Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Mối quan hệ nguội lạnh giữa Apple và Nvidia: Rạn nứt từ 16 năm trước, bất hòa bắt nguồn từ lãnh đạo cấp cao

Markettimes 2 Tuần trước

Apple đang tăng cường nghiên cứu chip AI, phần vì muốn chấm dứt hoàn toàn mối quan hệ căng thẳng kéo dài hàng chục năm với Nvidia. Một con chip có tên Baltra dự kiến sẽ phát hành vào năm 2026, ra đời từ màn hợp tác giữa Apple và Broadcom, do TSMC sản xuất và sử dụng quy trình N3P. 

Apple đang muốn giảm phụ thuộc vào bên thứ 3, trong đó có Nvidia, giữa lúc nhà sản xuất iPhone vẫn phải hợp tác để vận hành nhiều tính năng của Apple Intelligence. Trước đó, hồi tháng 11/2020, Táo khuyết cũng công bố chip M1, bước đột phá đầu tiên trong việc tự thiết kế bộ xử lý cho máy Mac. Động thái đặt dấu chấm hết cho mối quan hệ hợp tác giữa Apple và Intel - nhà cung cấp CPU cho máy tính trước đó.

Theo Technology Magazine, Nvidia kiểm soát phần lớn thị phần chip AI. Apple trước đây không trực tiếp mua chip của Nvidia, song thuê quyền truy cập từ các dịch vụ điện toán đám mây do Amazon và Microsoft vận hành. Hai bên bắt đầu hợp tác từ những năm 2000, khi Apple ứng dụng chip đồ họa (GPU) của Nvidia cho máy Mac.

Tuy nhiên, căng thẳng bắt đầu phát sinh ngay sau đó. Trong một cuộc họp với giám đốc cấp cao của Nvidia, đồng sáng lập Steve Jobs cáo buộc sản phẩm của đối tác chứa công nghệ sao chép từ Pixar. Phía Nvidia cũng coi Apple là một khách hàng quá đòi hỏi.

Một số cựu nhân viên Apple thừa nhận rất khó làm việc với Nvidia. GPU tiêu tốn năng lượng và tỏa nhiều nhiệt, vốn không phù hợp với laptop, song phía Nvidia lại từ chối chế tạo dòng chip riêng theo yêu cầu của Apple.

Căng thẳng gia tăng vào năm 2008 khi GPU do Nvidia thiết kế gặp lỗi nghiêm trọng và khiến máy tính Apple chịu ảnh hưởng nặng nề. Sự cố đã thúc đẩy Apple chuyển sang sử dụng chip AMD và cuối cùng là tự phát triển chip bán dẫn riêng.

Vào tháng 7 năm 2008, Nvidia công khai thừa nhận một số bộ xử lý đồ họa của họ có khả năng cao bị lỗi, đổ thừa nguyên nhân do quá trình đóng gói và khẳng định các sản phẩm của Apple không hề hấn gì. Tuy nhiên, Apple đã mở một cuộc điều tra và xác định rằng MacBook của họ có chịu ảnh hưởng.

Đầu những năm 2010, Nvidia nghi ngờ Apple, Samsung và Qualcomm sử dụng công nghệ do họ sáng chế để dựng đồ họa trên smartphone. Nvidia sau đó yêu cầu các công ty này phải trả phí cấp phép bản quyền.

Năm 2019, Apple ngừng hợp tác với Nvidia trong phát triển driver cho MacOS Mojave, cắt đứt hầu hết hỗ trợ card đồ họa. Bất hòa được đánh giá bắt nguồn từ các lãnh đạo cấp cao, trong khi nhân viên hai bên vẫn sẵn sàng hợp tác với nhau. 

Một số khách hàng của Apple khi đó đã tức giận và kêu gọi một chiến dịch phản đối tập thể trên mạng xã hội với hashtag #unblockNVIDIA. Họ cùng nhau ký chung vào một đơn kêu gọi Apple mở cửa cho các sản phẩm của Nvidia song vô ích. 

Được biết, Táo khuyết từng phải thiết kế riêng chip ASIC để nâng cao hiệu suất và hiệu quả của sản phẩm. Ví dụ điển hình nhất có thể kể đến dòng chip A cho iPhone, iPad và chip M của Mac. Việc tự sản xuất ASIC này cho phép Apple tùy chỉnh phần cứng theo nhu cầu phần mềm, mang lại hiệu suất được tối ưu hóa và tích hợp liền mạch trên các thiết bị và nền tảng của mình.

Trước đó, hồi tháng 6, định giá Nvidia vượt Apple. Công ty sản xuất chip đạt mốc 3 nghìn tỷ USD sau 3 thập kỷ kể từ khi ra mắt vào năm 1993, trong khi đó, Apple mất gần 5 thập kỷ để đạt mức định giá tương tự.

Theo: The Information, tổng hợp

Xem bản gốc