Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Marriott đang có kế hoạch gì tại Việt Nam? (Kỳ 2)

Vietstock 2 Tuần trước

Marriott đang có kế hoạch gì tại Việt Nam? (Kỳ 2)

Kế hoạch của Marriott cho thấy gã khổng lồ khách sạn đang tiếp tục quá trình mở rộng, đặc biệt ở châu Á, trong đó có Việt Nam; hướng đến duy trì vị thế dẫn đầu mảng khách sạn, nghỉ dưỡng trên toàn cầu.

* Giành quyền vận hành khách sạn nổi tiếng ở Sài Gòn, Marriott đang kinh doanh ra sao? (Kỳ 1)

Mục tiêu 1.8 triệu phòng đến cuối năm 2025

Bước qua quý 2/2024 khả quan, lãnh đạo Marriott vẫn dự báo RevPAR (Revenue per Available Room - doanh thu trên mỗi phòng khả dụng) sẽ thu hẹp phạm vi tăng trưởng cho cả năm 2024, chủ yếu kém lạc quan tại thị trường Trung Quốc, cùng với kỳ vọng giảm nhẹ tại Mỹ và Canada do ảnh hưởng từ bầu cử Tổng thống Mỹ.

Giám đốc tài chính Leeny Oberg nhận định doanh thu phí trong quý 3 sẽ tăng khoảng 6-8% và cả năm tăng 6-7%. RevPAR toàn cầu quý 3 cũng như cả năm sẽ tăng 3-4% so với cùng kỳ. Số phòng ròng cả năm dự kiến tăng 5.5-6%. Doanh thu từ phí quý 3 dự kiến từ 1.27-1.29 tỷ USD. Cả năm theo đó đạt hơn 5 tỷ USD

Trong cuộc gặp gỡ các nhà phân tích chứng khoán vào tháng 9/2023, lãnh đạo Tập đoàn cho hay đang ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng số lượng phòng khách sạn trên toàn cầu trong dài hạn. Marriott đặc biệt chú trọng vào các sản phẩm cao cấp và du lịch nghỉ dưỡng. Các thương vụ chuyển đổi thương hiệu, đặc biệt là chuyển đổi nhiều khách sạn cùng lúc, cũng là một phần quan trọng trong chiến lược tăng trưởng tổng thể của Marriott.

Tập đoàn có kế hoạch tăng thêm từ 230,000-270,000 phòng trong 3 năm tới, qua đó mở rộng danh mục khách sạn toàn cầu lên 1.8 triệu phòng đến cuối năm 2025 và tiếp tục dẫn đầu ngành. Tỷ lệ tăng trưởng trung bình số phòng ước đạt từ 5-5.5%/năm. Mô hình của Marriott dự báo RevPAR toàn cầu tăng bình quân 3-6%/năm trong giai đoạn 2023-2025.

Theo kịch bản đưa ra, tổng doanh thu từ phí sẽ chạm mốc khoảng từ 5.4-5.8 tỷ USD vào năm 2025, tương đương tăng trung bình 6.5-9.5%/năm giai đoạn 2024-2025. Tỷ trọng đóng góp phí thu từ Mỹ và Canada khả năng sẽ giảm từ 59% xuống 54%; đổi lại, khu vực quốc tế tăng từ 22% lên 27% nhờ “bành trướng” sang APEC và Trung Quốc.

Dự báo cơ cấu khách sạn của Marriott theo khu vực đến năm 2025 với tỷ lệ tăng trưởng trung bình từ 5-5.5%/năm. APEC: châu Á - Thái Bình Dương; GC: Trung Quốc; EMEA: châu Âu, Trung Đông và châu Phi; CALA: Caribe và Mỹ Latinh. Nguồn: Marriott

Thống kê số lượng phòng của Marriott từ năm 2016 và dự báo đến năm 2025 (Đvt: phòng)

Nguồn: Người viết tổng hợp

Kế hoạch mở rộng chưa từng có tại Việt Nam

Sau khi chuyển đổi thương hiệu từ InterContinental (của đối thủ Tập đoàn khách sạn IHG) sang JW Marriott Hotel & Suites Sài Gòn, Marriott giờ đây quản lý một trong những khách sạn có vị trí đắc địa bậc nhất TPHCM; đồng thời đưa lượng khách sạn, khu nghỉ dưỡng đang vận hành tại Việt Nam lên con số 24.

Tháng 10 năm ngoái, Marriott công bố ký kết thỏa thuận với Bitexco và Sun Group trong việc mở ba khu nghỉ dưỡng cao cấp mới và khách sạn JW Marriott thứ ba của Việt Nam tại Tràng An.

"Việt Nam là thị trường đang phát triển cho du lịch sang trọng, với nhu cầu ngày càng tăng từ cả khu vực quốc tế và trong nước”, ông Rajeev Menon, Chủ tịch phụ trách khu vực APEC, chia sẻ tại buổi lễ ký kết và cho biết, những bản hợp đồng này nhấn mạnh cam kết của Marriott đối với tương lai ngành khách sạn tại Việt Nam.

Giữa năm ngoái, lãnh đạo Công ty dùng từ “chiến thắng” để nói về thỏa thuận chuyển đổi thêm 7 khách sạn và khu nghỉ dưỡng với Vinpearl, nâng tổng số khách sạn hợp tác chuyển đổi với đơn vị phát triển bất động sản du lịch của Việt Nam lên con số 15 trong giai đoạn 2022-2023. Trong đó, 9 khách sạn, khu nghỉ dưỡng đã hoàn tất; dự kiến mở mới 2 địa điểm vào năm 2025, gồm Sheraton Vinh và Four Points by Sheraton Hà Giang; 4 dự án khác với hơn 1,200 phòng sẽ đưa vào sử dụng trong năm 2028, bao gồm Marriott Bắc Ninh.

Phối cảnh JW Marriott Tràng An Resort & Spa. Nguồn: Marriott

Theo CEO Anthony Capuano, hoạt động chuyển đổi là một phần quan trọng trong câu chuyện tăng trưởng của Tập đoàn, nhất là giữa bối cảnh thị trường vay nợ để xây dựng mới có phần hạn chế. “Tại một số nước APEC, vốn dĩ có những công trình xây dựng mới không cân xứng trước đây, chúng tôi đang thấy một số hoạt động chuyển đổi tăng lên. Việc theo đuổi các cơ hội chuyển đổi là khá thận trọng và nó dẫn đến các giao dịch như giao dịch mà tôi đã đề cập trước đó ở Việt Nam”, ông cho hay.

Bên cạnh khách sạn và khu nghỉ dưỡng, Marriott cũng “gắn” các thương hiệu nổi tiếng của mình vào phân khúc căn hộ, có thể kể đến The Ritz-Carlton Residences, Hà Nội; Marriott Residences Grand Marina, TPHCM; JW Marriott Residences Grand Marina Saigon; The Residences at Arbora, a Luxury Collection Resort & Spa, Quảng Nam, Đà Nẵng.

Khu vực APEC là một trong những khu vực phát triển nhanh nhất thế giới về nhà ở hàng hiệu, một phần nhờ sự tăng trưởng đáng kể ở Việt Nam, nơi Công ty dự kiến sẽ mở một số căn hộ mang thương hiệu Marriott trong 4 năm tới”, Công ty nêu trong một báo cáo tháng 4/2022. Khi đó, chỉ với 10 khách sạn và khu nghỉ dưỡng, Tập đoàn đã công bố kế hoạch tăng gấp 4 lần danh mục đầu tư tại Việt Nam với các thỏa thuận ký kết lên gần 40 khách sạn, dự kiến sẽ bổ sung gần 9,000 phòng.

Trong chuyến thăm và gặp gỡ Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng 10/2023, CEO Marriott tiếp tục đánh giá cao tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch của Việt Nam. Ông cho biết Marriott sẽ mở thêm 20 khách sạn, khu nghỉ dưỡng tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Phú Quốc…

* Chuỗi khách sạn lớn nhất thế giới Marriott dự kiến mở thêm 20 khách sạn, khu nghỉ dưỡng tại Việt Nam

Tử Kính

FILI

Xem bản gốc