Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Mía đường Tây Nam bị thu hồi đất khi chờ phá sản, nhà máy đường Phụng Hiệp thêm niên vụ đóng cửa

Vietstock 1 Tháng trước

Mía đường Tây Nam bị thu hồi đất khi chờ phá sản, nhà máy đường Phụng Hiệp thêm niên vụ đóng cửa

Theo báo cáo ngày 10/10/2024 của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Kiên Giang gửi Bộ TN&MT, UBND tỉnh Kiên Giang, CTCP Mía đường Tây Nam - vốn điều lệ 80 tỷ đồng đang chờ làm thủ tục phá sản - thuộc trường hợp đang vi phạm pháp luật đất đai.

Trên cơ sở rà soát kết quả thanh tra, Sở TN&MT tỉnh Kiên Giang đã quyết định thu hồi đất với diện tích Nhà nước cho thuê từ CTCP Mía đường Tây Nam. Thời điểm xử lý năm 2022.

Cụ thể, thu hồi diện tích đất 55,094.4m2 ở xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng, trước đó đã cho Công ty Mía đường Tây Nam thuê quản lý, sử dụng. Lý do thu hồi đất vì Công ty nợ tiền thuê đất năm 2020 gần 129 triệu đồng và để 12 hộ gia đình lấn đất (838.5m2); đồng thời không còn nhu cầu sử dụng. Thời điểm vi phạm năm 2021.

Năm 2023, UBND tỉnh Cà Mau đã quyết định thu hồi 2 khu đất gồm 66,444m2 và 2,356m2 ở xã Trí Phải, huyện Thới Bình, trước đó đã cấp cho Công ty Mía đường Tây Nam thuê quản lý, sử dụng. Lý do thu hồi là do đơn vị này sử dụng đất vi phạm pháp luật và không còn nhu cầu sử dụng.

Trước khi có quyết định thu hồi đất, Sở TN&MT tỉnh Cà Mau cũng công bố kết luận thanh tra về việc chấp hành pháp luật đất đai của Công ty Mía đường Tây Nam khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng Nhà máy đường Thới Bình.

Nhà máy đường Thới Bình là một doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBND tỉnh Cà Mau. Nhà máy được thành lập vào năm 1995, là một trong những doanh nghiệp lớn được đầu tư trang thiết bị hiên đại đầu tiên của tỉnh.

Đến tháng 10/2009, nhà máy chuyển sang CTCP và đổi tên thành CTCP Mía đường Cà Mau. Năm 2010, Công ty Mía đường Cà Mau và CTCP Mía đường Kiên Giang được sáp nhập và đổi tên thành CTCP Mía đường Tây Nam, trụ sở tại ấp 1, xã Trí Phải, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau với ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất đường, phân bón vi sinh, các sản phẩm sau đường, sản xuất kinh doanh mía và nông sản.

Đến tháng 12/2017, do gặp nhiều khó khăn về nguồn nguyên liệu và tiêu thụ, Công ty mía đường Tây Nam đã phải ngưng hoạt động sản xuất, kinh doanh, tháo dỡ nhà xưởng, bán thanh lý máy móc, thiết bị trả nợ và chi trả trợ cấp cho người lao động. Công ty cũng đã gửi đơn đến TAND tỉnh Cà Mau yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Hiện, CTCP Mía đường Cần Thơ (Casuco) là công ty mẹ trực tiếp sở hữu 98.03% vốn Công ty Mía đường Tây Nam. Casuco cho biết đã trích lập dự phòng toàn bộ giá trị vốn đầu tư vào công ty con là hơn 78.4 tỷ đồng và toàn bộ nợ phải thu tại đơn vị này hơn 30.5 tỷ đồng.

Ngoài góp vốn vào Công ty Mía đường Tây Nam, Casuco cũng góp vốn vào CTCP Mía đường Sóc Trăng với giá gốc hơn 31 tỷ đồng, tương đương 38.78% vốn. Công ty cũng góp 202 triệu đồng (tỷ lệ 0.05%) vào Tổng Công ty Mía đường số 1.

Nhà máy đường lớn nhất miền Tây tiếp tục đóng cửa

Điểm qua tình hình kinh doanh, niên độ 2023-2024 (từ 01/07/2023-30/06/2024), Casuco ghi nhận doanh thu chỉ 7.7 tỷ đồng, bốc hơi 92% so với cùng kỳ. Công ty lỗ ròng gần 33 tỷ đồng, tăng so với niên độ trước lỗ 26 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế tại ngày 30/06/2024 lên gần 59 tỷ đồng.

Vào tháng 9/2024, HĐQT Casuco đã thông qua quyết định tạm dừng hoạt động nhà máy đường Phụng Hiệp, nhà máy lớn nhất miền Tây, trong niên vụ 2024-2025. Đây là năm thứ hai liên tiếp mà nhà máy này phải đóng cửa.

Công ty cho biết đã thực hiện triển khai chính sách đầu tư vụ 2024-2025 để cơ cấu lại vùng nguyên liệu nhằm đưa nhà máy hoạt động trở lại, nhưng diện tích mía ký hợp đồng nguyên liệu vẫn không đạt mục tiêu.

Trước đó, tháng 10/2023, Casuco phải tạm dừng hoạt động nhà máy đường Phụng Hiệp ngay trong vụ ép 2023-2024.

Theo tài liệu trình ĐHĐCĐ, Công ty đã đưa ra hai phương án sản xuất cho nhà máy đường Phụng Hiệp trong niên vụ 2023-2024, gồm phương án 1 là tiếp tục sản xuất nhưng chấp nhận lãi, lỗ theo diễn biến thực tế và phương án 2 là tạm dừng hoạt động.

Báo cáo của Casuco cho thấy, niên vụ 2022-2023, nhà máy đường Phụng Hiệp chỉ ép được 14,516 tấn mía, thấp hơn rất nhiều so với kế hoạch ban đầu 80,000 tấn. Đồng thời, kết quả hoạt động lỗ trên 21.3 tỷ đồng, trong khi kế hoạch đề ra là lãi 2 tỷ đồng.

Thế Mạnh

FILI

Xem bản gốc