Để bảo vệ thị trường phân bón trong nước, duy trì an ninh lương thực vàgiảm sự phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu, đề xuất thay đổi quy định thuế VAT từ không chịu thuế VAT sang chịu 5% thuế VAT đối với các doanh nghiệp phân bón đã được trình lên Quốc hội vào tháng 6/2024, và thảo luận trong cuộc họp ngày 29/10/2024.
Theo kế hoạch, ngày 26/11 tới đây Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Thuế Giá trị gia tăng trong đó có mặt hàng phân bón.
Nếu được thông qua, SSI Research kỳ vọng luật thuế mới sẽ có hiệu lực từ tháng 7/2025.
Theo lý thuyết, việc thay đổi từ “không chịu thuế VAT” sang “chịu thuế VAT 5%” sẽ khiến giá phân bón cao hơn. Tuy nhiên, DPM và DCM cho biết trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa phân bón nội địa và nhập khẩu, các doanh nghiệp nội địa có thể chọn giảm giá bán trước khi cộng thêm 5% thuế VAT, qua đó phần nào hỗ trợ những người nông dân. Theo đó, mức tăng giá bán thực tế của phân bón sản xuất trong nước sẽ ít hơn mức tăng giá bán của phân bón nhập khẩu, từ đó sẽ khuyến khích những người nông dân sử dụng phân bón sản xuất trong nước.
SSI Research cho rằng phân bón nội địa sẽ cạnh tranh hơn so với phân bón nhập khẩu, từ đó hỗ trợ tăng trưởng sản lượng tiêu thụ. Giá của phân bón nhập khẩu hiện đang thấp hơn 3-5% so với phân bón nội địa.
Trong trường hợp cạnh tranh gay gắt với phân bón nhập khẩu như trong giai đoạn 2015-2019, các doanh nghiệp sản xuất phân bón nội địa sau khi được hoàn thuế VAT trên chi phí sản xuất, sẽ có thể chọn giảm giá bán trước khi cộng thêm VAT 5%, từ đó thu hẹp khoảng cách giá 3-5% so với hàng nhập khẩu và khuyến khích những người nông dân sử dụng phân bón nội địa.
Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất phân bón còn có thể yêu cầu hoàn thuế VAT trên chi phí sản xuất. Điều này chủ yếu sẽ mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất ure và DAP vì những doanh nghiệp này sản xuất phân bón từ nguyên liệu tự nhiên khí đốt tự nhiên, than, quặng phốt phát. Trong khi đó, tác động đến các nhà sản xuất NPK là không đáng kể. Do nguyên liệu sản xuất NPK chủ yếu là phân bón đơn ure, phốt phát đơn và kali, nên việc không chịu thuế VAT hay chịu 5% thuế VAT đều không ảnh hưởng nhiều tới chi phí sản xuất NPK.
Trong quá trình thảo luận tại cuộc họp Quốc hội lần thứ 8 vào tháng 11/2024, hầu hết các cử tri bày tỏ mong muốn bảo vệ thị trường phân bón trong nước trước sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm nhập khẩu, đồng nghĩa với việc ủng hộ việc thay đổi quy định thuế VAT từ không chịu thuế VAT sang chịu 5% thuế VAT đối với các doanh nghiệp phân bón.
Do đó, SSI Research kỳ vọng Chính phủ sẽ thay đổi quy định thuế VAT và dự kiến có hiệu lực từ tháng 7/2025, theo đó DPM và DCM sẽ là các cổ phiếu được hưởng lợi từ sự thay đổi này.
Trong năm 2024, lợi nhuận của cả DPM và DCM phục hồi từ mức thấp của năm 2023 nhờ sự phục hồi giá urê và biên lợi nhuận của mảng phân bón tự doanh, cũng như giảm chi phí khấu hao (đối với DCM).
Lũy kế 9 tháng năm 2024, doanh thu thuần của DCM và và DPM lần lượt tăng nhẹ 2,3% và 1,4% so với cùng kỳ. Về mặt lợi nhuận, lợi nhuận trước thuế của DCM phục hồi 64% trong 9 tháng đầu năm 2024, nhanh hơn nhiều so với mức 17% của DPM nhờ chi phí khấu hao giảm và lợi nhuận bất thường từ hoạt động M&A. DCM đã mua lại công ty TNHH Phân bón Hàn – Việt với giá thấp hơn giá trị hợp lý.
Theo đó, lợi nhuận bất thường từ hoạt động M&A giúp DCM có mức tăng trưởng lợi nhuận mạnh hơn trong năm 2024, điều này tạo nền so sánh cao trong 2024 và khiến lợi nhuận trong năm 2025 tăng nhẹ hơn.
Sang năm 2025, kỳ vọng sự phục hồi của giá urê và biên lợi nhuận của mảng phân bón tự doanh vẫn tiếp diễn nhưng với tốc độ hạn chế hơn. Nếu không có thay đổi quy định về thuế VAT, tăng trưởng lợi nhuận năm 2025 của DPM và DCM dự kiến lần lượt đạt 21% và 16% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, sự thay đổi quy định về thuế VAT sẽ giúp DPM và DCM tăng thêm lợi nhuận lần lượt là 259 tỷ đồng và 200 tỷ đồng, từ đó đẩy tăng trưởng lợi nhuận năm 2025 lên 50% và 29%. Do đó, SSI khuyến nghị khả quan đối với DPM và DCM với giá mục tiêu tăng lần lượt 14% và 17% so với vùng giá hiện tại.