Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

LPB sắp được các quỹ ETF mua bổ sung gần 20 triệu cổ

Vneconomy 2 Ngày trước

Như VnEconomy đưa tin, theo định kỳ trong tháng 1 này, HoSE sẽ thực hiện đánh giá định kỳ chỉ số VN30 & VNFIN LEAD kỳ đầu năm với những thay đổi về cơ cấu chỉ số. Đồng thời, các chỉ số VNDIAMOND sẽ được cập nhật số liệu và tính toán lại tỷ trọng danh mục cổ phiếu thành phần. Kết quả sẽ được chính thức công bố vào ngày 20/01/2025 và có hiệu lực vào ngày 03/02/2024.

Trong dự báo về các thay đổi rổ chỉ số mới đây, Chứng khoán Rồng Việt cho rằng các dự báo trong kỳ cơ cấu danh mục chỉ số VN30 và VNFINLEAD lần này là dựa trên Quy tắc xây dựng & quản lý Bộ chỉ số HOSE-Index phiên bản 3.1.

Do quy tắc xây dựng và quản lý Bộ chỉ số HOSE-Index phiên bản 4.0 sẽ có hiệu lực và thay thế cho Quy tắc xây dựng và quản lý Bộ chỉ số HOSE-Index phiên bản 3.1 sau 60 ngày kể từ ngày ban hành quyết định (30/12/2024). Quy tắc 4.0 sẽ được áp dụng vào kỳ cơ cấu tiếp theo vào tháng 7 năm 2025.

Với chỉ số VN30, dựa trên số liệu tính toán đến ngày 30/12/2024, VDSC ước tính chỉ số VN30 sẽ thêm mới cổ phiếu LPB và loại ra cổ phiếu POW. 

Cổ phiếu LPB kỳ vọng sẽ được thêm vào danh mục mới. Cổ phiếu LPB đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về tư cách tham gia chỉ số (free float và thanh khoản). Đồng thời khi xếp hạng ưu tiên về giá trị vốn hóa, LPB nằm trong top 20 cổ phiếu có giá trị vốn hóa nổi bật nhất. Theo đó, cổ phiếu LPB dự kiến sẽ chính thức được thêm vào danh mục VN30 trong kỳ cơ cấu lần này.

Cổ phiếu POW có nguy cơ bị loại ra khỏi danh mục. Cổ phiếu POW chính thức được thêm vào rổ VN30 từ kỳ cơ cấu Quý 1/2020. Trong kỳ cơ cấu lần này, mặc dù không vi phạm về các tiêu chí như thanh khoản nhưng khi xếp hạng về giá trị vốn hóa thì POW không nằm trong top 30 doanh nghiệp được ưu tiên về chỉ số này. Do vậy POW vẫn không đáp ứng đủ các tiêu chí nằm trong danh mục chỉ số VN30. Thay vào đó, cổ phiếu này sẽ được nằm trong top 5 cổ phiếu dự bị của rổ VN30.

Hiện nay trên thị trường có 4 quỹ ETF sử dụng chỉ số VN30 làm tham chiếu gồm DCVN30, KIMVN30, MASVN30 và BVFVN30 với tổng tài sản đạt hơn 9.400 tỷ đồng. Quỹ DCVN30 là quỹ có tổng tài sản lớn nhất, đạt khoảng 6.784 tỷ đồng và đã giảm 10,14% so với đầu năm 2024. Trong đó quy mô quỹ bị rút ròng hơn 2.300 tỷ đồng và NAV ghi nhận tăng trưởng 20,7% trong năm 2024.

VDSC ước tính các quỹ đang mô phỏng chỉ số này sẽ mua vào 19,5 triệu cổ phiếu LPB và bán ra 3,2 triệu cổ phiếu POW trong kỳ cơ cấu lần này.

LPB sắp được các quỹ ETF mua bổ sung gần 20 triệu cổ  - Ảnh 1

Giống như rổ VN30, trong kỳ cơ cấu lần này, danh mục chỉ số VNFIN LEAD sẽ được tính toán lại các chỉ số thành phần. Kết quả tính toán đến ngày 31/12/2024, ước tính danh mục chỉ số VNFIN LEAD sẽ không có sự thay đổi về cổ phiếu thành phần mà chỉ có điều chỉnh tỷ trọng danh mục cổ phiếu.

Hiện nay có 1 ETF trên thị trường đang sử dụng chỉ số VNFIN LEAD làm tham chiếu là SSIAM VNFIN LEAD có tổng giá trị tài sản khoảng 482,8 tỷ đồng. So với đầu năm nay, quỹ SSIAM VNFIN LEAD đã bị rút ròng đáng kể với giá trị lên đến khoảng 2.271 tỷ đồng, khiến tổng giá trị tài sản của quỹ đã giảm mạnh -79% mặc dù NAV tăng 19,6% so với đầu năm.

Quỹ sẽ bán ra nhiều nhất 535 nghìn cổ phiếu và mua bổ sung nhiều nhất 779 nghìn cổ phiếu STB. 

LPB sắp được các quỹ ETF mua bổ sung gần 20 triệu cổ  - Ảnh 2

Đối với quy tắc xây dựng và quản lý Bộ chỉ số HOSE-Index phiên bản 4.0, trước đó, ngày 30/12/2024, Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh có ban hành Quy tắc xây dựng và quản lý Bộ chỉ số HOSE-Index phiên bản 4.0 – phiên bản mới nhất hiện nay. Theo đó, quy tắc mới có những điểm cải tiến về yêu cầu chất lượng cổ phiếu và tính độc lập.

Theo đánh giá của VDSC, Bộ quy tắc xây dựng và quản lý Bộ chỉ số HOSE-Index phiên bản 4.0 đã có nhiều cải tiến hơn so với bộ chỉ số phiên bản 3.1 trước đó, chủ yếu tập trung vào chất lượng cổ phiếu và phân bổ danh mục.

Việc nâng cao chất lượng cổ phiếu sẽ được thực hiện thông qua các tiêu chí về thanh khoản và hiệu quả kinh doanh.

Yếu tố thanh khoản: Quy tắc mới sẽ nâng cao ngưỡng sàn cho hai tiêu chí KLGD_KL và GTGD_KL lên gấp ba lần so với trước, cho thấy yêu cầu khắt khe hơn từ các nhà điều hành chỉ số. Hiện tại, cả hai chỉ số này được tính dựa trên trung bình của trung vị 12 tháng gần nhất, vì vậy các doanh nghiệp cần duy trì mức thanh khoản tốt; nếu không, họ có thể bị loại khỏi danh mục xem xét.

Yếu tố hiệu quả kinh doanh: Tiêu chí về LNST–CĐM sau kiểm toán của năm tài chính gần nhất đã được thêm vào quy trình sàng lọc. Điều này nhằm nâng cao chất lượng của các doanh nghiệp được xem xét và đảm bảo rằng doanh nghiệp có khả năng tạo ra lợi nhuận cho nhà đầu tư thông qua hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, bổ sung thêm quy định về giới hạn tỷ trọng vốn hóa cùng ngành để tối ưu hóa phân bổ danh mục chỉ số.

Ngoài quy định giới hạn 15% đối với các doanh nghiệp có liên quan, quy tắc mới còn bổ sung giới hạn 40% cho các doanh nghiệp trong cùng ngành cấp 1 theo phân ngành GICS.

Theo VDSC, nhóm ngành Tài chính thường chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục VN30, với mức vốn hóa dao động từ 50 - 60% tổng danh mục. Do đó, khi quy tắc mới có hiệu lực, ước tính tỷ trọng các cổ phiếu nhóm Tài chính sẽ phải điều chỉnh giảm xuống dưới mức 40%, trong khi tỷ trọng của các ngành khác sẽ được gia tăng để bù đắp cho sự điều chỉnh này.

Xem bản gốc