Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Moldova công bố tình trạng khẩn cấp vì lo bị cắt khí đốt Nga

Vneconomy 1 Tháng trước

Quốc hội Moldova ngày 13/12 phê chuẩn tình trạng khẩn cấp kéo dài 60 ngày vì mối lo ngại về sự an toàn của người dân nước này trước khả năng dòng chảy khí đốt từ Nga tới nước này có thể sắp rơi vào tình trạng gián đoạn.

Khí đốt của Nga được vận chuyển bằng đường ống tới Moldova, một quốc gia không giáp biển nằm ở góc Đông Bắc khu vực Balkan của châu Âu, thông qua nước láng giềng Ukraine. Tuy nhiên, thỏa thuận vận chuyển khí đốt giữa hai công ty quốc doanh Gazprom của Nga và Naftogaz của Ukraine sẽ hết hạn vào ngày 31/12 và phía Kiev đã nhiều lần cho biết họ không có ý định gia hạn hợp đồng.

Có tất cả 56 nghị sỹ trong Quốc hội 101 ghế của Moldova đã bỏ phiếu ủng hộ tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc. Chính phủ nước này cho biết sẽ cho phép áp dụng một loạt biện pháp nhằm ngăn chặn và giảm thiểu mối đe dọa thiếu nguồn cung năng lượng.

Theo một thông cáo báo chí từ quốc hội Moldova, việc gián đoạn cung cấp khí đốt Nga cho khu vực Transnistrian của Moldova có thể tạo ra “một cuộc khủng hoảng nhân đạo” cũng như “những rủi ro đối với hoạt động và sự ổn định” của ngành năng lượng nước này.

Thủ tướng Dorin Recean của Moldova tuyên bố mùa đông năm 2024 phải là mùa đông cuối cùng trong lịch sử nước này phải chịu cảnh “bị bắt làm con tin” vì nguồn cung năng lượng. Ông nói cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội Moldova là nhằm chấm dứt “sự tống tiền bằng khí đốt” của Moscow.

Việc công bố tình trạng khẩn cấp cho phép Chính phủ Moldova đưa ra các phản ứng nhanh và hạn chế việc xuất khẩu năng lượng. Nước này được cung cấp khoảng 2 tỷ mét khối khí đốt từ Nga mỗi năm.

 Reuters. Một cơ sở khí đốt của Moldova - Ảnh: Reuters.

Cuộc chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra vào đầu năm 2022 đã kéo theo hệ lụy là nguồn cung khí đốt Nga cung cấp cho châu Âu giảm mạnh xuống mức thấp lịch sử, dẫn tới một khuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu trong các năm 2022-2023.

Sau đó, châu Âu đã xoay sở để “cai” khí đốt Nga bằng cách tăng cường nhập khẩu khí đốt hóa lỏng (LNG) từ các nhà cung cấp ở xa như Mỹ và vùng Vịnh.

Mùa hè năm 2022, giá khí đốt giao sau trên sàn TTF ở Hà Lan - giá tham chiếu của thị trường khí đốt châu Âu - lên gần 350 euro/MWh. Hiện nay, giá khí đốt này đã giảm về vùng hơn 40 euro/MWh.

Nga vẫn tuyên bố sẵn sàng cung cấp khí đốt cho châu Âu thông qua hệ thống đường ống đi qua Ukraine, nhưng chiến sự căng thẳng giữa hai bên khiến nguồn cung khí đốt từ Nga sang châu Âu trở nên bấp bênh.

Ngày thứ Sáu, Nga đã tiến hành một cuộc không kích lớn nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết Moscow đã sử dụng 93 tên lửa và gần 200 máy bay không người lái trong cuộc tấn công này.

Các nhà phân tích tại ngân hàng ING của Hà Lan cho rằng nếu Nga ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu thông qua Ukraine, điều đó sẽ có nghĩa là Liên minh châu Âu (EU) sẽ mất đi nguồn cung khoảng 15 tỷ mét khối khí đốt hàng năm, tương đương khoảng 5% tổng lượng nhập khẩu khi đốt của khu vực.

Ông Warren Patterson, người đứng đầu chiến lược hàng hóa tại ING, nhận định trong một báo cáo: “Mặc dù đã có một số nỗ lực nhằm cố gắng duy trì dòng chảy khí đốt thông qua một thỏa thuận hoán đổi tiềm năng với Azerbaijan, nhưng có vẻ như những dòng chảy này sẽ dừng lại và chúng tôi tin rằng điều này sẽ được phản ánh vào giá khí đốt trên thị trường”.

“Nhưng nếu dòng chảy khí đốt này duy trì, giá khí đốt có thể giảm mạnh trở lại vì thị trường châu Âu sẽ được cung cấp khí đốt đầy đủ hơn nhiều so với mong đợi”, ông Patterson nói thêm.

Xem bản gốc