Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Lo ngại doanh nghiệp "huy động vốn cửa sau", gây hệ lụy cho thị trường chứng khoán

Vneconomy 1 Tháng trước

Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14 và sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.

Cho ý kiến về Dự thảo này, một số thành viên trên thị trường cho rằng phạm vi, mục đích phát hành đang không có giới hạn bao gồm mua tài sản, cổ phần Doanh nghiệp không có thẩm định giá, hợp tác kinh doanh chuyển tiền cho đơn vị khác thực hiện kinh doanh đầu tư... tạo lỗ hổng lớn trong việc “huy động vốn cửa sau”, “rút ruột qua việc nâng khống giá trị mua bán tài sản”…. thông qua Doanh nghiệp Niêm yết.

Hiện nay, theo quy định tại Luật hay hướng dẫn tại Nghị định 155, liên quan tới phạm vi về mục đích cho các đợt chào bán, phát hành là không có. Tức là doanh nghiệp niêm yết có thể thực hiện phát hành theo bất kỳ mục đích nào do quy định không cấm, tuy nhiên thực tế rất nhiều vấn đề biến tướng.

Bản chất việc huy động vốn cổ phần trên thị trường chứng khoán cần thiết phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết hoặc tái cấu trúc lại vốn của chính doanh nghiệp niêm yết, tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều biến tướng của việc này - được gọi là “huy động vốn cửa sau”, gây nên hệ luỵ vô cùng lớn.

Điển hình như mục đích huy động vốn qua phát hành và sử dụng để hợp tác kinh doanh (BCC) với 1 công ty khác. Theo các thành viên trên thị trường, mục đích huy động này sẽ dẫn tới các vấn đề gặp phải như việc hợp tác kinh doanh tương đương với việc chuyển vốn cho 1 công ty khác, 1 bên khác (có thể là bên liên quan) để thực hiện các dự án hoặc kinh doanh. Việc này thiếu minh bạch vì các hoạt động này không được kiểm soát tốt bởi cổ đông.

Việc này có thể ảnh hưởng tới cổ động như có thể mất vốn, hoặc đọng vốn hợp tác. Kết quả hợp tác không rõ ràng, mơ hồ do không đem lại doanh thu mà chỉ có thể ghi nhận lợi nhuận từ hoạt động tài chính sau khi BCC phân chia lợi nhuận. Đơn vị nhận vốn này thực chất đã “huy động vốn cửa sau” thông qua doanh nghiệp niêm yết.

Giải pháp trong trường hợp này là đối tượng BCC phải được thông qua. Doanh nghiệp niêm yết cần là đơn vị kế toán, hạch toán khoản hợp tác này hoặc cần thực hiện kiểm toán hoạt động của cả thực thể BCC này trong các kỳ soát xét 6 tháng và kiểm toán cuối năm, cụ thể thuyết minh trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp niêm yết vì quá trình BCC thường rất dài.

Với mục đích Huy động vốn qua phát hành để mua cổ phần doanh nghiệp khác, vấn đề đặt ra là giá mua và chất lượng cổ phần/đối tượng mua không minh bạch trong các trường hợp doanh nghiệp niêm yết không chiếm chi phối để hợp nhất báo cáo tài chính. 

Ví dụ doanh nghiệp niêm yết thực hiện phát hành sử dụng nguồn vốn để mua 15% vốn cổ phần của 1 doanh nghiệp khác, có thể mất chi phối nguồn vốn này trong trường hợp tỷ trọng sở hữu/nắm giữ không chi phối. Từ đang kiểm soát 100% nguồn vốn, thông qua việc mua này, chỉ chi phối 15% và không còn quyền định đoạt.

Do đó, đối tượng, giá mua cần được nêu rõ trong phương án phát hành được ĐHĐCĐ thông qua, cần có thẩm định giá mua trình ĐHĐCĐ thông qua.

Với mục đích phát hành để bổ sung vốn lưu động sẽ phát sinh các vấn đề như việc huy động vốn bổ sung vốn lưu động có thể dẫn tới việc thừa vốn sau quá trình hoàn tất 1 số vòng quay vốn.

Do đó, cần chứng minh được sự cần thiết của việc mở rộng quy mô, vòng quay vốn. Bởi với 1 doanh nghiệp niêm yết thông thường, nguồn tài trợ cho vốn lưu động luôn luôn có từ doanh thu. Do vậy, việc huy động vốn để bổ sung vốn lưu động chỉ hữu hiệu khi thực sự doanh nghiệp niêm yết có mở rộng quy mô đơn hàng, vòng quay kinh doanh và doanh nghiệp niêm yết cần cung cấp chứng minh được nội dung này và được Đại hội đồng cổ đông thông qua phương án sử dụng vốn cho các mục đích con/chi tiết.

Huy động vốn qua phát hành để cho vay: Trong các trường hợp cho vay các đơn vị ngoài doanh nghiệp niêm yết (không phải công ty con) có nguy cơ mất vốn, không kiểm soát được. Do đó, cần phải xem xét tính đảm bảo, tài sản đảm bảo và phải được ĐHĐCĐ thông qua. Đối với việc tài trợ /cho vay đối với đơn vị thành viên (công ty con) có thể được xem xét. Vì đây coi như thay thế hình thức góp vốn cổ phần vào công ty con.

Tóm lại, theo các thành viên trên thị trường, có rất nhiều vụ việc doanh nghiệp niêm yết thực hiện phát hành và sau đó việc sử dụng vốn không đem lại hiệu quả, qua đó giảm lòng tin đối với thị trường, thậm chí gây ra các vấn đề pháp lý.

"Vậy nên, nhất thiết cần nhận thức sâu sắc vấn đề này để có các biện pháp giám sát trong quá trình triển khai hồ sơ và phê duyệt hồ sơ theo nguyên tắc các mục đích sử dụng vốn cần phải được làm rõ, đầy đủ thông tin.

Thực chất cũng có nhiều doanh nghiệp niêm yết nghiêm túc, thực sự sử dụng vốn cho mục đích chắc chắn, không phải tất cả doanh nghiệp niêm yết đều cố tính lợi dụng biến tướng “huy động vốn cửa sau”. Tuy nhiên, việc kiểm soát cần thực hiện toàn diện đối với mọi doanh nghiệp niêm yết và có công cụ, có quy định, chế tài giám sát, tránh sự việc đã rồi và không thể kiểm soát được hậu quả", đại diện một thành viên trên thị trường nhấn mạnh. 

Xem bản gốc