Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Lotus Chat sau 2 tháng ra mắt: Lượng biết đến còn khiêm tốn, người dùng "hiến kế" giúp ứng dụng hút khách

Markettimes 3 Tuần trước

Bài toán về nhận diện của Lotus Chat

Sau hai tháng ra mắt, ứng dụng chat mới do người Việt phát triển - Lotus Chat – đã trở thành đề tài tranh luận nhiều chiều trên mạng xã hội.

Một số ý kiến cho rằng nền tảng giao tiếp mới sẽ sớm chìm vào quên lãng giữa thị trường đầy rẫy và bão hòa bởi vô số app chat nổi tiếng, cũng như việc "cố phát minh lại bánh xe" chỉ là điều vô nghĩa.

Những quan điểm khác lại nhận định, bất kỳ một thị trường nào dù bão hòa hay không sẽ luôn cần những sản phẩm mới, khai mở xu hướng để có thêm lựa chọn khác biệt. Thực tế khác là những ứng dụng chat hiện tại còn nhiều hạn chế nhưng nhiều người "vẫn buộc phải dùng" do không có sự thay thế tốt hơn.

Sự ra đời của Lotus Chat với các tính năng mới mẻ, đồng thời khắc phục hạn chế của các app chat hiện tại, được nhận định sẽ tạo động lực thúc đẩy các nền tảng cũ thay đổi và nâng cấp về trải nghiệm người dùng sau nhiều năm thiếu đột phá.

Nhưng bài toán của Lotus Chat sau hai tháng trình làng vẫn là cần có những hướng đi mới để tăng sự nhận diện. Số lượng người biết đến ứng dụng chưa cao, cũng như có một vài vấn đề về cơ chế hoạt động cần khắc phục.

"Lotus Chat đáp ứng đủ các tính năng cơ bản mà người dùng cần. Ứng dụng có thể ghi âm cuộc gọi và có trợ lý giúp nhắc lịch, đây là điểm khác biệt so với Zalo, Telegram, Facebook Messenger... Tuy nhiên, độ phổ biến chưa cao, nhiều bạn bè của tôi chưa sử dụng ứng dụng này", chị Nguyễn Minh Anh, nhân viên kế toán tại Hà Nội cho biết.

"Dù ra mắt được vài tháng, tôi chỉ mới biết đến Lotus Chat gần đây. Ứng dụng dường như không được quảng bá rầm rộ vì tôi không thấy nhiều thông tin trên các nền tảng truyền thông", anh Nguyễn Ngọc Linh, chuyên viên phân tích dữ liệu làm việc tại một ngân hàng chia sẻ

Theo quan điểm của một số người được hỏi, bộ nhận diện của Lotus Chat chưa tạo được nhiều ấn tượng, khiến họ dễ lướt qua khi đọc tin tức.

"Ứng dụng có tên dễ nghe, nhưng dễ bị nhầm lẫn, vì người Việt có cách phát âm khác nhau với từ Lotus. Cá nhân tôi thấy biểu tượng ứng dụng cũng không tạo điểm nhấn", chị Minh Anh cho biết.

Các ứng dụng chat phổ biến thường có bộ nhận diện dễ đi vào tiềm thức người dùng. Tên ứng dụng được đặt ngắn gọn, với biểu tượng riêng biệt, màu sắc đi kèm nổi bật, như WhatsApp, Line có màu xanh lá nhạt, Facebook Messenger, Zalo có màu xanh dương kèm trắng…

"Nói về tên gọi Lotus Chat, tôi thấy việc thêm từ Chat vào dường như là dụng ý của nhà phát triển để vừa liên kết với mạng xã hội Lotus trước đó đồng thời nhấn mạnh đây là nền tảng nhắn tin. Tôi cho rằng điều này không quá cần thiết, vì khiến cái tên bị dài", chị Nguyễn Phương Thảo, nhân viên kế toán tại Hà Nội bày tỏ quan điểm.

"Ít có ứng dụng nhắn tin nào thêm từ Chat vào trong tên. Họ thường dùng tên ngắn gọn. Ví dụ như Zalo, họ có cái tên vần với từ alo, dễ đọc nên phần nào dễ quảng bá được hơn".

Trong thời gian đầu hoàn thiện, Lotus Chat cũng có một vài vấn đề liên quan đến trải nghiệm. Nhà phát triển Lotus Chat tích hợp nhiều tính năng mới độc đáo nhưng chưa tối ưu được thao tác sử dụng.

"Giao diện Lotus Chat đơn giản, người mới dùng không cảm thấy quá khó khăn, có thể quen trong thời gian ngắn, nhưng thời gian đầu, tôi và một số người bạn phải tìm cách xóa những cái tên mặc định trên ứng dụng. Một số tài khoản thậm chí còn có 2 ô chat khác nhau, gây khó khăn khi liên lạc", chị Minh Anh cho biết.

Có chung vấn đề, anh Linh nói: "Lotus Chat có thao tác mượt mà, nhiều sticker hay và ít bị thông báo hay spam làm phiền. Nhưng khi có người mới liên hệ, đoạn chat sẽ bị chuyển sang tab mặc kệ. Ban đầu việc tìm tab này hơi khó".

Người dùng "hiến kế" giúp Lotus Chat

Nhiều người dùng cho rằng thành công của một ứng dụng chat đến từ nhiều yếu tố, ra đời đúng thời điểm là một chuyện nhưng cũng cần có tính năng đủ hay để thu hút người dùng.

"Trước đây tôi dùng Zalo vì tò mò với tính năng Tìm quanh đây hay Telegram sau này là có những kênh hội nhóm. Tôi nghĩ Lotus Chat nếu có một tính năng mang tính cộng đồng tương tự sẽ lôi kéo được người dùng", chị Phương Thảo chia sẻ.

"Nếu có thể, tôi nghĩ Lotus nên có thêm tính năng cập nhật tin tức trên ứng dụng (giống như Báo mới ở Zalo) hoặc giải đáp thắc mắc tự động bằng AI, để người dùng thấy hứng thú hơn", chị Minh Anh chia sẻ.

Ngược lại với quan điểm trên, anh Ngọc Linh, người có công việc trong ngân hàng, yêu cầu kết nối ổn định và tính bảo mật cao, cho biết chỉ cần những ứng dụng đáp ứng tốt hai khía cạnh như vậy là đủ.

"Vì tính chất công việc ngành ngân hàng yêu cầu về bảo mật, nhóm của tôi chỉ dùng Microsoft Teams hoặc Skype, thay vì Zalo. Chúng tôi cũng không dùng Telegram vì hay bị spam làm phiền".

Về Lotus Chat, anh đánh giá cao tính năng convo thuận tiện cho việc chat riêng trong nhóm. Thêm nữa, nền tảng này không có tin nhắn spam làm phiền như Zalo hay Telegram, nhưng chưa hài lòng vì còn thiếu gọi điện video phục vụ cho họp nhóm.

"Tôi không nghĩ Lotus Chat cần phải có một tính năng nào đó hoa mỹ để thu hút người dùng. Với tôi, một ứng dụng chat chỉ cần bảo mật, làm tốt các tính năng cơ bản như gọi điện, nhắn tin là đủ. Những thứ khác chỉ là phụ họa. Vì bản chất sau cùng của mỗi ứng dụng chat vẫn là giao tiếp", anh Linh nêu quan điểm.

Không có ứng dụng chat nào hoàn hảo và xu thế là người dùng sẽ luôn sử dụng song song với các nền tảng khác. Lotus Chat được định hướng ra đời không phải để lấy thị phần mà là tự tạo thị phần cho mục đích sử dụng cụ thể như công việc và bảo mật.

"Tôi không phụ thuộc hoàn toàn vào một app chat nào. Bản thân tôi không ngại dùng thêm một ứng dụng chat mới, miễn nó trám được vào một nhu cầu còn thiếu. Hơn nữa mỗi nhóm người sẽ sử dụng những app chat riêng theo sở thích", anh Linh nói.

"So sánh Lotus Chat hơn hay kém các ứng dụng chat khác thì rất khó. Nhưng nền tảng này đáp ứng được các tính năng cơ bản. Tôi nghĩ Lotus Chat chỉ cần truyền thông tốt hơn".

Xem bản gốc