Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thị trường ngành phân bón nội địa đã bão hòa với nguồn cung phân bón nhiều hơn nhu cầu ở phân khúc phân Ure/Phân lân và NPK. Chính vì vậy, các doanh nghiệp đang tìm hướng xuất khẩu sản phẩm phân bón ra thế giới.
GIÁ PHÂN BÓN DỰ KIẾN TĂNG CAO NHỜ GIÁ LƯƠNG THỰC TĂNG
Theo báo cáo Hiệp hội phân bón thế giới (IFA) cho tầm nhìn trung hạn 2024 -2028 vào tháng 7/2024, tổng công suất Ure thế giới được dự báo đạt 165,9 triệu tấn trong năm 2024 và tăng lên 177,8 triệu tấn trong năm 2028 (+7,1%), tương đương mức tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 1,5% trong giai đoạn 2024 đến 2028. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ dự kiến tăng 6% cho giai đoạn 2024-2028. Vì vậy, phân Ure dự kiến sẽ dư cung từ 3,6 triệu tấn vào năm 2024 lên 5,1 triệu tấn vào năm 2028.
Tổng công suất phân Photpho dự kiến tăng từ 54,3 triệu tấn năm 2023 lên 60,3 triệu tấn năm 2028, tương đương tăng 11%. Trong khi đó, nhu cầu phân Photpho chỉ tăng 8%. Vì vậy, phân Photpho dự kiến dư cung như năm 2023, tương đương dư 14% tổng công suất trong năm 2028.
Tương tự với phân Kali, tổng công suất cũng dự kiến tăng từ 52,1 triệu tấn lên 58,9 triệu tấn trong năm 2028, tương dương tăng 13%. Nguồn cung tăng chủ yếu đến từ Nga và Belarus. Trong khi đó, nhu cầu phân Kali chỉ tăng 10%. Từ đó, lượng phân bón Kali dự kiến dư 9,1 triệu tấn trong năm 2028, tăng từ mức 8,6 triệu tấn trong năm 2023.
Về giá bón, theo chứng khoán Rồng Việt, giá Ure trong nước hiện nay vẫn duy trì ổn định ở mức 10 nghìn đồng/kg và kỳ vọng sẽ tăng nhẹ trong vụ Đông Xuân trong biên độ 5%-10% khi nhu cầu nông sản quay trở lại tuy nhiên mức tăng sẽ không quá cao khi giá Ure thế giới vẫn duy trì ổn định ở vùng 300-350 USD/tấn.
Đồng quan điểm, theo nhận định của Chứng khoán ABS, nhu cầu tiêu thụ thế giới năm 2024 dự kiến tăng nhẹ, ước đạt 189 triệu tấn. Châu Á vẫn sẽ là thị trường lớn nhất về sử dụng ure trực tiếp và cũng sẽ thống trị tăng trưởng trong hai thập kỷ tới về tổng khối lượng mặc dù tốc độ tăng trưởng phần trăm được dự báo sẽ ở mức vừa phải, chỉ 0,7% mỗi năm, với mức tăng khối lượng lớn nhất cho đến nay là ở Nam Á.
Dự báo tăng trưởng mạnh mẽ ở Châu Mỹ Latinh và Châu Phi, những khu vực có nhiều tiềm năng phát triển nhất trong lĩnh vực nông nghiệp.
Tại thị trường trong nước, nhu cầu tiêu thụ dự kiến tăng nhất là vào giai đoạn từ Q4/2024 đến Q1/2025 khi bước vào vụ Đông Xuân. AgroMonitor dự báo tiêu thụ ure trong nước tại Việt Nam năm 2024 sẽ ở mức 2,05-2,11 triệu tấn, tăng so với 1,74-1,93 triệu tấn trong năm 2022–2023.
Giá phân bón còn được kỳ vọng tăng nhờ nông sản tăng cũng kích thích nhu cầu sử dụng phân bón. Giá lúa gạo có chiều hướng tăng do Ấn Độ vẫn duy trì hạn ngạch xuất khẩu gạo và nguồn cung xuất khẩu gạo thế giới chưa có dấu hiệu cải thiện & nhu cầu từ các thị trường lớn vẫn ở mức cao.
Mới đây, Chính phủ Philippines đã thông qua việc giảm thuế nhập khẩu gạo từ 35% xuống còn 15% đối với cả gạo trong và ngoài hạn ngạch cho đến năm 2028. Đây là cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, bao gồm Việt Nam – nước xuất khẩu gạo lớn nhất vào Philippines, chiếm tới 80% thị phần vào năm ngoái.
Xuất khẩu các nông sản khác cũng kỳ vọng tiếp tục cải thiện trong năm 2024. "Việc giá cả các nông sản tăng cao sẽ kích thích nhu cầu sử dụng phân bón, từ đó giúp tăng sản lượng tiêu thụ phân ure", ABS nhấn mạnh.
MỘT DOANH NGHIỆP ĐƯỢC DỰ BÁO "ĐÚT TÚI" THÊM HÀNG TRĂM TỶ NẾU LUẬT VAT ĐƯỢC THÔNG QUA
DCM là doanh nghiệp được nhận định hưởng lợi nhiều nhất trong giai đoạn cuối năm 2024 và năm 2025. Chứng khoán ABS dự phóng doanh thu thuần & Lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ năm 2024 của DCM dự kiến đạt 13.950 tỷ đồng tăng 11% và 1.729 tỷ đồng tăng mạnh 55,9% so với cùng kỳ, chưa tính đến kịch bản tích cực.
Nếu tính đến kịch bản tích cực lợi nhuận của DCM có thể tăng thêm 300 tỷ đồng. Cụ thể, ngành phân bón sẽ hưởng lợi nếu sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng, trong đó có đề cập tới việc loại bỏ phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, đồng thời bổ sung mặt hàng này vào diện chịu thuế 5%. Vấn đề này dự kiến sẽ có thể được thông qua sớm nhất tại kỳ họp Quốc hội tiếp theo (tháng 10/2024). Nếu dự thảo được thông qua, thay đổi dự kiến sẽ có hiệu lực từ tháng 7/2025 trong kịch bản tốt nhất.
Chi phí kinh doanh sản xuất đầu vào của DCM năm 2025 dự phóng vào khoảng 12.000 tỷ đồng. Nếu Luật Thuế VAT mới được áp dụng từ đầu năm sau, DCM có thể được khấu trừ khoảng 550-600 tỷ đồng thuế VAT đầu vào kể từ năm 2025. Điều này ước tính sẽ giúp DCM tăng thêm 270-300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm 2025.
Nhà máy sản xuất đạm ure đã hết khấu hao từ Q4/2023. Chi phí khấu hao nhà máy mỗi năm thường dao động quanh 1.200 tỷ đồng/năm. Do đó, việc hết khấu hao sẽ giúp DCM có thể tiết kiệm 800-900 tỷ đồng tiền khấu hao trong năm 2024. Điều này sẽ giúp cải thiện đáng kể lợi nhuận năm 2024 của DCM.
Với thị trường xuất khẩu, ngoài thị trường Campuchia, DCM mở rộng thị trường sang các nước khu vực Đông Nam Á, Nam Á, Mỹ La Tinh như Thái Lan, Myanmar, Philippines, Bangladesh, Nepal, Sri Lanka, Ấn Độ, Brazil. Đây được xem là thị trường có quy mô tiêu thụ phân bón lớn, ổn định, phát huy được lợi thế cạnh tranh về giá bán, chất lượng sản phẩm và được người tiêu dùng đánh giá tích cực trong thói quen sử dụng đạm hạt đục.
Trong các năm tới, DCM tiếp tục mở rộng thị trường mới ở Châu Âu, Châu Đại Dương và Bắc Mỹ.
Mặc dù vậy, nhận định về tham vọng xuất khẩu của các doanh nghiệp phân bón, Chứng khoán Rồng Việt cho rằng các doanh nghiệp của Việt Nam đang tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước khi nhu cầu thế giới cao. Tuy nhiên, việc giành được thị phần của các cường quốc xuất khẩu Ure còn nhiều khó khăn khi chi phí sản xuất phân Ure của Việt Nam cao hơn nhiều nước do chi phí đầu vào để sản xuất đạm của Việt Nam đang cao hơn đáng kể so với các nước sản xuất đạm lớn như Nga, Ai Cập, Trung Quốc.