạt động; chấp hành lệnh điều động của Cảng vụ trong các trường hợp khẩn cấp, khi cần thiết.
Đối với những người không có chức trách nhiệm vụ trong việc điều khiển tàu thủy nhưng vi phạm về công tác quản lý, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng cũng có thể bị xử lý hình sự theo điều 360 bộ luật hình sự.

Đây là vụ tai nạn đường thủy rất thương tâm, gây mất mát và đau xót đối với nhiều gia đình và xã hội, cho thấy nguy cơ mất an toàn trên biển có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, kể cả là khi giông lốc hoặc cơn bão còn xa đất liền. Bởi vậy, cơ quan chức năng sẽ tiến hành kiểm tra tất cả các phương tiện vận chuyển du lịch ở địa phương này cũng như ở các khu du lịch có liên quan để đảm bảo an toàn cho du khách, đặc biệt là các hoạt động du lịch mạo hiểm trong mùa mưa bão trên biển như các phương tiện tàu du lịch này.
Ai bồi thường cho các nạn nhân?
Theo luật sư Cường, đơn vị quản lý tàu du lịch và đơn vị cung cấp dịch vụ phải thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các du khách gặp nạn. Nếu có bảo hiểm, cơ quan bảo hiểm sẽ chi trả đối với thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và tài sản của các du khách. Trường hợp thiệt hại ngoài phạm vi bảo hiểm, đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch phải chi trả toàn bộ, đầy đủ cho các nạn nhân và gia đình nạn nhân. Trong trường hợp không có bảo hiểm, đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch này phải bồi thường toàn bộ những thiệt hại về tính mạng, về tài sản và sức khỏe cho các du khách theo quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại dân sự.