Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết năm 2024, Việt Nam đón 17,6 triệu lượt khách quốc tế, đạt 98% so với năm 2019 thời điểm trước đại dịch Covid-19, gần như phục hồi hoàn toàn. Trong khi đó, các quốc gia phát triển du lịch khác trong khu vực đều đạt mức thấp hơn khá nhiều. Đơn cử, Thái Lan phục hồi ở mức 88%, Singapore và Indonesia cùng phục hồi ở mức 86%, Philippines đạt mức 72%, Malaysia đạt mức 94%.
Con số 17,6 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam cũng vượt qua Singapore (16,5 triệu), vươn lên xếp thứ 3 sau Thái Lan (35 triệu) và Malaysia (dự kiến 24,5 triệu). Lượng khách quốc tế đến Việt Nam cao hơn nhiều so với Indonesia (dự kiến 13,8 triệu lượt) và Philippines (5,9 triệu lượt).
Nhìn lại chặng đường từ khi chính thức mở cửa trở lại sau dịch từ 15/3/2022, ngành du lịch Việt Nam đã có những bước phục hồi rất mạnh mẽ. Nếu như năm 2022, lượng khách quốc tế đạt 3,7 triệu lượt, thì năm 2023 đã lên tới 12,6 triệu lượt và đến năm 2024 đã đạt 17,6 triệu lượt (tăng 40% so với năm 2023 và gấp 4,7 lần so với năm 2022).
Lãnh đạo Cục Du lịch nhìn nhận thành tựu của ngành trong thời gian qua có được nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với việc ban hành các chỉ thị, nghị quyết tạo thuận lợi cho du lịch phục hồi. Chính sách visa thông thoáng là động lực quan trọng thu hút khách quốc tế. Cùng với đó là hiệu quả đột phá của các chương trình xúc tiến, quảng bá tới các thị trường trọng điểm trong năm 2024.
Trong đó, điểm nhấn là sự đổi mới sáng tạo về nội dung, phương thức xúc tiến quảng bá, thể hiện ở một số điểm đáng chú ý như lựa chọn thị trường trọng điểm, tập trung vào các quốc gia là đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam; phương thức xúc tiến đa dạng, từ tổ chức road show, tham gia hội chợ, lễ hội văn hóa du lịch, hội nghị xúc tiến...; gia tăng quy mô tổ chức các chương trình xúc tiến; phát huy cơ chế hợp tác công tư, huy động nguồn lực xã hội; quảng bá đa dạng các loại hình du lịch, nhất là các sản phẩm mới, phù hợp với nhu cầu du khách.
Theo báo cáo mới nhất của Agoda, Việt Nam cùng Malaysia là hai điểm đến dẫn đầu trong khu vực ASEAN về thu hút lượng booking cho các tour du lịch bền vững, bảo vệ môi trường (Eco Deals) - một xu hướng chủ đạo của du khách quốc tế sau dịch.
Nền tảng trực tuyến này cho biết 75% du khách toàn cầu nói rằng họ muốn đi du lịch theo hướng bền vững hơn trong 12 tháng tới. Trong top 10 thành phố hấp dẫn nhất cho loại hình du lịch này, Việt Nam có tới 3 thành phố góp mặt là Đà Nẵng, Nha Trang và TP HCM.
Số liệu từ nền tảng du lịch trực tuyến Agoda cho thấy Việt Nam tiếp tục khẳng định sức hút mạnh mẽ với du khách quốc tế trong dịp Tết Nguyên Đán 2025. Lượng tìm kiếm chỗ ở từ khách quốc tế tăng 139% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, lượng khách từ Trung Quốc tăng gần 300%.
Ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đầy tham vọng cho năm 2025: Đón từ 22 - 23 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 120 - 130 triệu lượt khách nội địa, đạt tổng thu từ du lịch khoảng 980 - 1.050 nghìn tỷ đồng.
Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu nhận định ngành du lịch Việt Nam đang duy trì đà phục hồi mạnh mẽ. Lượng khách nội địa và quốc tế tăng cao ở nhiều điểm đến, trong khi giá cả dịch vụ du lịch ổn định và các điều kiện như an ninh, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm được đảm bảo.
“Để đạt được mục tiêu 22 - 23 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2025, Việt Nam cần duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 25 - 30% trong năm tới. Đây là một thách thức lớn, nhưng với các chiến lược phát triển sản phẩm du lịch mới, nâng cao chất lượng dịch vụ và đẩy mạnh quảng bá, mục tiêu này có thể khả thi”, ông Trần Đức nhận định.