Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Liên kết dữ liệu, thúc đẩy đầu tư nông nghiệp bền vững

Vneconomy 3 Tuần trước

Dữ liệu cho thấy trong tổng số 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước chỉ có khoảng trên 50 nghìn doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Đây là con số khá khiêm tốn so với các ngành, lĩnh vực kinh tế khác.

NGÀNH NÔNG NGHIỆP XUẤT SIÊU KỶ LỤC

Mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức, ngành nông nghiệp vẫn đạt nhiều kết quả tăng trưởng ấn tượng. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính trong 11 tháng năm 2024, xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản đạt 31,35 tỷ USD, chiếm 8,4% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Đặc biệt, theo Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nếu tính cả nhập khẩu thì kim ngạch xuất nhập khẩu của mặt hàng này trong năm 2024 có thể đạt 62,4 tỷ USD, tăng 18,5% so với năm 2023. Với mức này, giá trị xuất siêu của ngành có thể đạt kỷ lục 18,6 tỷ USD, tăng 53,1%.

Dù vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, tiềm năng để ngành nông nghiệp có thể bứt phá mạnh mẽ hơn trong kỷ nguyên mới là rất lớn khi các điểm nghẽn, vướng mắc của ngành được giải tỏa và khơi thông. Bởi thực tế hiện nay, sự gắn kết giữa doanh nghiệp, nhà nông, viện nghiên cứu và nhà quản lý vẫn chưa thực sự tốt nên vẫn còn tình trạng “được mùa mất giá”, “được giá thiếu hàng”, “có thị trường nhưng thiếu vốn đầu tư”…

Theo bà Lê Nguyễn Thiên Nga, Viện trưởng Viện Quản trị chính sách, thực tế cho thấy, để phát huy mô hình liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản cần xác định đúng, đủ và hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan do đây là mấu chốt để hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng nông sản. Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới động lực vốn tín dụng ngân hàng, bởi thiếu yếu tố này chuỗi liên kết chắc chắn không thể thành công.

Bà Lê Nguyễn Thiên Nga, Viện trưởng Viện Quản trị Chính sách, với bài nghiên cứu tín dụng và giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số và liên thông Dữ liệu Quốc gia trong kỉ nguyên mới. Bà Lê Nguyễn Thiên Nga, Viện trưởng Viện Quản trị Chính sách, với bài nghiên cứu tín dụng và giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số và liên thông Dữ liệu Quốc gia trong kỉ nguyên mới.

“Nguồn vốn tín dụng cũng như các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng là một trong những yếu tố có vai trò rất quan trọng, đặc biệt đối với lĩnh vực có tính chất mùa vụ và phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên như ngành nông nghiệp. Khi dòng vốn tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời sẽ góp phần gia tăng đầu tư cơ sở vật chất, khoa học kỹ thuật, cũng như hệ thống phân phối, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, qua đó nâng cao giá trị nông sản Việt Nam”, bà Nga nêu quan điểm.

CƠ SỞ DỮ LIỆU VỚI DÒNG VỐN XANH

Trong Chiến lược phát triển nông nghiệp Việt Nam, các ngân hàng dẫn dắt đã chủ động, tích cực đáp ứng vốn phát triển nông nghiệp, thiết kế rất nhiều sản phẩm đặc thù với cơ chế, chính sách linh hoạt dành cho khách hàng hoạt động trong lĩnh vực như nông nghiệp xanh, lâm nghiệp bền vững cũng như năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, quản lý nước bền vững, xử lý chất thải và chống ô nhiễm…

Cùng với các định chế tài chính lớn như Ngân hàng Thế giới (WB), IFC… một số ngân hàng nhóm “Big 4” như VietinBank cũng đã tiên phong xây dựng các bộ tiêu chuẩn về môi trường xã hội cho các dự án và đối tác vay vốn. Điều này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy dòng vốn nông nghiệp xanh nói riêng và dòng vốn xanh và bền vững nói chung trong tương lai, đáp ứng với yêu cầu phát triển mới.

Tuy vậy, cùng với việc thúc đẩy dòng vốn tín dụng xanh chảy vào lĩnh vực nông nghiệp xanh, lâm nghiệp bền vững và các ngành xanh khác, công tác quản lý môi trường trong hệ thống ngân hàng có nhiều nét tương đồng với quản lý rủi ro. Việc kiểm soát chất lượng danh mục các khoản vay không những giúp ngân hàng giảm thiểu một cách tối đa tổn thất có thể xảy ra, mà còn gia tăng giá trị sinh lời cũng như uy tín cho ngân hàng.

Do đó, một trong những trách nhiệm của ngân hàng là tích cực và chủ động quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong điều hành hoạt động nội bộ, đồng thời chủ động tìm kiếm và khai thác những sản phẩm và cơ hội kinh doanh thân thiện với môi trường.

Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho biết dữ liệu đã và đang trở thành một nguồn tài nguyên mới. Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho biết dữ liệu đã và đang trở thành một nguồn tài nguyên mới.

Tại hội thảo Chiến lược Dữ liệu quốc gia mới đây, ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho biết trong tiến trình chuyển đổi số, dữ liệu đã và đang trở thành một nguồn tài nguyên mới, là yếu tố quan trọng mang tính quyết định.

Đối với ngành ngân hàng, thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, dữ liệu giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, thống kê, phân tích, dự báo phục vụ chỉ đạo, điều hành, hoạch định chiến lược của Ngân hàng Nhà nước; giúp ngân hàng thương mại không chỉ xác thực, định danh khách hàng mà còn giúp phân tích, nắm bắt hành vi và xu hướng tiêu dùng, từ đó đưa ra quyết định trong phát triển, cung ứng sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Hiện nay, các ngân hàng Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn đầu của việc xây dựng cơ sở dữ liệu và quản trị dữ liệu. Điều này đòi hỏi các ngân hàng phải tiếp tục có sự nâng cấp, mở rộng tập dữ liệu và nâng cao khả năng xử lý cũng như quản trị dữ liệu để hiện thực hóa các chính sách đề ra.

Tín dụng xanh chỉ những khoản tín dụng mà ngân hàng cấp phát cho các dự án sản xuất - kinh doanh không gây rủi ro hoặc nhằm mục đích bảo vệ môi trường. Với mục đích hướng tới các dự án tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo và công nghệ sạch, các sản phẩm tín dụng xanh góp phần đem lại những lợi ích to lớn về phát triển nền kinh tế hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững. Vì vậy, phát triển dòng tín dụng xanh là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Xem bản gốc