Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Một quỹ của tỷ phú Phạm Nhật Vượng trợ lực cho hàng nghìn người VN: “Làm ở Nvidia là hoàn toàn có thể”

Markettimes 3 Tuần trước

Đây là Quỹ Đổi mới và sáng tạo Vingroup (VinIF). Quỹ VinIF được thành lập từ năm 2018, nằm trong hệ sinh thái của VinBigdata và tập trung vào hoạt động tài trợ và đào tạo khoa học công nghệ.

Ngày 20/12, tại Hà Nội, Quỹ VinIF tổ chức Lễ công bố các chương trình tài trợ năm 2024. Theo đó, tổng mức tài trợ trong 6 năm liên tiếp của VinIF cho khoa học công nghệ Việt là hơn 900 tỷ đồng.

Năm 2024, với sự đồng hành của Hội đồng chuyên gia, Quỹ VinIF đã xét chọn tài trợ cho 07 dự án khoa học công nghệ (KHCN); 07 dự án và 15 sự kiện văn hóa, lịch sử (VHLS); 200 học bổng thạc sĩ, tiến sĩ; 60 học bổng sau tiến sĩ; 38 hội nghị, hội thảo, bài giảng đại chúng. Các đề án hợp tác đào tạo thạc sĩ khoa học dữ liệu cũng tiếp tục được triển khai.

2024 là năm thứ 6 liên tiếp VinIF đồng hành cùng khoa học - công nghệ Việt thông qua các hoạt động hỗ trợ hiện thực hóa những nghiên cứu và dự án tiềm năng. Đến nay, VinIF đã và đang trợ lực cho hơn 3.500 nhà khoa học, cấp kinh phí cho 124 dự án, tạo ra hơn 80 sáng chế trong nước và quốc tế, trên 600 công trình công bố trên các tạp chí và hội nghị quốc tế uy tín, 350 sản phẩm các loại. Đặc biệt, trong năm nay, tỷ lệ dự án nghiệm thu đã thương mại hóa sản phẩm hoặc chuyển giao công nghệ và thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp là 22% và 34%.

Trong số 11 dự án nghiệm thu đã thương mại hóa sản phẩm, có 3 dự án có doanh thu từ 5 – 10 triệu USD. Đây có thể coi là các startup tương đối thành công.

gs-van.jpgTheo GS Vũ Hà Văn, tỷ lệ dự án nghiệm thu thương mại hóa trong năm 2024 được duy trì ở mức trên 20% là thành quả rất nổi bật của VinIF trong năm qua. Ảnh: MH

"So với năm 2023, tỷ lệ dự án nghiệm thu thương mại hóa trong năm 2024 đã được duy trì ở mức rất cao là trên 20%. Đây là một thành quả mà bản thân tôi là một nhà khoa học nghiên cứu cơ bản thấy rằng rất nổi bật. Điều này thể hiện được chiến lược tài trợ đúng đắn của Quỹ VinIF là mang lại những lợi ích thiết thực", GS Vũ Hà Văn, Giám đốc Khoa học của Quỹ VinIF cho biết.

Trong số các nhà khoa học nhận tài trợ từ Quỹ VinIF, nhiều gương mặt xuất sắc đã được ghi nhận ở tầm quốc gia và quốc tế. Trong số 30 ứng cử viên giành giải thưởng khoa học – công nghệ Quả Cầu Vàng trong 3 năm qua có 10 ứng viên nhận tài trợ của VinIF. Ngoài ra, có hàng chục ứng viên xuất sắc khác được vinh danh là gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam, có tên trong danh sách Forbes Under 30 và top các nhà khoa học có tầm ảnh hưởng thế giới...

"Tài trợ 900 tỷ đồng, bệ phóng cho hàng nghìn người Việt Nam"

hop-tac-tai-tro.jpgGs Vũ Hà Văn và bà Trần Thu Huyền (cán bộ phụ trách quản lý Quỹ VinIF) và các đại diện dự án tại Lễ Ký kết tài trợ dự án khoa học công nghệ năm 2024. 

Theo GS Vũ Hà Văn: "Cách đây 6 năm, trong những ngày hoạt động đầu tiên, mong muốn của chúng tôi là góp phần kiến tạo ngay trong nước, đó là một nền văn hóa làm việc mới, với phong cách làm việc khoa học và thiện chí, sáng tạo. Nhất là những bạn trẻ làm khoa học, chúng tôi muốn đưa cho họ một cơ hội để họ có thể bung sức sáng tạo mà không phải quá bận tâm tới những thủ tục hành chính rườm rà và một số vấn đề như "cơm áo gạo tiền" trong việc nghiên cứu.

Chúng tôi cũng muốn những nhà khoa học trẻ, những người bắt đầu vào chặng đường khoa học như các học viên làm nghiên cứu tiến sĩ, hãy coi đó là bước khởi đầu của sự nghiệp khoa học. Đó là một nghề, chứ không phải danh hiệu hay học vị".

Quỹ VinIF công bố tài trợ cho năm 2024 là trên 100 tỷ đồng, nâng tổng số kinh phí tài trợ trong 6 năm qua lên hơn 900 tỷ đồng, trợ lực được cho 3.500 nhà nghiên cứu và là bệ phóng cho hàng nghìn người khác.

"Trong thời gian tới, Quỹ VinIF hy vọng sẽ ngày càng kiến tạo được nhiều ảnh hưởng tích cực hơn nữa, nhất là trong đời sống khoa học và tác phong nghiên cứu tại Việt Nam.

Tuy nhiên, để tạo ra chuyển biến rõ rệt và mạnh mẽ hơn nữa, vai trò chính của các nhà khoa học là rất quan trọng. Việc tạo ra được nhận thức đúng đắn về vai trò khoa học và việc nghiên cứu ra sao phụ thuộc vào chính nhà khoc học. Các bạn nghĩ về khoa học thế nào, nó sẽ đối xử lại với các bạn như thế. Đây cũng là trách nhiệm xã hội của các nhà khoa học. Quỹ VinIF sẽ luôn đồng hành cùng với cộng đồng khoa học Việt Nam trên con đường này", GS Vũ Hà Văn nhấn mạnh.

Theo GS Vũ Hà Văn, thực tế, chương trình học bổng thạc sĩ, tiến sĩ của Quỹ VinIF trả mức lương 120 triệu và 150 triệu/năm cho các học viên và nghiên cứu sinh nhằm giúp họ có thể dành toàn bộ thời gian vào học tập và nghiên cứu, từ đó đạt được những thành quả nghiên cứu thực sự chất lượng và tiệm cận trình độ quốc tế. Các ứng viên nhận học bổng của VinIF dần dần sẽ hướng đến việc coi nghiên cứu khoa học và làm tiến sĩ là một nghề nghiệp nghiêm túc. Đây là bước bắt đầu cho một sự nghiệp khoa học.

"Nhân sự Việt Nam hoàn toàn có thể làm việc ở Nvidia"

ba-huyen.pngBà Trần Thu Huyền - Cán bộ phụ trách quản lý Quỹ VinIF, cho rằng nguồn nhân lực trẻ của Việt Nam rất có tiềm năng.

Đồng quan điểm với GS Vũ Hà Văn, theo bà Trần Thu Huyền - Cán bộ phụ trách quản lý Quỹ VinIF, sứ mệnh của VinIF là tài trợ cho các dự án khoa học – công nghệ, những hoạt động đào tạo với định hướng tạo ra những sản phẩm và giải pháp công nghệ đột phá mang lại giá trị cũng như lợi ích thiết thực cho cộng đồng; đồng thời tạo ra các thay đổi tích cực và bền vững cho Việt Nam.

Thực ra nguồn nhân lực trẻ của Việt Nam được đánh giá là rất có tiềm năng về khoa học cơ bản và khoa học dữ liệu. Hàng năm, Việt Nam đạt được nhiều giải thưởng khá lớn về toán, tin và nghiên cứu khoa học. Các học bổng quốc tế mà người Việt Nam giành được cũng rất nhiều. Điều này cho thấy rằng đội ngũ nhân lực khoa học – công nghệ trẻ của Việt Nam thì hoàn toàn có tiềm năng.

"Cái khó ở đây là trong công tác tuyển sinh vì các bạn trẻ ở Việt Nam đến với nghiên cứu là nghề part-time, chưa phải nghề chính thức. Vì thế, các bạn cần có một công việc chính khác để trang trải kinh tế. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của VinIF cho các đề án, dự án, quỹ sẽ hỗ trợ một phần kinh phí cho các trường để đảm bảo công tác tuyển sinh và có học bổng cho các sinh viên tài năng", bà Trần Thu Huyền cho biết.

Trong năm 2022, sau khi được Bộ Khoa học và Công nghệ chấp thuận, Quỹ VinIF tài trợ và hợp tác đào tạo thạc sĩ 2 ngành khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI) với các viện nghiên cứu, trường ĐH của Việt Nam, nhằm hỗ trợ về nguồn lực tài chính, công nghệ, mạng lưới tri thức, chuyên gia cho cơ sở đào tạo và học viên cao học có điều kiện học tập, nghiên cứu đạt tầm quốc tế.

Theo bà Trần Thu Huyền: "Những bạn được nhận học bổng của VinIF đều rất xuất sắc. Không chỉ trao học bổng, VinIF còn tạo điều kiện kết nối với với tri thức thế giới, mạng lưới khoa học trong và ngoài nước. Cơ hội để các bạn học trong ngành khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo thâm nhập vào thị trường quốc tế là hoàn toàn có thể. Vừa qua, các công ty công nghệ hàng đầu thế giới như Nvidia có quyết định mở 2 trung tâm nghiên cứu AI ở Việt Nam và tuyển dụng nhân sự. Điều này cho thấy rằng nhân sự của Việt Nam cũng đã đạt được tới tầm quốc tế".

VinIF công bố các chương trình tài trợ năm 2024. Với sự đồng hành của Hội đồng chuyên gia, trong năm 2024, Quỹ VinIF xét chọn tài trợ 07 dự án khoa học công nghệ, 07 dự án và 15 sự kiện văn hoá, lịch sử; 200 học bổng thạc sĩ, tiến sĩ; 60 học bổng sau tiến sĩ; 38 hội nghị, hội thảo, bài giảng đại chúng.

Năm nay, nhiều dự án công nghệ cao được tài trợ như Dự án phát triển thiết bị tự hành dưới nước AUV sử dụng công nghệ SONAR cho quan trắc ngầm và đo đạc các tham số môi trường biển của Trường Điện - Điện tử, ĐH Bách Khoa Hà Nội, Dự án Thiết kế chip AI dựa trên cấu trúc mạng Spiking Neural Network và vi xử lý RISC-V đa lõi kết hợp mạng trên chip của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia TP HCM.

Tính đến hết năm 2024, VinIF đã tài trợ 748 học bổng thạc sĩ, 787 học bổng tiến sĩ, 240 học bổng sau tiến sĩ. Những nhà khoa học trẻ này đã tạo ra 1.500 công trình công bố trên các tạp chí và hội thảo uy tín quốc tế, 900 công trình trên các tạp chí và hội thảo trong nước, cùng hàng trăm sản phẩm sở hữu trí tuệ và giải thưởng khoa học – công nghê.

Xem bản gốc