Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

LPBank đạt 9,952 tỷ đồng lãi trước thuế sau 10 tháng

Vietstock 3 Ngày trước

LPBank đạt 9,952 tỷ đồng lãi trước thuế sau 10 tháng

Đây là kết quả lợi nhuận trước thuế 10 tháng đầu năm được đại diện Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank, HOSE LPB) cập nhật tại ĐHĐCĐ bất thường năm 2024.

Chiều ngày 16/11, LPBank đã tổ chức ĐHĐCĐ bất thường năm 2024 tại Ninh Bình. Đại hội đã thông qua nhiều nội dung quan trọng như phát hành cổ phiếu trả cổ tức, dự kiến đầu tư cổ phiếu thuộc danh mục VN30, bầu bổ sung Thành viên HĐQT và thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính.

Dự kiến vượt mục tiêu lợi nhuận cả năm 2024

Tại buổi thảo luận, khi được cổ đông hỏi về kết quả kinh doanh 10 tháng đầu năm, đại diện LPBank cho biết: “Lợi nhuận trước thuế 10 tháng đạt 9,952 tỷ đồng, thực hiện được 114% kế hoạch lũy kế và 95% kế hoạch cả năm 2024.

LPBank đang trong đà tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ nhờ triển khai quyết liệt đồng thời các hành động nhằm tăng trưởng doanh thu, tối ưu hóa chi phí và kiểm soát rủi ro. Dự kiến đến hết quý 4/2024, LPBank sẽ vượt kế hoạch lũy kế đã được ĐHĐCĐ thường niên 2024 thông qua là 10,500 tỷ đồng lãi trước thuế”.

Bầu bổ sung 2 Thành viên HĐQT độc lập

ĐHĐCĐ bất thường 2024 của LPBank đã thông qua miễn nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT đối với ông Lê Hồng Phong và ông Lê Minh Tâm kể từ ngày 16/11/2024. Trước đó, ông Phong và ông Tâm đã có đơn từ nhiệm vì lý do cá nhân.

Thay vào đó, Đại hội thống nhất bầu bổ sung 2 Thành viên HĐQT độc lập nhiệm kỳ 2023-2028 là bà Vương Thị Huyền (SN 1974) và ông Phạm Phú Khôi (SN 1963) từ ngày 16/11/2024.

Bà Vương Thị Huyền có hơn 28 năm kinh nghiệm trong ngành tài chính - ngân hàng, từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng như: Giám đốc Bộ phận Tài chính Dự án Ngân hàng ANZ Việt Nam; Giám đốc Chi nhánh Hà Nội - Ngân hàng Đầu tư và Doanh nghiệp Credit Agricole; Trưởng phòng Khách hàng Doanh nghiệp nhỏ và vừa - Trụ sở chính Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam; Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp - Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam. Hiện nay, bà đang là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP giải pháp Fast Capital.  

Ông Phạm Phú Khôi có hơn 37 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính tại Việt Nam. Cụ thể, ông từng là PTGĐ điều hành, GĐ Khối Thị trường Tài chính, Trung tâm Quản lý Tài sản Nợ Ngân hàng VPBank, kiêm Chủ tịch Chứng khoán VPBank (VPBS); TGĐ Chứng khoán ACB (ACBS); GĐ điều hành Ngân hàng America Merrill Lynch, Singapore; GĐ khu vực kinh doanh tín dụng thị trường mới nổi, GĐ Ngân hàng Standard Chartered, Singapore tại Việt Nam; quản lý danh mục đầu tư trái phiếu doanh nghiệp châu Á Ngân hàng Barclays Capital Châu Á - Hồng Kông; GĐ khu vực Đông Bắc Á tại Tổng Công ty Hàng Không Việt Nam (Vietnam Airlines)...

Hiện, ông Khôi đang là Chủ tịch HĐQT CTCP Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating); Chủ tịch HĐQT - Thành viên độc lập CTCP Chứng khoán LPBank và cũng là Cố vấn cấp cao Ban điều hành LPBank. 

Chuyển địa điểm đặt trụ sở chính

LPBank được ĐHĐCĐ phê duyệt chuyển địa điểm trụ sở chính từ LPB Tower, số 210 đường Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội sang một địa điểm khác trên lãnh thổ Việt Nam phù hợp với định hướng phát triển Ngân hàng trong ngắn, trung và dài hạn.

Điểm đến mới của Ngân hàng cũng như thời gian thực hiện di dời được ủy quyền cho HĐQT LPBank toàn quyền quyết định.

Theo LPBank, sự dịch chuyển này cũng là xu thế của ngành ngân hàng trong việc xây dựng chiến lược tập trung phát triển đặc biệt là ở vùng nông thôn, đô thị loại 2 góp phần thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển toàn diện, đồng đều trên cả nước, phù hợp với định hướng phát triển trong tương lai của ngân hàng.

Dự kiến tăng vốn lên gần 30,000 tỷ đồng

ĐHĐCĐ cũng thông qua phương án phát hành tối đa gần 429.7 triệu cp để trả cổ tức 2023, tương ứng tỷ lệ thực hiện quyền là 16.8% trên tổng số cổ phiếu đang lưu hành.

Sau khi hoàn tất phát hành cổ phiếu trả cổ tức, vốn điều lệ của LPBank dự kiến tăng thêm gần 4,297 tỷ đồng, từ hơn 25,576 tỷ đồng lên gần 29,873 tỷ đồng.

Phương án tăng vốn này có sự điều chỉnh so với kế hoạch ban đầu được ĐHĐCĐ thường niên 2024 thông qua ngày 17/04/2024.

Theo đó, cổ đông LPBank đã thông qua việc tăng vốn thêm tối đa 8,000 tỷ đồng, bằng cách chào bán thêm 800 triệu cp cho cổ đông hiện hữu (sau khi được NHNN và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận) với giá 10,000 đồng/cp, tương ứng tỷ lệ phát hành 31.3%. Sau khi hoàn tất chào bán, vốn điều lệ LPBank dự kiến tăng từ 25,576 tỷ đồng lên 33,576 tỷ đồng.

Tuy nhiên, căn cứ tình hình thị trường và định hướng phát triển của LPBank nhằm đảm bảo lợi ích của cổ đông và LPBank, HĐQT Ngân hàng trình ĐHĐCĐ thông qua việc điều chỉnh phương án tăng vốn điều lệ năm 2024 bằng phát hành cổ phiếu để trả cổ tức thay vì tăng vốn điều lệ theo hình thức chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Muốn trở thành cổ đông lớn của FPT

Nội dung cuối cùng được ĐHĐCĐ LPBank thông qua là phương án góp vốn, mua cổ phần của CTCP FPT.

Theo phương án, LPBank dự kiến đầu tư tối đa 5% vốn điều lệ FPT. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2024 và 2025 và/hoặc thời điểm phù hợp sau khi có chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, quy định của pháp luật và tình hình thực tế.

Nêu lý do đầu tư cổ phiếu FPT, HĐQT LPBank cho biết việc đầu tư vào cổ phiếu niêm yết sẽ giúp Ngân hàng đa dạng hóa kênh đầu tư và tối ưu hóa vốn góp của cổ đông. Qua đánh giá, cổ phiếu FPT có tiềm năng mang lại tỷ suất sinh lời hấp dẫn và có thể góp phần đa dạng hóa danh mục tài sản của LPBank.

Chiếu theo giá cổ phiếu FPT đang được giao dịch phiên 18/11 là 133,700 đồng/cp, tăng hơn 62% so với đầu năm 2024, ước tính LPBank cần chi hơn 9,800 tỷ đồng để trở thành cổ đông lớn FPT với tỷ lệ sở hữu tối đa 5% (khoảng hơn 73 triệu cp FPT).

Cập nhật đến ngày 30/06/2024, FPT có 2 cổ đông lớn là Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sở hữu 5.75% vốn và ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT FPT nắm 6.99% vốn.

Khang Di

FILI

Xem bản gốc