Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Một đêm ở chợ “âm phủ” Tha La

Báo Dân tộc & Phát triển 1 Tuần trước
Mua bán cá đồng ở "chợ ma" Tha LaMua bán cá đồng ở "chợ ma" Tha La

Người mua kẻ bán chẳng nhìn rõ mặt nhau

Hàng năm, từ khoảng tháng 7 đến cuối tháng 10 âm lịch, miền Tây lại bước vào mùa nước nổi, mang theo đó là phù sa cùng biết bao sản vật tự nhiên, đó cũng là thời điểm “chợ ma” Tha La - chợ cá đồng, cá sông lớn nhất trong mùa nước nổi ở đầu nguồn biên giới ở An Giang trở nên nhộn nhịp.

Chợ nằm trên đoạn đường Cây Châm dài khoảng 50m dưới chân cầu Tha La. Khoảng 3h sáng là lúc chợ Tha La bắt đầu nhóm họp, dân “vạn chài” sau một đêm thả lưới bắt cá tôm sẽ đem đến đây để bán. 

Trong màn đêm, những tiếng xuồng máy lạch tạch từ đồng xa hướng về bến chợ, các tiểu thương xúm lại, hỏi chủ xuồng khuya nay bắt được những loại cá nào. 

Không giống các khu chợ khác, người bán và người mua ở chợ Tha La thường tự chuẩn bị đèn pin để soi hàng. Trong tư thế ngồi xổm, người mua dùng đèn rọi để lựa phần cá, lươn cần mua, sau đó cân từng loại, trả tiền cho ngư dân. 

Cảnh mua bán cá ở mỗi xuồng chỉ mất chừng 20 - 30 phút, sau đó, cánh "hạ bạc" không vội về ngay mà ngồi tại mấy quán cóc thấp lè tè cạnh chợ để nhâm nhi ly cà phê, ăn dĩa cơm tấm hoặc ổ bánh mì như một thói quen. Còn tiểu thương, thì rời chợ mang cá về các địa phương lân cận bán lại kiếm lời.

Một chiếc xuồng máy của dân "vạn chài" đến chợ Tha La sau một đêm đi thả lưới bắt cáMột chiếc xuồng máy của dân "vạn chài" đến chợ Tha La sau một đêm đi thả lưới bắt cá

Chúng tôi theo chân chị Nguyễn Thị Hường (54 tuổi, trú tại ấp Phú Hòa, xã An Phú, huyện Tịnh Biên đến chợ Tha La từ sớm để lựa cá. Với kinh nghiệm 15 năm mua cá tại chợ Tha La để đem đi bán ở các vùng khác, bàn tay chị Hường nhanh chóng lựa những con cá tươi nhất, và cho biết: ":Khuya là tôi đến chợ Tha La lựa mua, tới sáng thì đi chợ khác để bán. Nét khác biệt riêng của chợ Tha La là chỉ nhóm họp về đêm, nhưng luôn được tiểu thương ưu ái ghé lại bỏ hàng”.

Chợ Tha La bán tất cả những “đặc sản” của mùa nước nổi như: cá linh, cá lóc đồng, cá rô đồng, cá chốt, cá thiểu, cá khoai, cá lòng tòng, lươn, chạch… được người dân đánh bắt ở các cánh đồng ngập nước như: Thới Sơn, Nhơn Hưng (thị xã Tịnh Biên), Vĩnh Tế (thành phố Châu Đốc)…

Bà Mai Thị Hà, một tiểu thương tại chợ tự hào khoe về nghề gia truyền suốt 30 năm qua của gia đình: “Dòng Tha La ngày xưa chạy cá 1 đêm 10 tấn, nhà tôi 11 người con đều làm nghề đóng đáy 30 năm. Tới vụ cá mang về đổ lên chợ nhiều là vui lắm, nghề của mình mà”.

Bà Hà kể, chợ Tha La hình thành từ 30 năm trước, do bà con sống ven bờ kênh sinh sống bằng nghề đánh bắt thủy sản đồng nội nhóm họp tự phát. Ban đầu chỉ có vài người bày bán rau vườn, bông súng, cá tôm. Dần dà, tiểu thương phát triển thêm và chợ họp ngày càng đông. Nhờ có chợ này mà dân hạ bạc không phải vất vả chở cá đi xa. 

Người mua bán ở chợ Tha La thường phải mang theo đèn pin để rọi cân xem số ký và tính tiềnNgười mua bán ở chợ Tha La thường phải mang theo đèn pin để rọi cân xem số ký và tính tiền

Giữ hồn cốt của chợ cá miền Tây

Đang trò chuyện hào hứng, giọng nói của bà Mai Thị Hà bỗng trùng xuống khi nghĩ tới thời “vàng kim” của chợ Tha La. “Nếu ngày trước, mỗi đêm tại chợ Tha La có tới 100 ghe, xuồng đánh bắt và buôn cá đồng, thì nay chỉ còn khoảng 25 đầu xuồng. Theo thời gian, cá tôm ngày càng ít dần trong mùa lũ. Do đó, thay vì chỉ họp đến khi hừng đông, thì hiện nay, có hôm chợ “phá lệ” họp đến tận 8h sáng, để thích nghi với “thời cuộc”, nhiều người mạnh dạn ra bán thêm bánh quê, thịt heo, rau củ", bà Hà Kể.

Theo bà Hà, dân “vạn chài” của Tha La mấy mươi năm qua, cũng đã có không ít người gác lại nghề hạ bạc, rồi ly hương lên Bình Dương làm công nhân. Còn người nặng nợ với chợ “ma” thì ở lại và trông ngóng về những phiên họp chợ đặc biệt đầy ắp cá tôm của thủa xưa.

Một tiểu tương nhanh tay lựa cáMột tiểu tương nhanh tay lựa cá

Ngày nào cũng vậy, vợ chồng anh Lê Văn Phúc (trú tại thành phố Châu Đốc) cũng tranh thủ đến đây thật sớm để lựa chọn cá tươi đem về mấy chợ lớn ở Châu Đốc và Long Xuyên bán lại cho bạn hàng kiếm chút lời. “Mình phải đi sớm thì mới được cá tươi ngon, đi trễ không còn cá để lựa, đem về khó bán hơn. Làm ăn lâu ngày ai cũng quen mặt, mua, bán không cần trả giá nhiều”, anh Phúc nói.

Theo anh Phúc, trước đây anh phải đi xe tải, mua cả tấn cá mỗi đêm, song bây giờ, mỗi đêm anh chỉ mua được gần trăm kg cá các loại, chủ yếu là các loại các đặc sản của mùa nước nổi để cung cấp cho một số bạn hàng ở Cần Thơ và thành phố Hồ Chí Minh.

Đa dạng các loại cá bày bán tại chợĐa dạng các loại cá bày bán tại chợ

Gắn bó cả cuộc đời với nghề "hạ bạc", ông Nguyễn Văn Tài (trú tại phường Nhơn Hưng, thị xã Tịnh Biên) không khỏi bồi hồi nhớ lại “ngày gỡ cá sướng tay” của mùa nước nổi năm xưa.

"Năm nay nước lũ tràn vào cánh đồng cao gần cả mét, cá tôm cũng theo đó mà vào, dân câu lưới như tôi có thêm chút tiền chi tiêu cho gia đình và lo cho con ăn học. Tuy nhiên, nếu so sánh với lượng cá tôm của mùa nước nổi ngày xưa, thì bây giờ không thể nhiều cá, tôm bằng”, ông Tài tâm sự.

Với dân “vạn chài” vùng sông nước Cửu Long, còn nước là còn cá. Mà cá, tôm còn thì phiên chợ Tha La vẫn sẽ nhộn nhịp về đêm. Khi trời hừng đông, nông dân đã bán cá xong, mắt mũi cay xè vì thiếu ngủ rời chợ Tha La, khuất dần sau một đêm sương gió trắng đồng. Công việc vất vả nhưng đó là nghề mà họ mưu sinh, cũng là góp phần giữ hồn cốt của chợ miền Tây.

Xem bản gốc