Bà Trịnh Huỳnh Mai, Phó Giám đốc, Bộ phận cho thuê thương mại, Savills Hà Nội, nhận định doanh nghiệp hiện nay có nhiều lựa chọn mặt bằng bán lẻ, từ trung tâm thương mại, khối đế bán lẻ, trung tâm bách hóa đến shophouse (nhà phố). Trong đó, trung tâm mua sắm vẫn là mô hình chiếm ưu thế. Ví dụ tại thị trường Hà Nội, tính đến quý 3/2024, trung tâm mua sắm chiếm 63% tỷ trọng nguồn cung.
Lý giải nguyên nhân, bà Trịnh Huỳnh Mai cho biết yếu tố quan trọng giúp trung tâm thương mại trở thành lựa chọn hàng đầu của khách thuê là vị trí đắc địa, với khả năng kết nối thuận tiện tới các khu dân cư, văn phòng và tiện ích trong dự án cũng như tại những khu vực lân cận. Chính vị trí tại khu vực đông dân đã tạo ra nguồn khách hàng tiềm năng cho các thương hiệu.
Mặt khác, so với những mặt bằng bán lẻ khác, điều quyết định sự thành công của trung tâm thương mại còn là chiến lược sắp xếp phân khu khách thuê hợp lý, tạo sự hài hòa giữa các ngành hàng. Mô hình khách thuê của một trung tâm thương mại lớn được thiết kế nhằm mang đến trải nghiệm “all-in-one”.
Cụ thể, khách thuê chính như siêu thị, rạp chiếu phim hoặc những thương hiệu nổi tiếng đóng vai trò thu hút lượng lớn khách ghé thăm. Còn thương hiệu thời trang, mỹ phẩm và phụ kiện giúp đa dạng hóa lựa chọn mua sắm, đáp ứng sở thích của từng khách hàng. Trong khi đó, khu vực ẩm thực (F&B) với nhà hàng, quán cà phê và chuỗi đồ ăn nhanh không chỉ phục vụ nhu cầu ăn uống mà còn tạo không gian thư giãn cho gia đình cùng bạn bè…
“Với sự kết hợp hài hòa giữa mua sắm, ẩm thực và giải trí, trung tâm thương mại trở thành điểm đến toàn diện, nơi khách hàng có thể tận hưởng mọi dịch vụ trong một không gian tiện nghi và hiện đại”, đại diện Savills nhận định.
Đánh giá triển vọng của phân khúc này, Công ty Euromonitor International chuyên nghiên cứu thị trường tại Anh nhận định Việt Nam là một trong những thị trường F&B hấp dẫn nhất trên toàn cầu. Mô hình “all-in-one” tại trung tâm thương mại đang tạo sự tiện lợi cho các thương hiệu F&B tiếp cận khách hàng mua sắm. Sau khi khách hàng đã “thấm mệt” với hoạt động mua sắm và vui chơi, các thương hiệu ẩm thực đến từ nhiều quốc gia khác nhau, đa dạng sự lựa chọn từ thức ăn nhanh đến nhà hàng sang trọng, trở thành điểm đến lý tưởng cho họ. Nhờ lợi thế này, mô hình trung tâm thương mại tiếp tục là lựa chọn ưu tiên của những thương hiệu F&B.
Mặt khác, mỹ phẩm – đặc biệt ở phân khúc cao cấp cũng là ngành hàng có tiềm năng mở rộng tại trung tâm thương mại. EuroMonitor International cho rằng quy mô thị trường mỹ phẩm tại Việt Nam ngày càng lớn, với tốc độ tăng trưởng trung bình 6%/năm.
Dự báo đến năm 2026, tổng doanh thu của ngành sẽ đạt khoảng 3,5 tỷ USD. Hơn nữa, trung tâm thương mại còn có tiềm năng tiếp tục chào đón các thương hiệu xa xỉ có nhu cầu hiện diện hoặc mở rộng tại Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam là khu vực ghi nhận tốc độ tăng số triệu phú nhanh nhất thế giới, tới 98% trong giai đoạn 2013-2023. Số liệu từ báo cáo của Statista cho biết đến năm 2030, dân số thuộc tầng lớp trung lưu tại Việt Nam sẽ vượt mốc 50 triệu người.
“Sự tăng trưởng mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu và nhóm khách hàng trẻ cận giàu trong nước càng thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng sản phẩm xa xỉ, sẽ giúp Việt Nam trở thành một thị trường tiềm năng cho các thương hiệu hàng hiệu”, bà Mai đánh giá.
Cũng theo chuyên gia này, khoảng 10-15 năm trước, phần lớn người tiêu dùng cao cấp tại Việt Nam có xu hướng mua sắm hàng hiệu khi du lịch nước ngoài. Nhưng hiện nay, họ ngày càng ưa chuộng việc trải nghiệm và sở hữu sản phẩm cao cấp ngay trong nước. Chính xu hướng đó đã tạo cơ hội hấp dẫn cho các nhà bán lẻ đang muốn khai thác tiềm năng của thị trường trung tâm thương mại.