Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

MRB thông tin tiến độ tuyến đường sắt Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, Hà Đông - Xuân Mai, Ga Hà Nội - Hoàng Mai, Ngọc Hồi - Yên Viên…

Markettimes 2 Ngày trước

Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Bá Sơn, Phó trưởng ban Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết, dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội đạt tiến độ tổng thể 80,32%. Trong đó, đoạn trên cao dài 8,5km, từ ga S1 đến ga S8, đã hoàn thành, vận hành thương mại vào ngày 8/8/2024.

Đối với đoạn tuyến đi ngầm (gói thầu CP03) tiến độ đạt 50,54%. Trong đó, máy khoan hầm TBM số 1 được vận hành từ ngày 30/7/2024, đến nay đã khoan được 647m, lắp đặt 431 vòng vỏ hầm. Máy khoan hầm TBM số 2 dự kiến khởi công trong tháng 1/2025.

Về dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, ngày 16/12/2024 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư. Hiện, MRB đang huy động tư vấn hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh dự án, trình UBND Thành phố phê duyệt.

Về giải phóng mặt bằng, khu vực depot với diện tích phải thu hồi là 17,58ha, đến nay đã giải phóng mặt bằng phần đất nông nghiệp. Phần đất cơ quan, đất quốc phòng, đất ở đang được kiểm đếm.

Với phần ga trên cao, chủ đầu tư và các địa phương đã giải phóng mặt bằng được khoảng 92% diện tích. Phần ga ngầm đã giải phóng mặt bằng được khoảng 79% diện tích.

Bên cạnh đó, đối với các dự án chuẩn bị đầu tư, ngày 21/6/2024, MRB đã phối hợp với Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông vận tải) tiếp nhận hồ sơ, tài liệu tuyến 1 (Ngọc Hồi - Yên Viên).

Thường trực Thành ủy thống nhất chủ trương hợp tác nghiên cứu tuyến 2A kéo dài (Hà Đông - Xuân Mai) với Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc.

Với tuyến 3.2 (ga Hà Nội - Hoàng Mai), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản báo cáo đủ điều kiện để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất sử dụng vốn ODA. Ban đang hoàn thiện thủ tục lựa chọn nhà thầu dự án hỗ trợ kỹ thuật.

Với tuyến số 5 (Văn Cao - Hòa Lạc), sau khi Luật Thủ đô 2024 có hiệu lực, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chuyển hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi về thành phố để tiếp tục thực hiện theo thẩm quyền.

qc-17358190327151650449972-0-0-1212-1939-crop-17358190425881092632171.pngQuang cảnh hội nghị (Ảnh: Cổng thông tin điện tử UBND TP. Hà Nội)

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn nhấn mạnh, năm 2024 khép lại trong bối cảnh cả nước nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng đang đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, triển khai các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, hiện đại hóa hạ tầng đô thị và cụ thể hóa cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Đối với Thủ đô Hà Nội, việc phát triển hệ thống giao thông công cộng, đặc biệt là đường sắt đô thị, không chỉ là nhiệm vụ cấp thiết mà còn là chìa khóa để giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và góp phần kiến tạo một đô thị thông minh, văn minh, xanh, sạch và đáng sống.

Sang năm 2025, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn đề nghị Ban khẩn trương hoàn chỉnh Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, đồng bộ với Thành phố Hồ Chí Minh tổng hợp để thông qua Chính phủ trình Quốc hội vào cuối tháng 2/2025.

Song song với đó, nghiên cứu xây dựng kế hoạch triển khai và hoàn chỉnh hệ thống cơ chế chính sách đầu tư xây dựng, cũng như thiết lập nguồn lực để có thể triển khai nhanh, đồng thời, đồng bộ, toàn bộ các hệ thống tuyến đường sắt đô thị đảm bảo nhu cầu của Đề án.

Bên cạnh đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, hoàn thành thi công đoạn ngầm tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội và sớm khởi động lại dự án tuyến số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. Đây là nhiệm vụ then chốt, đòi hỏi sự tập trung cao độ, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc.

Xem bản gốc