Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Loại bỏ carbon khỏi khí quyển: Cơ hội sinh lời đầy hấp dẫn

Báo Tin tức 3 Tuần trước
Chú thích ảnh Cơ sở thu giữ và lưu trữ carbon Northern Lights tại Øygarden bên ngoài Bergen, Na Uy.
Ảnh: Northern Lights

Khi các quốc gia trên thế giới tiếp tục thải khí gây hiệu ứng nhà kính, đẩy nhiệt độ toàn cầu lên mức kỷ lục, giới tài chính đang lao vào đầu tư vào lĩnh vực mới nổi: loại bỏ carbon dioxide (CO₂) khỏi khí quyển. Đây được coi là một phép màu môi trường và cũng là cơ hội sinh lợi đầy hấp dẫn.

Mùa hè năm nay, tỷ phú Bill Gates cùng các nhà đầu tư lớn như ông Jeff Bezos (sở hữu công ty công nghệ đa quốc gia Amazon), ông Masayoshi Son (nhà sáng lập tập đoàn Softbank) và Hoàng tử Al-Waleed bin Talal của Saudi Arabia đã họp tại London (Vương quốc Anh) để đánh giá các khoản đầu tư vào những công ty giúp chống lại biến đổi khí hậu.

Trong số đó, bốn công ty tập trung vào một mục tiêu đầy tham vọng: loại bỏ CO₂ khỏi khí quyển và kiếm lợi nhuận từ đó.

Công nghệ này, tuy còn mới và chưa được chứng minh hiệu quả trên quy mô lớn, đang thu hút các khoản đầu tư khổng lồ.

Kể từ năm 2018, các công ty trong lĩnh vực này đã huy động được hơn 5 tỷ USD, theo báo cáo của ngân hàng đầu tư Jefferies. Đáng chú ý, trước đó, hầu như không có khoản đầu tư nào vào lĩnh vực này.

Ông Damien Steel, Giám đốc điều hành Deep Sky (Canada), đã gọi đây là "cơ hội lớn nhất trong 20 năm làm vốn đầu tư mạo hiểm" với tiềm năng phát triển vượt xa nhiều ngành khác.

Nhu cầu đối với công nghệ loại bỏ CO₂ ngày càng tăng. Hơn 1.000 tập đoàn lớn, bao gồm Microsoft, Google và British Airways, đã cam kết chi 1,6 tỷ USD để mua tín chỉ loại bỏ CO₂ trong năm nay, so với dưới 1 triệu USD vào năm 2019.

Dự báo đến năm 2050, thị trường này có thể đạt giá trị 1.200 tỷ USD, theo báo cáo của công ty tư vấn McKinsey.

Mặc dù ngành này đang thu hút sự chú ý, nhưng các chuyên gia cảnh báo rằng tác động đối với nhiệt độ toàn cầu vẫn còn rất hạn chế. Các cơ sở hiện tại, như ở Iceland và California (Mỹ), chỉ xử lý được một phần nhỏ lượng khí thải CO₂ hàng ngày của nhân loại.

Chú thích ảnh Ô nhiễm không khí nghiệm trọng tại Patna, Ấn Độ ngày 5/11/2024. Ảnh: ANI/TTXVN

Nhiều nhà khoa học cho rằng, thay vì đầu tư vào công nghệ loại bỏ CO₂, cần tập trung vào việc nhanh chóng giảm sử dụng dầu mỏ, khí đốt và than đá, nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu.

Cựu Phó Tổng thống Mỹ Al Gore từng đưa ra nhận định: “Chúng ta cần ngừng đào sâu thêm cái hố khí thải này”.

Một báo cáo của Liên hợp quốc năm ngoái cũng chỉ ra rằng công nghệ này chưa được chứng minh về mặt công nghệ và kinh tế ở quy mô lớn, đồng thời tiềm ẩn nhiều rủi ro môi trường và xã hội.

Dù vậy, ngành loại bỏ CO₂ vẫn được ủng hộ mạnh mẽ. Chính phủ Mỹ đã tăng gấp ba lần khoản tín dụng thuế đối với việc loại bỏ CO₂ từ khí quyển, lên tới 180 USD/tấn. Luật cơ sở hạ tầng lưỡng đảng do Tổng thống Joe Biden ký năm 2021 cũng dành 3,5 tỷ USD cho bốn dự án thí điểm.

Nhiều công ty lớn như Stripe, Meta, Airbus và Boeing cũng cam kết tài trợ, không chỉ để bù đắp lượng khí thải mà còn nhằm xây dựng một ngành tiềm năng cho tương lai.

Mặc dù đối mặt với nhiều tranh cãi, các nhà đầu tư tin rằng ngành này sẽ phát triển mạnh mẽ, đặc biệt khi công nghệ ngày càng tiên tiến và lượng khí thải toàn cầu dần giảm.

Các chuyên gia khí hậu dự đoán rằng, ngay cả khi nhân loại ngừng hoàn toàn phát thải khí nhà kính, việc loại bỏ CO₂ khỏi khí quyển vẫn là cần thiết để làm giảm nhiệt độ toàn cầu.

Dù còn nhiều thách thức, ngành này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, vừa là hy vọng, vừa là bài toán cần lời giải cho tương lai nhân loại.

Xem bản gốc