Xã Hải Đường (huyện Hải Hậu) nổi tiếng là nơi trồng cau nhiều nhất tỉnh Nam Định. Hiện toàn xã Hải Đường có 100 ha cau. Hầu như gia đình nào cũng trồng ít thì vài chục cây, nhiều thì lên đến cả nghìn cây. Từ đầu ngõ đến sau nhà, cau xuất hiện ở mọi khoảng đất trống.
Gia đình nhà bà Nguyễn Thị Thoi (Xóm 6, xã Hải Đường) cũng không ngoại lệ, năm trước bà chỉ trồng 100 cây cau, do được giá nên năm nay bà đã mở rộng trồng thêm thành 120 cây.
Bà Thoi cho biết: “Rất vui và phấn khởi khi cau tại xã Hải Đường hiện có giá cao, khoảng 90.000 đồng/kg và bán rất dễ. Bà chỉ cần hái xuống là có đầu mối, lò sấy đến tận nhà để thu mua ngay. Nhờ nghề trồng cau, những năm qua nhà bà có thể nuôi được 2 người con đi học đại học”.
Còn bà Lê Thị Phương (Xóm 6, xã Hải Đường) chia sẻ: “Nhà bà có khoảng 70 - 80 cây cau, năm sau sẽ mở rộng để tăng nguồn thu. Năm nay, năng suất cau thấp. Nhiều cây, nhiều buồng ít quả, không có quả. Nhưng đổi lại, năm nay có giá cao, cao hơn rất nhiều so với những năm trước (40.000 - 50.000 đồng/kg) nên tôi rất vui”.
Cũng tại xã Hải Đường, chị Nguyễn Thị Hương chia sẻ: “Hiện cau tại xã Hải Đường đang có giá rất cao, khoảng 80.000 - 92.000 đồng/kg. Tuy nhiên, năng suất cau năm nay lại khá thấp so với mọi năm. Nhiều buồng cau ra ít trái, trái hư, xấu nên thiệt hại nhiều. Đổi lại, việc bán cau tại Hải Đường lại dễ, chưa hái họ đã đặt trước, vừa hái xuống là các lò sấy đến tận nơi mua. Thế nên, người từ bên ngoài đến khó mà mua được cau tại Hải Đường”.
Trước đây, người dân xã Hải Đường trồng cau chỉ để ăn và làm xanh mát không gian làng xã. Nhưng với điều kiện thổ nhưỡng thích hợp nên cây cau phát triển tốt, cho quả sai, dáng đẹp, ngọt mềm, đậm vị. Vì thế, cau Hải Đường nhanh chóng trở nên nổi tiếng ở khu vực phía bắc.
Giá trị kinh tế của cây cau cũng vì thế mà đạt hiệu quả cao hơn các cây trồng khác, dần trở thành cây trồng chủ lực ở địa phương. Khoảng 20 năm trở lại đây thì nghề trồng cau thương mại ở Hải Đường phát triển mạnh mẽ. Diện tích trồng cau tăng lên đáng kể, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho hàng nghìn hộ gia đình.
Nhiều gia đình đã mạnh dạn đầu tư lò sấy cau, sau đó bán cau khô cho thương lái Trung Quốc. Đến nay, cả xã Hải Đường có trên 20 lò sấy cau tươi, với công suất khoảng 10 tấn/lò/mẻ, một số lò đã áp dụng công nghệ sấy hơi.
Nghề trồng cau và chế biến cau xuất khẩu ở Hải Đường nói riêng và các địa phương khác nói chung, đang trên đà phát triển nhưng cũng đứng trước không ít khó khăn. Đó là thị trường xuất khẩu chưa ổn định, sản phẩm cau sấy chỉ xuất khẩu tiểu ngạch, nên giá sản lượng tiêu thụ lệ thuộc lớn vào thương lái nước ngoài, dẫn đến thị trường và giá bấp bênh, dễ bị ép giá.
Điển hình tại tỉnh Quảng Ngãi và một số tỉnh tại miền Trung, giá cau tăng cao lên đến 80.000 đồng/kg - 90.000 đồng/kg. Khi người nông dân vui mừng vì giá cau tăng cao đúng thời điểm thu hoạch rộ thì thương lái thông báo dừng thu mua. Điều này khiến không ít chủ vườn cau lo lắng.
Giá cau tươi ở Hải Đường cũng bị biến động theo từng năm, có năm thì giá bán rất cao, nhưng có năm thì giá tụt đáy, chỉ còn dưới 20.000 đồng/kg cau tươi. Tuy vậy năm nay thì do xã có nhiều lò sấy, đảm bảo đầu ra nên giá cau tại đây vẫn ổn định ở mức cao.
Vị trí xã Hải Đường, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.